Rộn rã một ‘ngôi làng’
Sáng nói chuyện với đồng bào Tày, Nùng, Dao ở Đông Bắc. Trưa ăn với đồng bào Mường, Thái ở Tây Bắc. Chiều ngắm tháp Chăm, leo nhà rông của người Ba Na. Rồi thong thả thăm chùa Khmer Nam Bộ. Đừng để mong muốn đó xa vời. Làm sao để ngôi làng 54 dân tộc anh em luôn rộn rã? Ông Trịnh Ngọc Chung - Quyền Trưởng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn trăn trở như vậy.
PV:Ông có thể cho biết mục tiêu của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là gì? Khác với bảo tàng như thế nào?
Ông Trịnh Ngọc Chung: Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 xác định rõ mục tiêu của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng) là một trung tâm hoạt động văn hoá - du lịch mang tính quốc gia. Là nơi tập trung tái hiện và gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế; đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, hoạt động thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ…
Trong khi mục tiêu của bảo tàng đề cao bảo tồn giá trị hiện vật gốc thì Làng là tái hiện để quảng bá, khai thác du lịch. Làng không chỉ tái hiện những giá trị văn hóa vật thể mà còn có thể tái hiện giá trị văn hóa phi vật thể. Có gần 90% các công trình kiến trúc của đồng bào được đầu tư xây dựng gần như là lấy nguyên mẫu ở một địa phương với kích thước tỷ lệ 1.1. Trước khi xây dựng, các chuyên gia có khảo sát kỹ và trao đổi với địa phương, các nghệ nhân của các dân tộc. Có những ngôi làng do đích thân các nghệ nhân làm.
Để quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, phương châm của Làng là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Có nghĩa là bà con các dân tộc phải được tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng cũng như tổ chức hoạt động tại Khu các làng dân tộc.
Ông có thể cho biết một số thành quả đạt được sau 10 năm hoạt động?
-Từ ngày 19/9/2010 khi Làng bắt đầu hoạt động đến nay càng khẳng định chủ trương và mục tiêu xây dựng của Chính phủ là đúng. Tính đến năm 2019, đã có 16 cộng đồng dân tộc đang tham gia các hoạt động hàng ngày tại Làng. Nếu không có dịch Covid-19 thì năm 2020 sẽ có 18 cộng đồng các dân tộc hoạt động tại Làng. Du khách đến với Làng ngày một đông. Năm 2019 Làng đón tới 700.000 lượt khách. Còn năm 2020 do dịch covid-19 nên chỉ đón hơn 400 ngàn lượt khách.
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức tại Làng. Có những sự kiện đã được tổ chức thường niên như: “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4). Đặc biệt là Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam (18-23/11) do Bộ VHTTDL phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên đến Làng được trải nghiệm không gian văn hóa của 54 dân tộc. Không phải ai cũng có điều kiện đến vùng sâu, vùng xa để tìm hiểu những giá trị văn hóa đó. Nhưng đến Làng có thể được nghe chính người dân tộc giới thiệu về văn hóa của mình.
Cơ chế phối hợp thế nào để đồng bào các dân tộc về sinh sống tại Làng, thưa ông?
-Hiện tại, Làng vừa được đầu tư vừa khai thác. Tuy nhiên chưa có Quy chế phối hợp giữa Làng hay Bộ VHTTDL với các địa phương để đưa đồng bào về thường xuyên. Hàng năm chúng tôi đều phải xây dựng kế hoạch và trình Bộ VHTTDL ký phê duyệt sau đó mới gửi về UBND các tỉnh, để giao các Sở VHTTDL làm việc với các cộng đồng, các nghệ nhân… Cơ chế này chỉ là giải pháp tạm thời. Chúng tôi đang tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một quy chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với các địa phương.
Hiện tại nguồn kinh phí để đưa đồng bào về Làng lấy từ đâu?
-Do ngân sách chi trả vì các hoạt động của bà con hiện tại là phục vụ công ích, nhằm bảo tồn, quảng bá văn hóa để lưu trữ, giáo dục và nghiên cứu khoa học…
Theo ông cơ chế nên như thế nào để Làng vừa thực hiện tốt mục tiêu vừa phát triển khi đưa đồng bào về?
-Ban đầu, khi mới đi vào hoạt động thì tất cả kinh phí do Nhà nước chịu trách nhiệm chi trả. Còn hiện nay Làng đang thực hiện theo hai hình thức. Một là hỗ trợ bà con bằng nguồn kinh phí được trích lại từ hoạt động du lịch. Hai là từ sự hỗ trợ của các địa phương. Chúng ta không nên xã hội hóa hoạt động đưa bà con về Làng.
Bởi vì nếu xã hội hóa, bà con sẽ không giữ nét văn hóa của mình mà mải chạy theo lợi nhuận sẽ gây méo mó, lệch lạc về bản sắc. Ví như khi vào nhà dài của người Ê Đê không phải để nghe hát ca trù hay quan họ. Nhưng nếu xã hội hóa mà du khách thích thì người dân sẽ phục vụ. Vì thế, không gian hoạt động của các làng dân tộc phải được tôn trọng và phản ánh đúng với giá trị thực của cộng đồng dân tộc đó.
Làng ở xa trung tâm thành phố Hà Nội nhưng cơ sở vật chất phục vụ du khách chưa được thuận tiện?
-Để tạo thuận tiện cho nhu cầu của du khách, sắp tới chúng tôi sẽ trình Bộ VHTTDL đề án khai thác các dịch vụ, để làm sao khi du khách đến Làng thì có thể đáp ứng được nhu cầu.
Khi quy hoạch và triển khai, chúng tôi sẽ xây dựng các khu chức năng tập chung. Ví như khu ẩm thực, vui chơi, bán hàng lưu niệm, lưu trú… Trông vào nguồn ngân sách sẽ chậm. Trong khi đó hành lang pháp lý và cơ chế chưa đảm bảo để các doanh nghiệp đầu tư. Vì thế, Bộ VHTTDL sẽ có đề án báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Khuôn viên Làng rất rộng, vậy công tác quản lý chống xâm lấn như thế nào?
-Làng rộng 1544 ha, trong đó gần 600ha mặt nước hồ Đồng Mô. Theo quy hoạch lần đầu năm 1999 có một số khu vực đã giải phóng mặt bằng, đã đền bù và đã xây được tường bao. Sau này điều chỉnh quy hoạch giao thêm diện tích thì chưa được triệt để về giải phóng mặt bằng, thậm chí chưa cắm mốc nên chúng tôi rất vất vả trong việc bảo vệ chống lấn chiếm hàng ngày. Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu với cấp có thẩm quyền để giải quyết rồi xây dựng tường bao để chấm dứt lấn chiếm.
Hiện tại, đã có tuyến xe bus phục vụ du khách từ trung tâm Hà Nội đến Làng?
-Tuyến đường bộ từ trung tâm Hà Nội lên Làng rất thuận lợi. Trong quy hoạch giao thông đến năm 2030 có một tuyến tàu điện chạy trong từ trung tâm Hà Nội đến cách làng văn hóa 2km. Tuyến xe bus đến Làng thì có nhưng chưa có chạy thẳng mà vòng qua khu công nghiệp. Chúng tôi cũng đã làm việc với Sở Giao thông Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội để bàn phương án bố trí một tuyến xe bus chạy từ bến Kim Mã vào cổng làng Văn hóa với tần suất 15 phút/chuyến. Thậm chí vào những khung giờ nhất định có xe bus miễn phí.
Xin cảm ơn ông!