Luân lý

Trần Hữu Thăng 09/02/2021 09:00

Theo Từ điển tiếng Việt: “Luân lý là những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội”. Còn: “Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội. Thí dụ: Người có đạo đức”.

Đại văn hào Pháp, Alphonse de Chateaubriand (1877 - 1951) cũng đã khẳng định: “Luân lý là nền tảng của xã hội”.

Như thế, chỉ qua định nghĩa của Từ điển tiếng Việt và lời khẳng định của Chateaubriand ta đã hình dung được ngay tầm quan trọng cực kỳ to lớn của nền tảng xã hội là Luân lý.

Cùng với Pháp luật là cái bắt buộc ai ai cũng phải tuân theo, không được có vùng cấm, thì Luân lý chính là đạo đức của từng cá thể con người trong một cộng đồng xã hội văn minh. Nhìn vào hành vi ứng xử đối với cộng đồng mà ta có thể đánh giá được đạo đức có thật hay không có thật, ở mức độ nào của một thành viên trong xã hội.

Xã hội nào muốn tồn tại và phát triển cũng phải thượng tôn Pháp luật và thượng tôn Luân lý. Muốn thế phải đưa vào chương trình Giáo dục công dân để dạy cho các học sinh từ Tiểu học trở lên hai môn học cực kỳ quan trọng này, hai môn học nền tảng này. Trên thực tế việc dạy các môn này đã có kết quả ra sao?

Từ cách đây gần 200 năm, nhà giáo dục vĩ đại Hippolyte Taine (1828 - ?) đã động viên các trường học, các nhà giáo và các em học sinh khi bắt buộc phải dạy và học môn Luân lý với lời lẽ tha thiết như sau: “Luân lý đâu phải là môn học buồn nản và khắc khổ, Luân lý là biểu thị của cái gì công bằng, của cái gì lương thiện và của cái gi tao nhã trong cách xử thế ở đời”. Quý hóa thay cách nhìn đầy trí tuệ, nặng tính nhân văn, đã đi vào lòng người của Hippolyte Taine đối với Luân lý xã hội, đối với môn học Luân lý dạy cho học sinh, sinh viên và dạy cho chương trình Nghĩa vụ Công dân.

Nhiều người cho rằng trong cách dạy và thực hành Luân lý ở phương Tây và phương Đông có khác nhau. Phương Tây do việc đề cao chủ nghĩa cá nhân, quyền lợi cá nhân, ít chú trọng đến cộng đồng, ít quan tâm đến người khác, nên cách nhìn, góc nhìn Luân lý cũng khác phương Đông. Ở phương Đông, qua các nền văn minh từ cổ đại đến nay, người dân luôn tôn trọng vào tín ngưỡng Phật, Thánh, rồi chịu ảnh hưởng của triết học Đạo Nho, Đạo giáo, Đạo Khổng, tục lệ Thờ cúng Tổ tiên, đề cao việc Tu thân, luôn rèn luyện mình, luôn khép mình trong kỷ luật chung từ mức độ gia đình, dòng họ, gia tiên, làng xóm đến xã hội nên tính kỷ luật được đề cao, luôn coi trọng lòng thương người, xả thân vì người khác. Đến nay, thế giới đã phẳng, việc giao lưu qua Internet lại quá nhanh, nên Đông và Tây đã lẫn lộn, không còn khác biệt rõ nét về thực hành Luân lý như ở thế kỷ trước nữa.

Nhưng dù ở xã hội nào chăng nữa, những nguyên tắc cơ bản, những giá trị đích thực của Luân lý trong Giáo dục công dân vẫn phải giữ vững, không được phép buông lỏng.

Nhà triết học Régis de Cambacérès (1753 - 1824) đã khẳng định: “Luân lý chính là cái tình cảm về sự công bằng và sự thiếu công bằng, sự hay và sự dở, sự lương thiện và sự không lương thiện”. Đây quả thực là một định nghĩa quá chuẩn về Luân lý. Đó chính là cái thái độ, cái tình cảm của ta, của chúng ta, của mỗi con người trước mọi điều tốt, điều xấu diễn ra trong xã hội hàng ngày. Chỉ có những ai vô cảm, không rõ yêu ghét mới phạm vào cái định nghĩa này của Luân lý. Xã hội sẽ trở nên tồi tệ nếu có nhiều người “quan bẩy cũng ừ, quan tư cũng gật”, chính họ là gánh nặng cho xã hội, cản đường của tiến bộ xã hội. Người công dân mới của thế giới bước sang thế kỷ XXI phải yêu, ghét rõ ràng, biết ủng hộ cái tiến bộ, biết phản đối cái lạc hậu, cái ô nhiễm môi trường xã hội cũng như môi trường tự nhiên.

Nhìn vào thực tế Việt Nam hiện nay, đã có rất nhiều trí thức trẻ tốt nghiệp trở về từ nhiều trường đại học trên khắp thế giới. Những người dưới 30 tuổi này đã theo cách giáo dục công dân, giáo dục Luân lý theo kiểu nào, Đông hay Tây? Rất khó nói. Rất khó hiểu. Có người làm đến tổng giám đốc một công ty lớn ở tuổi 40 nhưng rất sợ lấy vợ. Hỏi ra mới biết ông tổng giám đốc này đang mong chờ một người phụ nữ chỉ của riêng mình, người ấy chỉ dành tình yêu và thời gian cho cho riêng mình. Mà người phụ nữ tiết hạnh như thế ông tìm mãi chưa có. Có bà tiến sĩ làm đến phó tổng giám đốc một công ty siêu quốc gia nhưng lại chỉ thích làm mẹ đơn thân chứ không chịu kết hôn, không chịu làm dâu để phải có nghĩa vụ với nhà chồng, mà theo bà này là những khuôn khổ lạc hậu và chậm tiến!

Vì thế nếu tạm gọi hai thí dụ nêu trên chỉ là sở thích cá nhân thì có gì là quan trọng. Nhưng rất tiếc, tỷ lệ ly hôn sau hôn nhân ngày càng tăng ở các cặp vợ chồng trẻ, tỷ lệ người sống độc thân ngày càng tăng, buộc ta phải chú ý đến hiện tượng không bình thường này trong xã hội chứ không thể coi việc ly hôn sau kết hôn một vài tháng, một vài năm là “sở thích cá nhân” nữa.

Sở dĩ ta cần xem xét đến Luân lý trong hôn nhân, Luân lý trong gia đình vì nó rất quan trọng, vì nó là nền tảng của Luân lý xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội mà. Tế bào có khỏe mạnh thì xã hội mới khỏe mạnh được chứ.

Có nhiều góc nhìn theo triết học, văn hóa, xã hội về Luân lý. Nhưng nếu nói cho gọn thì có hai góc nhìn chính như sau:

- Một con người đối với Luân lý- Một xã hội, một tổ chức đối với Luân lý.

Đối với từng thành viên trong gia đình, từng thành viên trong xã hội tức là một cá thể trong cộng đồng, cần theo định nghĩa của Ernest Renan (1823 – 1892): “Luân lý đủ giúp cho cuộc đời một ý thức và giúp cho cuộc đời một mục đích”. Đây quả thật là một định nghĩa, một mệnh đề triết học quá chuẩn. Có thể nói cho dễ hiểu như sau: Ai muốn cho cuộc đời mình có ý thức và có mục đích thì phải học tập và tuân theo Luân lý. Còn ai không muốn tuân theo Luân lý tức là đã chọn một con đường khác, tức là chọn một lối sống không có Luân lý.

Còn đối với một cộng đồng, một tổ chức, một doanh nghiệp, nói rộng ra là một xã hội thì Luân lý quá quan trọng. Nhà triết học Léon Pierre Quint khẳng định: “Luân lý luôn luôn phải là sự bảo vệ cho một tổ chức xã hội”.

Tại sao Luân lý lại có cái sức mạnh vô địch để bảo vệ một tổ chức xã hội? Vì Luân lý là tổng hợp của các giá trị vĩ đại nhất của loài người như “lẽ phải, chính nghĩa, đạo lý, sự công bằng” cộng lại. Từng ấy sức mạnh cộng lại chắc chắn duy trì được một xã hội văn minh, tiến bộ.

Luân lý là cái mặt bằng của xã hội có đạo lý, có tổ chức vì thế bất cứ xã hội nào, bất cứ Đông hay Tây đều phải trông cậy vào Luân lý để duy trì mối quan hệ giữa người với người.

Thực hành Luân lý trong đời sống hàng ngày:

- Ở nhiều trường học, từ Tiểu học, Trung học đến Đại học người ta đều viết rất to khẩu hiệu sau đây ngay cổng chính vào trường. Đó là: “Tiên học lễ, hậu học văn” (nghĩa là cần học lễ độ, luân lý trước rồi sau mới học văn hóa).

- Nhiều nước đưa chương trình “Giáo dục công dân” vào dạy trong nhà trường để lấy đó làm khuôn vàng thước ngọc cho cả người thầy và người trò phải tuân theo, phải thi hành. Thí dụ: Nghĩa vụ công dân của người thầy là suốt đời tự học để nâng cao kiến thức và tu dưỡng bản thân để xứng đáng là “người chèo đò” gian khổ, kiên trì giúp cho các thế hệ học trò khôn lớn trưởng thành. Nghĩa vụ công dân của người học trò là phải chăm chỉ học tập, kính trọng thầy cô, ngày càng giỏi về kiến thức văn hóa, ngày càng được bổ sung về Luân lý, về cách học làm người.

- Tổ chức các lớp ngoại khóa trong thời gian nghỉ hè cho các lứa tuổi học sinh để nâng cao kỷ luật, nâng cao ý thức tập thể qua các khóa tu ngắn ngày trên chùa hoặc các lớp học tập làm bộ đội ngắn ngày. Trong những ngày sống tập thể ở chùa và sống trong doanh trại quân đội, buổi sáng các em phải thức dậy đúng giờ, tập thể dục đều đặn, biết làm vệ sinh môi trường, thực hiện thời khóa biểu cá nhân hợp lý, rồi được nghe các bài giảng về Giáo lý, về Luân lý, về Đạo lý, nên khi kết thúc các lớp học các em đều trưởng thành. Cha mẹ các em rất vui lòng và biết ơn nhà chùa, biết ơn các lớp hè của quân đội. Nhìn chung, phải biết tu dưỡng Luân lý với từng chi tiết một từ khi còn nhỏ mới mong trở thành người tử tế được, đến nỗi tác giả B.Whichcot (1753 - ?) đã dặn dò tỷ mỉ về dạy và học Luân lý qua câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Luân lý cũng chính xác như Toán học”. Mà đã là Toán học thì không được phép sai bất kỳ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất.

Trần Hữu Thăng