Tết không bài tập với học sinh
Nỗi lo muôn thuở mang tên “bài tập Tết” năm học này đang có những thay đổi khi nhiều địa phương ra văn bản yêu cầu giáo viên không được giao bài tập cho học sinh, sinh viên trong thời gian nghỉ Tết để các em được đón cái Tết đầm ấm, nghỉ ngơi bên gia đình.
Lắng nghe để thay đổi
Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục xuất hiện công văn yêu cầu cụ thể về nội dung bài tập tết của học sinh, sinh viên. Ngày 5/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Hồ An Phong đã ký công văn hỏa tốc quyết định cho học sinh toàn tỉnh nghỉ Tết sớm nhằm tránh dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu giáo viên không giao bài tập về nhà cho học sinh.
Trước đó, ngày 2/2, Sở GĐĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có công văn về việc cấm giáo viên ra bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán. Theo công văn của Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong những năm qua, không ít phụ huynh phàn nàn về số lượng bài tập thầy cô yêu cầu học sinh phải hoàn thành trong thời gian nghỉ Tết quá nhiều.
Để học sinh không suy nghĩ với số bài tập trong thời gian nghỉ Tết, Sở yêu cầu các phòng giáo dục chỉ đạo các trường thuộc thẩm quyền quản lý, bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết. “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết, hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo sức khỏe” - nội dung công văn viết.
Sở cũng yêu cầu giáo viên dặn dò học sinh và phối hợp với phụ huynh đến khi chuẩn bị hết kỳ nghỉ Tết (còn khoảng 1-2 ngày) hãy cùng con ôn lại công thức, quy tắc trong sách giáo khoa và chuẩn bị bài kỹ trước khi đến lớp.
Như vậy, không chỉ là khuyến khích, đề xuất về việc giao bài tập mà trên thực tế, Sở GDĐT các địa phương nói trên nghiêm cấm giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh dịp tết này và các tết sau. Thậm chí, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bà Trần Thị Ngọc Châu còn khẳng định Sở đã có văn bản chính thức, nếu phát hiện giáo viên nào vẫn cố tình giao bài tập về nhà cho các em, sở sẽ có các biện pháp để xử lý.
Lý do đi đến quyết định này, theo bà Châu là vì Sở đã có nhiều buổi tiếp xúc và lắng nghe phụ huynh nêu lên ý kiến. “Việc ra quá nhiều bài tập đã tước mất đi quyền được vui chơi, nghỉ ngơi vào dịp Tết của các em học sinh. Để hài hòa giữa việc các em được nghỉ nhưng vẫn không quên kiến thức, chỉ cần dành ra khoảng 1-2 ngày cuối kỳ nghỉ ôn lại cho các em là sẽ ổn”- bà Châu chia sẻ.
Những bài tập tết thú vị
Ủng hộ quan điểm không giao bài tập về nhà dịp nghỉ tết, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng đây là thời gian gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tìm hiểu phong tục, tập quán truyền thống. Cũng có phụ huynh lo lắng về việc khi thầy cô không giao bài tập về nhà, con trẻ rảnh rỗi lại xem ti vi, điện thoại thì sao? GS Báo cho rằng từ kinh nghiệm của gia đình ông, hiện nay có rất nhiều phần mềm đọc truyện cổ tích, học tiếng Anh… trên mạng rất hữu ích. Nhưng người lớn phải đồng hành cùng các cháu, không thể để trẻ xem bất cứ chương trình gì chúng thích mà không có sự kiểm soát của người lớn vì lồng trong nhiều chương trình có nội dung xấu, không thích hợp để trẻ dưới 18 tuổi xem.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia cũng cần phân biệt việc giao bài tập và giao quá nhiều bài tập gây quá tải cho học sinh là khác nhau. Một giáo viên nêu thực tế thời gian nghỉ tết kéo dài khoảng 10 ngày, lượng bài tập cô cho khoảng 20 bài toán, nghĩa là mỗi ngày 2 bài thì không phải là quá nhiều. Nhưng nếu học sinh không làm đều đặn hàng ngày mà dồn vào đến một, hai ngày cuối cùng mới làm thì thành nhiều. Đó là chưa kể mỗi môn học đều có bài tập, dồn lại làm cùng một lúc thì mới thành “núi bài tập”…Đây cũng là thực tế không ít học sinh mắc phải khiến cho nỗi sợ mang tên bài tập Tết trở thành nỗi sợ thế hệ truyền từ năm này sang năm khác.
Thay đổi điều này, theo PGS.TS Trần Thành Nam- Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), nên bắt đầu từ cách giao bài tập của thầy cô. Đừng quan niệm bài tập chỉ là nhớ kiến thức lý thuyết khô khan. Hãy biến bài tập thành các nhiệm vụ hứng khởi, qua đó học sinh được trải nghiệm giá trị và ý nghĩa của Tết truyền thống; trao cho học trò cơ hội để tự tay giúp gia đình những công việc chuẩn bị, để biết tri ân nguồn cội. Như vậy, danh sách các bài tập của thầy cô giao có thể là giúp bố mẹ, ông bà một việc để đón Tết; tự tay làm một món ăn chuẩn bị cho ngày Tết; khai bút viết về những kế hoạch và dự định trong năm mới; dành tiền lì xì để giúp đỡ một hoàn cảnh khó khăn mà em biết…
Một ví dụ về bài tập tết thú vị mà chúng tôi được biết là của trường Tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) năm 2019. Danh sách 10 việc cô giáo giao học sinh làm bao gồm sắp xếp góc học tập gọn gàng, chụp ảnh lại; dọn nhà cửa cùng bố mẹ và ghi nhận ý kiến nhận xét của bố mẹ; lên ý tưởng trang trí cây đào, cây quất; khai bút đầu xuân, lời chúc ý nghĩa dịp đầu năm… Những “bài tập” thiết thực như thế, tin rằng học sinh nào cũng rất nhiệt tình hưởng ứng!