Kiểm soát Covid để tăng trưởng tín dụng
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Hiện nay, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng (TCTD), đã điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý 1/2021 và cả năm 2021 (52,5 - 75% TCTD kỳ vọng “tăng” so với 50 - 71,4% có cùng kỳ vọng ở quý trước), trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý 1/2021 và cả năm 2021 là cơ sở cho kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi.
Kết quả điều tra của Vụ Dự báo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý 1/2021 và tăng 13% trong năm 2021.
Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn, các nhóm TCTD còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng trong năm 2021.
Mặc dù Covid-19 vẫn phức tạp, song giới chuyên gia cho rằng sẽ sớm được kiểm soát. TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia ngân hàng cho rằng, tín dụng năm 2021 có thể tăng khoảng 15% do dịch Covid-19 được kiểm soát. Theo ông Nghĩa, thời gian tới, tăng trưởng chủ yếu phải dựa vào tín dụng (cung tiền). Do đó, để hỗ trợ tăng trưởng thời gian tới, cần mở rộng thêm để bù đắp cho các khoản nợ xấu, cho doanh nghiệp vay mới, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy thời gian qua NHNN đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng. Ngoài ra, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phát triển đa dạng sản phẩm, tín dụng ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân.
Còn theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, chính sách tín dụng sẽ được điều hành theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; điều hành tín dụng gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ kênh tín dụng ngân hàng.
Thống đốc cũng khẳng định, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.