Nâng ý thức người dân với hàng Việt
Khi Tết Nguyên đán đang cận kề, bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang lại càng ý thức hơn việc lựa chọn, ưu tiên để sử dụng hàng Việt khi mua sắm tiêu dùng. Qua gần 11 năm triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ý thức người dân đã được nâng cao hơn một bước đáng kể. Hệ thống chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc một cách mãnh mẽ, đồng bộ hơn.
Theo ông Nguyễn Tiếc Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Ðảng, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, góp phần thiết thực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.
CVĐ đã phát huy được lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. CVĐ cũng đã kích thích các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng hoá, dịch vụ có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Do đó, ngay từ những ngày đầu năm BCĐ CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cũng đã hướng dẫn Ban Thường trực UB MTTQ Việt Nam các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các tổ chức thành viên của MTTQ và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về CVĐ.
“Bên cạnh đó, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực vận động người thân trong gia đình hưởng ứng và tham gia thực hiện CVĐ, xem hàng Việt là sự lựa chọn và ưu tiên hàng đầu khi mua sản phẩm tiêu dùng cho gia đình và cá nhân; các tổ chức, đơn vị trong tỉnh sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công... góp phần làm cho sản xuất phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương; đồng thời, giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Ngoài ra, BCĐ còn vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh chương trình bán hàng Việt qua điện thoại, Zalo, Facebook... nhằm phục vụ nhu cầu cho người dân, ở tại nhà mà vẫn mua được hàng do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong cộng đồng. Qua đó, người dân có điều kiện ủng hộ hàng hóa chất lượng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Năm 2020, các sở, ngành, thành viên BCĐ CVĐ tỉnh và BCĐ CVĐ cấp huyện tổ chức tuyên truyền được 124 cuộc với 6.516 lượt người tham dự”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng cho rằng, BCĐ CVĐ đã phát hành “Sổ tay Người tiêu dùng” năm 2020 trong hệ thống MTTQ từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức thành viên để làm tài liệu tuyên truyền nhằm cung cấp những thông tin cần thiết đến người tiêu dùng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giới thiệu các doanh nghiệp của An Giang được người tiêu dùng bình chọn đạt nhãn hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2020; cách phân biệt hàng giả, hàng nhái được bày bán trên thị trường.
Song song với đó, Ban Thường trực UB MTTQ tỉnh cũng đã tiến hành khảo sát về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại huyện Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc. Từ kết quả khảo sát cho thấy, tại các địa phương được khảo sát, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ rất thấp, việc chứa chấp hàng ngoại nhập lậu đã giảm đáng kể so với trước đây, nhận thức của người dân cũng ngày càng được nâng lên.
Cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng rất kiên quyết đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Người dân đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng các ngành chức năng tại địa phương phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Qua gần 11 năm triển khai thực hiện, CVĐ đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đa số người dân. Đặc biệt, các doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh, phù hợp với thị trường từng vùng, tìm thị trường cho sản phẩm; xây dựng điểm bán hàng Việt Nam ở cấp huyện đã giúp người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân.
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận và sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.
Doanh số bán hàng, số lượt khách tham quan và mua sắm mỗi năm ngày càng tăng cho thấy tín hiệu tích cực của chương trình, đặc biệt là tổ chức phiên chợ theo hình thức siêu thị di động được người dân nhiệt tình ủng hộ.
“Trong thời gian tới để cuộc vận động ngày càng đạt hiệu quả, đòi hỏi các ngành chức năng phải không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự chung tay hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định giá cả thị trường, tạo đầu ra cho sản phẩm và từ đó giúp cho hàng hóa Việt Nam đứng vững trên thị trường nội địa”, ông Nguyễn Tiếc Hùng chia sẻ.