Con tôm vùng đất 9 rồng

Quốc Trung 11/02/2021 10:30

Vài năm gần đây, 3 tỉnh ven biển cực Nam của Tổ quốc là Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đang vươn lên trở thành thủ phủ ngành nuôi tôm cũng như xuất khẩu tôm theo hướng phát triển bền vững, từng bước khẳng định vị thế của con tôm Việt trên bản đồ thủy sản thế giới.

Tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kính ở Bạc Liêu.

Trước khi thực hiện mục tiêu trở thành “thủ phủ tôm” của cả nước, Bạc Liêu chính là nơi “khai sinh” ra mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính đầu tiên ở Việt Nam. Đó là mô hình nuôi tôm của ông Đinh Vũ Hải (ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu).

Mô hình này ra đời trong bối cảnh tôm nuôi của người dân ở các tỉnh ven biển trong khu vực ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Trong lúc các ngành chức năng gặp khó khăn trong việc xác định nguyên nhân tôm chết, ông Hải đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để tự cứu mình.

Ông sang tận Thái Lan để tham quan, học tập mô hình nuôi tôm trong nhà kính của Tập đoàn C.P. Qua đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, ông Hải cùng gia đình đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính tại Bạc Liêu với năng suất mỗi vụ từ 60-90 tấn/ha. “Do tôm nuôi mau lớn, thời gian nuôi ngắn nên một năm có thể nuôi từ 3-4 vụ, đạt tổng sản lượng trên 200 tấn/ha/năm” - ông Hải cho biết.

Tiếp sau đó, nhiều doanh nghiệp rầm rộ triển khai hàng loạt mô hình nuôi tôm trong nhà kính ở Bạc Liêu. Với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành “thủ phủ tôm” theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2018, Bạc Liêu đã khởi công “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” tại vùng đất ven biển thuộc xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu. Dự án này có quy mô gần 419 ha, tổng vốn đầu tư 3.217 tỉ đồng, lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cũng như các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ, do biến đổi khí hậu, Bạc Liêu đang đối diện với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn hằng năm tàn phá nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp.

Tình thế buộc các địa phương, trong đó có Bạc Liêu phải chuyển dịch cơ cấu từ trồng lúa sang nuôi tôm hoặc lúa tôm, rừng tôm… Tăng diện tích, đồng nghĩa với sản lượng tôm sẽ tăng theo từng năm. Nếu làm tốt câu chuyện nuôi trồng, chế biến hướng đến thị trường thì các tỉnh vùng tôm sẽ biến nguy cơ thành thời cơ, tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Đến nay, Bạc Liêu đã có trên 10 tập đoàn sản xuất tôm công nghệ cao, với tổng diện tích trên 1.000 ha. Cách làm của doanh nghiệp cũng nhanh chóng được nhân rộng ra cộng đồng dân cư với hàng ngàn ha đang được các hộ nuôi áp dụng.

Người dân Bạc Liêu thu hoạch tôm.

Theo ông Phan Thanh Điền, người nuôi tôm ở huyện Hòa Bình, những năm gần đây, kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao phát triển và lan tỏa rất mạnh ở Bạc Liêu với hàng chục mô hình sáng tạo phù hợp với đặc điểm từng vùng. Nhờ đó mà trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm của người nông dân nâng lên đáng kể, ít rủi ro.

Nhờ đột phá ứng dụng công nghệ cao, hiện tại, tuy đứng sau tỉnh Cà Mau về vùng nguyên liệu nhưng diện tích nuôi tôm bằng công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu xếp đầu cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng vừa phê duyệt Đề án xây dựng Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp nuôi tôm cả nước với nguồn vốn đầu tư trên 3.000 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao cho 2 đối tượng tôm nước lợ chủ lực (tôm thẻ chân trắng và tôm sú).

Đồng thời sẽ là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng để thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản nói chung. Cụ thể năm 2020 có vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao từ 32- 35 tỉ con giống và đến năm 2025 là từ 40- 45 tỉ con giống, đảm bảo chất lượng đạt 90%, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh và xuất sang các tỉnh lân cận.

Cũng theo Đề án này, đến năm 2025, diện tích nuôi tôm của Bạc Liêu là 147.900ha, với nhiều mô hình, như: Ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh; tôm - lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp…với sản lượng 249.000 tấn.

Ông Trương Ðình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định: Nguồn cung tôm thế giới sau dịch Covid-19 có khả năng sẽ thiếu hụt trong khi nhu cầu tiêu thụ có thể bằng hoặc tăng 1-2% so với trước khi có dịch.

Trong đó, 4 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU đang mạnh tay khôi phục kinh tế đều là những thị trường chính của tôm Việt Nam. Theo ông Hòe, xu hướng tiêu dùng của thế giới có thể thay đổi lớn sau dịch bệnh, tuy nhiên tập quán ưa chuộng thủy sản vẫn không thay đổi nhiều.

Thực tế thì hiện tại ở ĐBSCL giá thương lái trả để mua 1kg tôm thẻ nguyên liệu loại 100 con là 100 ngàn đồng. So với đầu năm 2020, giá tôm đã tăng khoảng 15%. Giá tăng là nhờ các nhà máy đẩy mạnh thu mua. Đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng 3 năm trở lại đây.

Nhờ tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong việc đẩy mạnh thâm canh, thả nuôi nên hiện bà con tại các vùng nuôi tôm có được nguyên liệu để bán với giá cao. Không chỉ trúng giá, mà bà con có thu được sản lượng khá tốt. Việc chất lượng không ngừng gia tăng thời gian qua, đã giúp ngành tôm Việt Nam tăng thị phần ở nhiều thị trường lớn. Trong đà tăng trưởng, các doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy việc khép kín chuỗi giá trị từ làm giống cho đến chế biến xuất khẩu, đảm bảo yêu cầu của thị trường là truy xuất từ khâu đầu đến khâu cuối.

Con tôm ở “đất 9 rồng” đã và sẽ vẫn là câu chuyện thời sự, vì rằng nó sẽ giúp người dân trong vùng sống khỏe hơn, kể cả khi biến đổi khí hậu có thể sẽ còn tác động tiêu cực hơn.

Quốc Trung