Nuôi cá điêu hồng
Nuôi cá điêu hồng bằng kỹ thuật công nghệ có thể tận dụng nguồn nước thải để trồng rau thủy canh, vừa làm sạch môi trường từ đó giúp tăng thêm thu nhập từ rau.
Mới đây, Tổng cục Thủy sản kết hợp Công ty C.P Việt Nam đến thăm mô hình của trang trại nuôi cá điêu hồng công nghệ cao của một nông dân ở xã Phước Hậu (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Đây là mô hình nuôi cá điêu hồng (còn gọi là cá diêu hồng) trên ao nổi lót bạt với tổng diện tích 5.000m2 được chia ra 12 ao nuôi. Bình quân, mỗi ao nuôi rộng từ 150-200m2, mật độ thả từ 50-56 con/m3, được áp dụng kỹ thuật nuôi chia theo 3 giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1, lúc thả con giống đến 30 ngày sau nuôi, chuyển sang giai đoạn 2 tiếp tục nuôi dưỡng thêm 30 ngày và kế tiếp nuôi giai đoạn 3, đây là giai đoạn nuôi lên cá thịt. Bình quân, một vụ nuôi cá điêu hồng công nghệ cao khoảng 5 tháng, cá đạt trọng lượng từ 500-600 gram/con, đạt năng suất khoảng 31-32 kg/m3/vụ.
Theo người nuôi cá điêu hồng, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi công nghệ cao giúp giảm chi phí từ 10-15% so với nuôi cá trong lòng bè trên sông, rạch. Đồng thời cho ra sản phẩm cá đạt chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
“Đây là mô hình mới cần nhân rộng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến sản xuất cá điêu hồng chất lượng cao có truy xuất nguồn gốc khi đến bàn ăn”- ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.Thời gian qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu vào các vùng nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long nên việc nuôi cá truyền thống trên sông rạch gặp khó khăn về kiểm soát dịch bệnh và nguồn nước. Vì vậy, việc đầu tư áp dụng kỹ thuật nuôi cá điêu hồng công nghệ cao trong hồ nổi tròn lót bạt và không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi là bước tiến mới, thích ứng với tác động xấu của biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, việc nuôi cá điêu hồng bằng kỹ thuật công nghệ có thể tận dụng nguồn nước thải để trồng rau thủy canh, vừa làm sạch môi trường từ đó giúp tăng thêm thu nhập từ rau.
Tuy nhiên, tới nay nhiều nơi vẫn áp dụng lối nuôi cá điêu hồng truyền thống trong lồng bè. Vì vậy, khi chưa chuyển sang mô hình nuôi cá điêu hồng theo hướng công nghệ thì bà con vẫn cần nắm vững kỹ thuật nuôi trong lồng bè để có được hiệu quả cao. Hình thức này có thể tận dụng các thủy vực ở sông, hồ.
Cá điêu hồng là loại rô phi lai giữa loài rô phi đen với rô phi vằn, là loại cá có giá trị dinh dưỡng cao, sống và phát triển tốt trong các thuỷ vực nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Trước tiên, bà con cần thiết kế lồng nuôi hợp lý. Đó là lồng phải có độ thông thoáng, nước lưu thông nước. Lồng gồm các bộ phận chính là khung, phao, nhà bảo vệ, lưới lồng, dây neo, neo, đá ghiềm...
Về phao nâng lồng, cần dùng tấm xốp có kích thước 50 x 60 x 90 cm, phi nhựa 200lít. Để đảm bảo sức nổi của lồng, bố trí mỗi ô lồng từ 4 - 6 phao, phao được cố định vào khung lồng bằng dây thép. Với lưới, có dạng hình hộp lập phương hoặc hình chữ nhật có 1 mặt đáy, 4 mặt bên, mặt để hở (miệng lồng).
Cũng rất quan trọng là chọn vị trí neo lồng, phải chọn nơi thông thoáng, ít thuyền qua lại, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt. Địa điểm đặt lồng nuôi cá là khu vực sông, hồ có độ sâu ít nhất 3 - 4m nước (tính ở thời điểm mực nước xuống thấp nhất), đáy lồng cách đáy sông, hồ ít nhất 0,5m. Có lưu tốc dòng chảy 0,2 - 0,3m/giây, không nên nuôi ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết.
Lưu ý: Lồng bố trí trên sông thành từng cụm, mỗi cụm 10- 15 lồng (không quá 20 lồng), khoảng cách giữa các cụm cách nhau từ 200 - 300m bố trí theo hình chữ Z.
Sau thời gian nuôi 4 - 5 tháng, cá đạt trọng lượng 500g/con trở lên thì tiến hành thu hoạch.