Tết này xa quê
Vì lý do dịch bệnh Covid-19, Tết này phần lớn kiều bào không thể về quê ăn Tết. Đón Tết ở bên ngoài Tổ quốc, chúng tôi ghi nhận tâm trạng của các trí thức kiều bào.
GS, nhạc sĩ Đặng Ngọc Long (CHLB Đức): Đón Tết bâng khuâng
Cái Tết cổ truyền ở quê nhà đang đến, trong khi số người nhiễm Covid-19 vẫn tăng vọt, nước Đức bước vào đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc từ ngày 16/12/2020 đến ngày 10/1/2021, không khỏi làm nỗi lòng người nghệ sĩ bâng khuâng.
Bên này mỗi năm chúng tôi thường đón hai cái tết: Tến Tây và Tết Ta. Với thế hệ thứ 2 thứ 3 thì chúng mong chờ tết Tây, còn thế hệ chúng tôi thì Tết ta có nhiều cảm xúc hơn. Cả hai tết năm nay thì buồn vì đại dịch Covid-19. Nước Đức thắt chặt nội quy phòng dịch: Cấm đốt pháo, gia đình không được tụ tập quá 5 người... Tết là cái dịp người ta gặp gỡ, thăm hỏi nhau, quan tâm về sức khỏe, công việc... Đối với tôi còn đi biểu diễn nữa. Vậy mà bị chặn hết! Mọi người thấy chơi vơi và cứ mong đợi hết dịch...
Tuy không có không khí tết phía bên ngoài nhưng trong mỗi gia đình đều chuẩn bị đón tết và giao thừa. Nhà tôi vẫn có cây thông, rượu vang cho tết tây, cành đào, bánh chưng cho tết ta. Gặp gỡ nhau qua màn hình video bằng những bài hát dịch từ tiếng Đức. Tết năm nay tôi dự định sẽ hoàn thành tác phẩm “Faust-Sonate” một tác phẩm cùng tên của thi hào J.W.von Goethe cho guitar cổ điển.
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Đỗ Quyên (Canada): Đêm giao thừa ngắm trời đất và lảy Kiều
Với 38 triệu dân, Canada hiện đứng thứ 26 trong các quốc gia bị coi là nguy hiểm nhất. Canada là nước thứ hai trên thế giới cho phép sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech.
Việc ứng xử dịch bệnh kỳ quái này thêm một dịp chứng tỏ Canada là quốc gia hài hòa. Ở đây hiếm thấy các phản ứng quá kích động hoặc quá thờ ơ, xét về phương diện chính phủ hay xã hội dân sự.
Các ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân và xã hội ở Canada cũng đủ gam trầm bổng. Ví dụ: Ontario là tỉnh bang lớn nhất cả nước (nên cũng là nơi cộng đồng người Việt đông đảo nhất) vừa bị phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn tỉnh bang từ ngày 26/12/2020 và dự tính đến 23/1/2021. Đây là phong tỏa thứ hai tại đây. Theo đó, chính quyền yêu cầu người dân không rời khỏi nhà trừ lý do thiết yếu và chỉ đi ra ngoài vùng của họ nếu rất cần thiết; bắt buộc hầu hết cơ sở thương nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa; các quán bar, nhà hàng chỉ được mở cửa cho khách mua mang đi... Tức là vùng Ontario đã gần như mất Giáng sinh và lễ Năm mới 2021.
Vài bạn bè tôi ở đây cũng dính dấp ít nhiều đến dịch bệnh và nay đều đã khỏi. Gia đình tôi có người bị bệnh nền, nên coi “y lệnh như sơn” với các quy định chung. Có dạo suốt tháng trời cả nhà cứ “lăn tăn” mãi, bởi từng phải “lờ lớ lơ” lời hẹn mặn nồng đến chơi của gia đình người bạn cực kỳ thân thiết ở một tỉnh bang khác. Ơn cao xanh, hiện nay chúng tôi bình an về sức khỏe.
Nhưng cơn dịch giã đã là dịp may để mình tu tập tại gia, làm các việc khó nhất mà một kẻ dính văn chương nào trước sau cũng phải chịu. Như khá nhiều đồng nghiệp có thói quen tích tụ tư liệu ngay khi xảy ra các sự kiện lớn của đất nước, của toàn cầu, tôi thường từ nguồn này mà làm bài vở báo chí, viết truyện, và cả làm thơ nữa.
Có ba đề tài về con người hấp dẫn tôi hơn cả, đều mô tả tương tác giữa con người và con người mà “nàng” Coronavirus xen vào giữa! Một là về ý tưởng: Thảm họa Covid-19 đã trở thành tác nhân, góp phần thay đổi tâm lý và tư tưởng của nhân loại đầu thế kỷ 21 - trước nhất là ở Âu-Mỹ - về khái niệm Tự do vốn được hiểu như là quyền tự do hành động, suy nghĩ ở cá nhân một ai đó nhưng không thể xâm phạm quyền tự do ở cá nhân khác.
Như John Mill, nhà tư tưởng lỗi lạc trong thời cải cách xã hội thế kỷ 19, đã viết trong tác phẩm “Bàn về tự do”: “Làm sao mà bất kỳ hành vi nào từ một thành viên của một xã hội lại là một vấn đề dửng dưng với các thành viên khác? Không người nào là hoàn toàn biệt lập; và điều đó khiến một kẻ không thể làm bất cứ điều gì có hại lâu dài hoặc nghiêm trọng cho chính mình, mà không gây chút tổn hại nào tới những người thân cận”.
Hai là về sự vật - cái khẩu trang. Riêng đối tượng này đang vụt trở thành đề tài nóng hổi của khoa học mà rõ nhất là y học dịch tễ, của văn hóa mà rõ nhất là sự khác biệt Đông và Tây bán cầu; của nghệ thuật mà rõ nhất là hội họa, âm nhạc; và của hầu hết các lãnh vực liên quan con người: khoảng cách giao tiếp, thời trang vẻ đẹp, giao thông công cộng...
Ba là về thân thể - cái bàn tay. Ôi, một phần của thân thể con người từng tốn bao nhiêu nghiên cứu và lưu tâm, từ khoa học đến nghệ thuật. Ai yêu nhau thời bom đạn Mỹ mà không thuộc Lưu Quang Vũ ở các câu chỉ động tay mà rung tim thế này: “Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình/ Điều chưa nói thì bàn tay đã nói/ Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại/ Còn bồi hồi trong những ngón tay ta”. Ấy thế bây giờ xoẹt một cái Covid bay vù đến, thử động vào nhau xem sẽ biết... tay nhau!
Chúng tôi vừa đón Giáng sinh như là một dịp nghỉ ngơi, và chắc rồi cũng “ăn” Tết ta na ná vậy, nhưng có thêm phần trực tuyến với họ hàng, thân hữu ở xa. Cỗ tết tiễn Chuột đón Trâu này hẳn sẽ chỉ có các thành viên y chang ngày thường.
Nhưng mà tôi dự tính rồi, đêm giao thừa Tết cổ truyền kiểu gì vẫn sẽ ra sân sau ngó nghiêng trời tuyết rải và lảy vài câu Kiều.
TS Nguyễn Trọng Hiền (nhà vật lý thiên văn đang làm việc ở NASA, Hoa Kỳ): Gói và nấu bánh ngoài vườn
Dù có nhiều khó khăn, thì gia đình tôi may mắn vẫn giữ nhịp, dù nhiều thành phố của nước Mỹ đạt con số đỉnh dịch hết lần này tới lần khác. Vì dịch, chúng tôi vẫn phải rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang mỗi khi ra đường, đi chợ thường phải xếp hàng, và ít gặp bạn bè. Ngoài những điều ấy ra, cuộc sống chúng tôi thực sự bình yên. Tôi được làm việc tại nhà, chỉ vào phòng thí nghiệm khi cần. Hai con tôi được học hành qua mạng. Con trai tôi được vào sân chơi bóng đá hằng tuần. Con gái lớn tôi nay đã vào đại học, học hành bình thường. Một điều tích cực là nhờ ít đi đâu nên tôi có nhiều thời gian để lo cho con cái. Tôi biết nấu thêm vài món ăn, học được cách làm bánh mì! Con trai tôi được học dương cầm. Tôi cũng có thêm thời gian cho bản thân mình. Tôi học thêm trên mạng được rất nhiều điều, và được đọc sách thoả thích!
Gần 15 năm nay tôi chưa được ăn Tết ở quê nhà. Phần lớn vì ở đây con cái phải đi học trong dịp này. Nên tôi chỉ ăn Tết ở đây. Tết năm nay tôi cũng sẽ ăn Tết như mọi năm: gói bánh tét bánh chưng, sẽ nấu bánh ngoài vườn, sẽ ngồi ngoài vườn suốt ngày canh nồi bánh và uống trà… sẽ cho con tôi nghỉ học vài hôm ở nhà ăn Tết, sẽ đốt trầm và hương, tôi sẽ luộc một con gà, nấu nồi xôi, trong nhà sẽ có hoa đào, hoa cúc, hoa lay-ơn. Tôi sẽ cảm tạ đất trời, cảm tạ ông bà đã cho chúng tôi đươc cuộc sống hôm nay. Cầu mong cho hết thảy mọi người sẽ được một ngày Tết an lành. Và cầu mong cơn dịch hãy sớm tan đi.