Hết dịch vui hơn
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, vẫn còn xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều tỉnh, thành phố quyết định dừng bắn pháo hoa đêm giao thừa, vừa để phòng dịch, vừa tiết kiệm tiền bạc lo cho dân nghèo. Vẫn biết Tết đến Xuân về là phải vui, nhưng năm nay lại là một cái Tết đặc biệt, ưu tiên chống dịch phải là số 1.
Cách đây một ngày, Đà Nẵng đã quyết định dừng bắn pháo hoa đêm Giao thừa Tết Tân Sửu tại tất cả các điểm trên địa bàn thành phố, vừa tránh tụ tập đồng người phòng dịch, vừa để dành kinh phí lo cho người dân một cái Tết đầm ấm hơn. Cùng ngày 7/2, TP Cần Thơ cũng đã tuyên bố dừng bắn pháo hoa chào đón năm mới Tân Sửu.
Đáng chú ý, TP Cần Thơ không chỉ dừng bắn pháo hoa ở 6 điểm như dự kiến trước đó, mà còn tiết giảm một số chương trình nghệ thuật trong sự kiện khai mạc “đường hoa – đường đèn” diễn ra vào tối qua (8/2). Song, dư luận cho rằng việc khai mạc đường hoa nghệ thuật là không quá cần thiết, bởi buổi lễ diễn ra có đông người tham gia cũng sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 trong cộng đồng.
Có vẻ tỉnh Tiền Giang nghiêm túc hơn trong việc phòng chống đại dịch Covid-19, dành ngân sách đảm bảo an sinh xã hội. Lãnh đạo tỉnh này không những “quyết” dừng bắn pháo hoa như dự kiến, mà còn không tổ chức Hội hoa xuân thường niên. Với việc “bỏ qua” hai “tiết mục” này đã tiết kiệm được số tiền ngân sách khá lớn để lo cho người dân.
Hàng loạt các tỉnh ở miền Tây khác như Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang cũng đã quyết định dừng bắn pháo hoa, thu gọn các hoạt động văn hóa, thể thao dềnh dang, tụ tập đông người, để tránh việc lây lan Sars-CoV-2. Tỉnh miền Núi phía Bắc Lào Cai cũng có quan điểm không bắn pháo hoa để tiết kiệm, đồng thời phòng chống đại dịch Covid-19.
Việc nhiều tỉnh, thành phố đưa ra quyết định dừng bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa Tết Tân Sửu đã tạo ra hai luồng ý kiến dư luận trái chiều. Một luồng ý kiến đồng thuận, ủng hộ và đánh giá cao tinh thần phòng chống dịch bệnh, cũng như tiết kiệm ngân sách của lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói trên. Ở chiều ngược lại, luồng ý kiến phản đối cho rằng như vậy thì Tết này sẽ kém vui vì thiếu các chương trình văn hóa nghệ thuật.
Song, thử nghĩ mà xem, nếu các tỉnh, thành phố vẫn cứ tổ chức bắn pháo hoa, “ăn chơi nhảy múa” để rồi bùng phát đại dịch Covid-19 trên diện rộng thì liệu có thể vui được hay không? Lúc đó, e rằng nụ cười hớn hở với những chương trình văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí chưa được bao lâu đã lịm tắt, thay vào đó là khuôn mặt méo xẹo vì đại dịch Covid-19 hoành hành, gây ra nhiều hệ lụy khó lường khác.
Thích vui chơi để rồi thiếu đói, dịch bệnh lan tràn thì e rằng cái giá của “món ăn tinh thần” quá đắt. Các cụ xưa chẳng từng bảo “có thực mới vực được đạo”, nếu bị “mắc dịch”, cơm chẳng đủ ăn thì còn vui thú cái nỗi gì đây? Chẳng có ai có thể vác cái bụng rỗng đi ngắm hoa hay thưởng thức chương trình nghệ thuật cả.
Ngay cả khi chưa đến nỗi thiếu đói nghiêm trọng do kinh tế suy thoái vì đại dịch Covid-19, thì với việc lây lan Sars-CoV-2 trên diện rộng cũng đã là thảm họa rồi. Khi mà đại dịch Covid-19 đã ở mức “toang”, thì dù không chết vì thiếu thốn lương thực, thực phẩm, cũng khó toàn mạng vì thiếu nhân lực, vật lực y tế điều trị. Lúc đó liệu có thể vui?
Vậy nên mỗi người hãy tự nhận thức để có thể hiểu được quyết định của lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc dừng bắn pháo hoa và các chương trình nghệ thuật không thật sự cần thiết là chủ trương đúng đắn. Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân sẽ còn gặp nhiều khó khăn chồng chất. Vì thế, càng tiết kiệm được nhiều ngân sách, các địa phương càng có thể đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi công cộng nhiều hơn.
Đó là lý do mà chỉ một số không nhiều ý kiến phản đối với quyết định dừng bắn pháo hoa của lãnh đạo các địa phương trên cả nước. Còn lại hầu hết người dân trong xã hội đều hoan nghênh và ủng hộ quyết định đúng đắn này. Đến một người dân thường còn lập “ATM gạo”, “Bus khẩu trang”... lẽ nào chính quyền không thể làm nhiều hơn thế để giúp đỡ những người yếu thế, người nghèo, người vô gia cư?
Mà muốn làm nhiều việc tốt cho dân thì phải có tiền, chứ không thể hô hào suông. Muốn có tiền thì phải tiết kiệm, từ chính những thứ xa xỉ như bắn pháo hoa, những chương trình nghệ thuật, đường hoa, hội xuân... Không lẽ cứ tiêu vô tội vạ rồi khi muốn giúp dân, đảm bảo an sinh xã hội lại ngửa tay xin Trung ương?
Giờ thì việc xin Trung ương “trợ giúp” cũng không còn đơn giản, dễ dàng nữa rồi. Không chỉ vì “bài” này đã quá cũ không còn tác dụng, mà còn vì Trung ương cũng còn phải lo nhiều việc quốc kế dân sinh khác, chứ không thể cứ để dành vốn ngân sách để rót cho các địa phương tiêu xài hoang phí. Vì thế, việc các địa phương dừng bắn pháo hoa, các chương trình nghệ thuật không cần thiết là quyết định rất đúng.