Sống khác và viết khác
Chúng ta đã cùng nhau đi qua một năm thật đặc biệt. Không chỉ đặc biệt với Việt Nam, mà còn đặc biệt với toàn thể nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới tất cả, không trừ một ai. Và đại dịch cũng để lại những cảm xúc khác nhau trong mỗi người, thậm chí khiến nhiều người thay đổi góc nhìn, cảm xúc sống. Bên thêm xuân mới, Tinh hoa Việt cùng trò chuyện với nhà văn Nguyễn Văn Thọ và nhà thơ Lữ Mai.
Phóng viên:Hẳn nhà văn Nguyễn Văn Thọ và nhà thơ Lữ Mai còn nhớ, đúng dịp Tết năm ngoái, những thông tin về đại dịch Covid-19 bắt đầu loang đi. Đến giờ phút này, chúng ta đã trải qua một năm khó quên, với biết bao biến động. Điều này đã ảnh hưởng tới tâm trạng và cảm xúc sống của anh chị như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Cảm giác của tôi, một người già cảm thấy rõ hơn con người bé nhỏ và vô tích sự.
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi nhớ khi đó gia đình tôi đang ở quê, trải qua một giao thừa lạ lùng chưa từng thấy. Gió cứ hun hút, về sáng lộp bộp, rào rào trên mái nhà, mưa đá! Tâm trạng, cảm xúc của con người bị cuốn theo sự thay đổi có phần bất trắc, khác thường từ thiên nhiên. Suốt Tết, tôi cứ thấp thỏm mãi, chờ cho hết trận mưa này đã lại vướng vào trận mưa khác. Tôi ngồi trên xe từ quê chồng để về quê mình, cứ nhìn mưa “ném” bôm bốp vào cửa kính xe mà quặn lòng, xót ruột. Trở về Hà Nội, khi đang chuẩn bị cho chuyến du xuân lên vùng cao để xốc lại tinh thần thì báo, đài đưa những thông tin đầu tiên về Covid-19. Mọi dự định lập tức bị ngưng lại, nhường chỗ cho nỗi hoang mang, lo âu nơm nớp.
PV: Tôi cũng muốn hỏi anh Thọ, chị Mai, khi những tin tức về Covid-19 đến dồn dập, rồi thông tin ở đây đó trên thế giới đã xuất hiện những ca bệnh lây lan trong cộng đồng, số người nhập viện tăng, thậm chí có ca tử vong, thì tâm trạng của anh chị ra sao? Điều thay đổi lớn nhất của anh chị là gì? Và thế giới, trong mắt anh chị có gì thay đổi?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Covid-19 không làm tôi thay đổi cách sống, chỉ củng cố lối sống, sự suy nghĩ đã hình thành trong tôi, đó là cá nhân không thể tách bỏ cộng đồng và có trách nhiệm với nó.
Có thể nói, Covid-19 bộc lộ điển hình nhất mặt trái của tình trạng không tôn trọng vũ trụ và trái đất của loài người bây giờ. Con người nên bớt kiêu ngạo đi. Việc chống dịch của nước ta và nhiều nước giàu có hiện đại hơn cũng bộc lộ rõ tính hai mặt của mọi loại hình thái xã hội. Có lẽ con người ta nên ý thức rõ điều này để đỡ cực đoan ít đi mà xây dựng nhiều hơn. Trách nhiệm với dân tộc và đất nước còn nghèo này cần hơn một tinh thần xây dựng. Xây dựng gồm cả đóng góp công sức tài năng của mình, xây dựng cũng hàm chứa phản biện có khoa học. Tôi muốn nhắc lại câu nói của Lão Tử: Đạo có trước cả vạn vật. Điều gì, hành động nào phù hợp với sự phát triển khách quan của thiên nhiên, của sự vật điều ấy cận chân lí.
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi thì thấy, con người luôn kiên cường, nhẫn nại mà cũng thật mong manh, nhỏ bé trước cuộc sống này. Thuở ấu thơ, tôi đã nhiều lần đối diện với thiên tai, dịch bệnh, đã có lúc lũ lụt cuốn gần như sạch bách ngôi làng nhỏ bé, nghèo nàn của tôi. Dãy núi phía sau làng trở thành điểm cứu cánh duy nhất cho tất cả. Nhưng Covid-19 mang đến một cảm giác khác hẳn. Đó là cảm giác khó chủ động, khó đoán biết và tạm thời chưa thể giải quyết dứt điểm. Sự vô hình và hữu hình cứ đan xen, đối chọi, giằng xé nhau. Vô hình là chúng ta không nhìn thấy virus, khó phát hiện được người bệnh, nhưng hữu hình là cái chết cận kề, là nhiều mối nguy cơ lây lan đến mức độ chóng mặt. Lâu nay, trước những khó khăn, tôi thường tự tin vào năng lực, sự thích ứng và cố gắng của bản thân, nhưng trước Covid-19, yếu tố ấy đã bị suy giảm. Chúng ta rất khó tự tin trước điều mình không nhìn thấy và không quyết định được.
PV:Nhưng cuộc sống thì vẫn cứ tiếp tục. Ngay cả khi chúng ta lần đầu tiên phải thực hiện cách ly xã hội thì dường như đó là thời gian lý tưởng để cho những người làm trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có thời gian suy nghĩ, sáng tác. Tôi thấy nhiều họa sĩ đã vẽ những bức tranh về Covid-19. Tôi cũng thấy nhiều nhà nhiếp ảnh tới các điểm nóng về dịch bệnh để ghi lại những bộ ảnh đáng nhớ. Còn với anh chị thì sao?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Về viết văn, lâu nay tôi vẫn theo đuổi vài việc như hoàn thành cuốn tiểu thuyết viết về cuộc chiến với người Mỹ để dành độc lập thống nhất đất nước. Viết không lặp lại mình, phải có bạn đọc. Hai vấn đề này làm tôi luôn thay đổi cách cấu trúc. Vì thế 8 năm nay nó đang dang dở. Hy vọng năm tới nó sẽ ra mắt. Một cuốn sách nữa làm tôi quan tâm đấy là viết về chính thân phụ tôi, một trí thức của một thời đất nước khó khăn thì trách nhiệm của họ với gia đình, đất nước, bản thân họ ra sao. Ngoài ta tôi thi thoảng vẫn viết truyện ngắn, báo chí khi thấy cần thiết.
Nhà văn, có lẽ không nên bị cuốn vào một hoàn cảnh khách quan nào đó, dù ghê gớm bao nhiêu như dịch Covid-19. Bởi nhà văn đã già về nhận thức thì ý thức cần phải vững vàng để ứng đối với mọi sự vốn trong triết lý cả Đông lẫn Tây đều từng hàm ý nói về nhiều tai họa lớn hơn cả Covid-19.
Nhà thơ Lữ Mai: Đúng là chúng ta buộc phải sống, thậm chí phải cố gắng để sống tốt nhất trong chính giai đoạn bất trắc, gian nan. Khi không thể “hướng ngoại”, tôi đã đổi chiều, vun vén, chăm sóc cho những điều thân thuộc nhất, bởi tôi tin rằng, mỗi con người, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Tế bào ấy phải an toàn, đủ sức sống thì xã hội mới vượt khó được. Giai đoạn “cao điểm” dịch bệnh, cơ quan cũng khuyến cáo mọi người hạn chế ra khỏi nhà, các sự kiện trong xã hội bị đình trệ, tôi dành thời gian nhiều hơn cho gia đình mình. Sân thượng bị bỏ quên được dọn dẹp, trồng thêm cây mới. Căn bếp đã lâu không đủ ba bữa một ngày nay ấm cúng hơn. Mọi người trong nhà lâu lâu không trò chuyện hàn huyên, nay tụ quanh ấm trà... Tôi có thể tự tin chia sẻ rằng, trong giai đoạn ấy, tôi đã chăm sóc tốt nhất cho gia đình mình, duy trì ổn định công việc. Và quan trọng nhất, tại thời điểm đó, tôi đã sáng tác văn chương nhiều hơn, đã khởi viết trường ca “Ngang qua bình minh”.
PV:Đi qua một năm dịch bệnh rất đặc biệt, nhưng vào thời khắc này nhìn lại, tôi thấy anh chị vẫn để lại những dấu ấn riêng trong con đường nghệ thuật của mình. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, năm qua, tôi thấy anh đến với bảng màu và giá vẽ. Phải chăng “lỗi tại” Covid-19?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Hoàn cảnh cá nhân của tôi năm qua có điều bất ổn. Hội họa giúp tôi tĩnh lại. Tĩnh lại thì minh trí sáng suốt thì sẽ an lành. Cũng là cái tùy duyên để 60 năm nay tôi cầm lại cọ. Khi tôi vẽ điều tâm niệm cuốn hút đều là sự tử tế, cái tốt đẹp. Nó an ủi và giúp tôi yêu thêm cuộc sống này. Hội họa như thiền.
PV:Còn Lữ Mai viết trường ca “Ngang qua bình minh”, chị không trực tiếp viết về Covid-19 mà viết về những người lính biển - một đề tài rất thú vị?
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi có những bài thơ, truyện ngắn về đề tài Covid-19, nhưng tác phẩm dài hơi hơn là trường ca về người lính biển. Covid-19 vẫn có dấu ấn ở đó. Khi trong đất liền hoang mang… thì tôi nhận được những cuộc gọi điện thăm hỏi từ những người lính biển đang làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Năm nay, do dịch bệnh, không có đoàn công tác nào được ra thăm biển, đảo. Vừa thiếu hơi ấm đất liền, vừa phải đảm đương, nỗ lực trước bao nhiệm vụ quan trọng, nhưng người lính lại dành niềm thương mến nhất để gửi về phía đất liền. Một người lính làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu, cả gia đình phải sống cảnh xa cách, thiếu thốn tình cảm. Vậy nhưng trái tim, nhiệt huyết của họ chưa khi nào vơi cạn, họ không chỉ dành tình cảm cho gia đình mà cho cả chúng tôi – những người thoáng gặp ở hải trình ngắn ngủi. Đó là cảm hứng, là động lực nhen nhóm trong tôi giữa ngày tháng căng thẳng vì dịch bệnh.
PV:Tôi đã đọc một số tác phẩm của chị Mai sau chuyến đi Trường Sa. Chủ yếu là ghi chép và tản văn, một vài bài thơ ngắn. Nhưng “Ngang qua bình minh” là trường ca. Lần đầu chị thử sức với thể loại này, cảm xúc của chị ra sao?
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi luôn khao khát viết một tác phẩm dài hơi về người lính biển và thú thực, kể cả với trường ca này, tôi cũng chưa thật hài lòng. Tôi nghĩ mình cần viết dài, viết sâu hơn nữa. Vấn đề về thể loại, tôi không nghĩ nhiều, mà chỉ đau đáu làm sao viết ra những điều thật nhất, gần nhất với suy nghĩ của mình, với thực tế đang diễn ra. Một hải trình đi biển chỉ mười mấy ngày thôi, nhưng “hải trình” sau đó hiện hữu trong cuộc sống của tôi thì tới giờ vẫn thổn thức. Khi tôi tham gia tổ chức Tết trung thu cho những em nhỏ có bố công tác ở đảo xa hoặc gặp cha mẹ, vợ con người lính nơi đất liền, tôi cảm nhận được sâu hơn những điều mình từng quan sát, tôi thấy như mình còn nông cạn, còn mắc nợ rất nhiều.
PV:Tôi thích cách chị Mai kể câu chuyện về những người lính qua trường ca này, một người lính sinh ra ở miền đồng rừng, rồi gắn mình với biển đảo Tổ quốc?
Nhà thơ Lữ Mai: Người đầu tiên khiến tôi nghĩ tới chất liệu để xây dựng hình tượng người lính biển đó là bố tôi. Bố tôi sinh ra ở miền núi đồi, trước làng là sông Mã, chưa bao giờ ông nghĩ về biển khơi, nghĩ rằng mình sẽ được ra tới biển. Rồi ông không chỉ biết đến biển, mà còn trải nghiệm muôn mặt của cuộc chiến tranh, bao mất mát, đau thương và vĩ đại. Khi đó, bố tôi mới 18 tuổi. Trong chuyến công tác Trường Sa, tôi cũng gặp rất nhiều thủy thủ trên tàu hoặc bộ đội trên đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn… là người con của núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên - những vùng miền không có biển. Tôi từng hỏi các anh về cảm giác khi từng được sống, được bao bọc bởi cây rừng, đá núi, nhà cửa chung quanh mà phút chốc bốn bề chỉ là trời và nước thì sẽ thế nào. Có người lính trẻ măng chớp mắt thú thực, sau vài ngày lênh đênh, vật vã say sóng lúc xuống đảo, anh đã bất thình lình… co cẳng chạy, một phản xạ mà lý trí không can thiệp được. Nhưng chạy đi đâu cũng gặp sóng thôi. Thoạt đầu, sóng khiến anh cảm thấy cô đơn, chao đảo, nhưng rồi cũng vẫn là sóng lại vỗ về, hiền hòa, an ủi.
PV:Dự định của anh chị trong năm Tân Sửu 2021?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tiếp tục vẽ. Ra mắt hai cuốn văn xuôi, một cuốn thơ chọn.
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi yêu biển, tôi cũng yêu rừng. Năm 2020, tôi đã có những chuyến đi ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đó cũng là nơi gợi thương, gợi nhớ rất nhiều, đặc biệt là hình ảnh bộ đội biên phòng và bà con dân bản. Tôi mong, năm mới, tình hình dịch bệnh sẽ được giải quyết, đời sống ổn định trong sự an toàn, tôi sẽ thuận lợi hơn với những chuyến đi và có được tác phẩm về biên giới.
PV: Trân trọng cảm ơn nhà văn Nguyễn Văn Thọ và nhà thơ Lữ Mai!
Không khí Tết thì tiền nào mua được?
PV:Là nhà văn từng có nhiều năm sống ở Đức, nhưng anh đã trở về cố hương nhiều năm nay. Mỗi dịp Tết đến, anh cảm thấy như thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tết ở Việt Nam tôi có hai trạng thái vui buồn. Vui vì đất nước thanh bình, tuy có nhiều bất cập nhưng rõ ràng xã hội đang đi lên phát triển. Vật chất dồi dào hơn. Xã hội cởi mở dần. Tôi vẫn thèm khát những ngày Tết tĩnh lặng. Mùi hương trầm lãng đãng trong mùi xôi nếp, bánh chưng… của mâm cúng tổ tiên. Rồi đào, quất. Rồi cái se lạnh bên Bờ Hồ vắng vẻ. Con cháu quây quần. Điều này không phải khát khao của giới trẻ hôm nay. Tết làm cho người ta từ bi hơn, bác ái và tha lượng nhiều hơn, đó là điều tôi thích nhất.
Trở về nước, tôi được trở lại với nơi chôn dấu tuổi thơ tôi, nơi tôi từng cùng cha anh, bạn bè bảo vệ gìn giữ. Hạnh phúc và bất hạnh chen nhau bởi nhiều sự thay đổi của toàn xã hội.
Tôi hiện nay sống độc n nên chuẩn bị Tết cũng đơn giản. Có lẽ năm nay quay lại với cách Tết của cha tôi. Một cành đào nhỏ và dăm nhành violet.
PV:Hồi còn ở Đức, tâm trạng của anh mỗi khi Tết Nguyên đán đến thế nào?
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Tôi thường thấy rất buồn. Vật chất rất đủ đầy nhưng không có không khí Tết, mà không khí Tết thì tiền nào mua được?