Khắc phục điểm yếu nguyên liệu

H.Hương 09/02/2021 07:00

Việt Nam là nước có nhiều nhóm hàng xuất khẩu đạt doanh số cao. Thế nhưng, chúng ta vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập nguyên liệu.

Đánh giá tác động của Covid-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội từng cho biết, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN nhỏ và vừa thiếu nguyên vật liệu sản xuất.

Lật lại thời điểm tháng 2/2020, Tập đoàn Sunhouse nói rằng “chúng tôi đã phải dừng 1 dây chuyền sản xuất hàng xuất đi Mỹ vì không có nguyên liệu sản xuất, tương đương mỗi ngày không có 2 container hàng xuất khẩu”.

Nhưng không chỉ vì dịch Covid-19 mà DN Việt Nam thiếu nguyên liệu sản xuất. Ở đây, câu chuyện không chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất đã tồn tại bao nhiêu năm nay chưa khắc phục được. Nhiều DN làm hàng xuất khẩu nhưng phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập. Chính vì vậy mà giá trị thặng dư mà Việt Nam nhận được nhờ gia công các mặt hàng xuất khẩu như may mặc, giày dép, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử tương đối thấp. Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thặng dư thương mại lớn đối với các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Hàn Quốc…

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiện Việt Nam là quốc gia xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn thứ 12 thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN với hàng chục tỷ USD mỗi năm. Nhưng “sờ” đến ngành nào, thì những yếu kém về nguyên liệu đều “lòi” ra đến đó. Ví dụ như trong ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi (xe con): mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%. Chưa kể công nghiệp công nghệ cao phải nhập tới 100% cả vật liệu lẫn công nghệ... Hằng năm phải nhập khẩu khoảng hơn 50 tỷ USD vật liệu.

Điều đáng nói, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì một lần nữa DN sản xuất kinh doanh Việt Nam phải đương đầu với khó khăn vì các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Ở tình trạng xấu, nhiều DN đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Theo giới chuyên gia kinh tế, để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, thì phải tự chủ tối đa về nguyên vật liệu. Tất nhiên nguyên vật liệu tự chủ phải bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết và rõ ràng là khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường. Bên cạnh đó cần phải có tổ chức và cách làm phù hợp.

H.Hương