Nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tỉnh Sóc Trăng có 35,76% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer.
Theo ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng: Trong giai đoạn 2016-2020, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ chỗ toàn tỉnh có 57.814 hộ nghèo, chiếm 17,89% (trong đó hộ đồng bào Khmer nghèo chiếm gần 27%) vào năm 2016, đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 8.617 hộ, chiếm 2,66% (trong đó hộ nghèo đồng bào Khmer còn 4.140 hộ, tương đương 4,13%). Như vậy, mỗi năm tỉnh Sóc Trăng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 3% và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân Khmer là trên 4,5%.
Một số mô hình, dự án thuộc nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo đã giúp người dân tăng thêm thu nhập; trong đó, hiệu quả nhất là mô hình nuôi bò, nuôi dê (mỗi hộ được hỗ trợ 1- 2 con). Đây là một trong những mô hình giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer xóa đói giảm nghèo, có điều kiện vươn lên làm giàu, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, với các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho vùng đông bào dân tộc như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 83,6 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo (trên 23 tỷ đồng); hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ truyền thông giảm nghèo về thông tin… đã góp phần nâng cao nhận thức, phát triển vùng nông thôn cũng như nâng cao mức sống người dân…
Cũng trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh Sóc Trăng có 29 xã đặc biệt khó khăn và 158 ấp đặc biệt khó khăn thuộc 46 xã khu vực 2; 14 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Qua các năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đã có 7 xã khu vực 3 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 3 xã được công nhận hoàn thành Chương trình 135), 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần nâng số lượng xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 50 xã, trong tổng số 80 xã nông thôn của tỉnh.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lâm Sách khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã phát huy hiệu quả. Việc triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa phương thức sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn.
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn 5 năm tới, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer từ 3-4%/năm. Để thực hiện đạt mục tiêu này, các cấp ngành tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, nhất là trong nông nghiệp và phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao. Sóc Trăng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trong nhân dân, tăng cao mức hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tỉnh phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho từ 13.000 lao động trở lên, giải quyết việc làm từ 23.000 đến 25.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động từ 300-500 người.