‘Cởi trói’ cho giáo viên
Yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Ngày 2/2/2021, Bộ GDĐT ban hành chùm Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông công lập. Trong đó, đề cập đến việc bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên. Các Thông tư này thay thế chùm Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ GDĐT và Bộ Nội Vụ ban hành năm 2015,có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021.
Giáo viên vui mừng
Trong Thông tư mới ban hành, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”.
Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà là “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng khẳng định, điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà đã được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này được quy định hiệu quả và thực chất hơn.
Cùng với việc điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ GDĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Đối với giáo viên ngoại ngữ, nỗi lo về “ngoại ngữ 2” không còn làm khó giáo viên nữa, để dành thời gian và tâm huyết cho giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới. Như vậy, chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ từng gây khổ sở cho giáo viên đã chính thức bị bãi bỏ.
Nói về quy định mới này, nhiều giáo viên đã rất vui mừng. Một giáo viên dạy Ngữ văn THCS tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, năng lực ngoại ngữ và tin học là cần thiết khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng cách quy định như thời gian qua vô hình trung khiến việc bổ túc chứng chỉ mang tính hình thức chứ không có giá trị về nâng cao năng lực nghề nghiệp. Bộ GDĐT bỏ quy định cứng về chứng chỉ lần này, đã “cởi trói” cho rất nhiều giáo viên.
Theo nhiều thầy cô giáo, những quy định cứng trước kia gây cản trở rất lớn cho sự cống hiến của giáo viên, tốn kém, lãng phí nguồn lực của xã hội. Với rất nhiều người, nó chỉ là hình thức chứ không thực chất đánh giá được trình độ, năng lực của họ.
“Việc Bộ GDĐT bãi bỏ các chứng chỉ chắc chắn là sự thay đổi lớn, đi vào thực chất, đúng vào đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên thay vì các loại chứng chỉ, văn bằng. Giáo viên sẽ dồn tâm sức tập trung vào chuyên môn thay vì lo lắng để có đủ các văn bằng chứng chỉ cho đầy đủ hồ sơ như trước đây” - cô giáo Khuất Thị Hạnh (Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ.
Phù hợp với thực tiễn
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc Bộ GDĐT bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một quyết định phù hợp với thực tiễn, loại bỏ tính hình thức trong giáo dục.
Trong nhiều năm qua, việc triển khai quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên đã bộc lộ một số bất cập như xuất hiện các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không chất lượng, thực hiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định; người học chỉ tìm cách để tích lũy đủ văn bằng nhưng việc học không thực chất; vấn nạn mua bán chứng chỉ tràn lan,... Chính vì vậy, quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được xem là một tín hiệu tích cực của ngành giáo dục, giúp các thầy cô tháo gỡ những “trói buộc” hình thức bấy lâu nay.
Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội Hà Nội chia sẻ: Quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên của Bộ GDĐT là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực, sự cồng kềnh và những yêu cầu mang tính hình thức cho giáo viên. “Nếu chứng chỉ của giáo viên là thực chất, phản ánh năng lực thực sự thì sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao, bồi dưỡng trình độ cho thầy cô. Còn trường hợp những chứng chỉ đó chỉ là mang tính hình thức thì cần phải được loại bỏ”, bà An nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà An, quy định mới này không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Bộ GDĐT chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn cần khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học.
Bởi đây là những năng lực quan trọng giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình, hỗ trợ quá trình dạy học hiệu quả hơn, chất lượng hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số và xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay. Mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chí, yêu cầu riêng. Có thể ở vị trí này, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu về trình độ tin học cao nhưng ở vị trí khác lại chỉ cần đáp ứng trình độ tin học ở mức cơ bản.
Theo bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, mỗi thầy cô giáo với chức trách, nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao sẽ cần đáp ứng chuẩn năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc. Nó sẽ đi vào thực chất. Điều quan trọng là sau khi có quy định mới, điều chỉnh lại thì cần phải giám sát việc thực hiện, theo dõi, đánh giá quá trình chỉ đạo thực hiện như thế nào, kết quả đạt được ra sao. Làm được như vậy mới đảm bảo cho mục tiêu và ý nghĩa của sự thay đổi này.