Xuân yên bình giữa sóng gió Trường Sa
Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý, hòa chung trong không khí cả nước đón tết Nguyên Đán Tân Sửu, nhiều cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo Song Tử Tây (xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cũng tất bật chuẩn bị Tết cổ truyền.
Ở nơi đảo xa cách đất liền hơn 600 cây số với nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc luôn phải đặt lên hàng đầu, mọi người trên đảo chuẩn bị tết cũng rất đặc biệt nhưng không kém phần thân quen.
Từ đảo Song Tử Tây, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, người đã có nhiều năm dạy học trên đảo thông tin cho chúng tôi về công tác chuẩn bị đón Tết của cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo. Theo thầy Phú, so với ở trong đất liền thì tết ngoài đảo đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, những nghi thức truyền thống thì không khác gì trong đất liền. Từ một tuần trước, cán bộ chiến sỹ, người dân trên đảo đã bắt đầu chuẩn bị.
“Năm nay trên đảo cũng có mai, đào nhưng là mai đào giả thôi. Bộ đội, người dân chặt cành mù u, bàng vuông sau đó bỏ hết lá đi, gắn bông mai vàng lên. Bởi cây mai đào thật gần như không thể sống hay nở bông với thời tiết khắc nghiệt trên đảo được. Nhưng không chỉ mai đào, trên đảo còn có nhiều hoa khác như lan, hoa sứ được trồng từ trước. Ngoài hoa thì thực phẩm dành cho Tết của mọi người trên đảo cũng khá phong phú, có cả thịt heo lẫn thịt bò. Chưa kể các loại hải sản như cá, ốc, mực thì có nhiều quanh năm. Từ cách đây một tháng đã có chuyến tàu đem hàng ra đảo. Ngoài những hàng hóa cung cấp sẵn, một số hộ dân đã nhờ gia đình trong đất liền mua thêm để gửi theo tàu. Hầu hết đó là đồ phục vụ tết để gói bánh tét, bánh chưng, giò heo, làm dưa món, kiệu, lạp xưởng hay quần áo, giầy dép mới cho trẻ con”.
Cũng theo thầy Phú, nếu người dân chuẩn bị tết bằng nhiều phong vị cổ truyền thì với bộ đội, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, anh em bộ đội cũng quét dọn, lau chùi, trang trí hội trường, tường, các khu vực cộng cộng hay giúp đỡ trụ trì chùa Song Tử Tây trang trí chùa để đón tết. Do điều kiện xa xôi và cách trở, ngôi chùa trên đảo Song Tử Tây hiện chỉ có một mình thầy Thích Nhuận Đạt tu tập. Chùa vừa là nơi thờ cúng tín ngưỡng, vừa là nơi để ngày tết trẻ con, người dân trên đảo tìm tới chúc tết, xin chữ. Vì vậy mấy ngày gần đây, nhiều bộ đội đã tới chùa giúp thầy Thích Nhuận Đạt trang trí chùa, trang trí cây mai để có không khí mùa Xuân.
Được biết, trên đảo hiện nay có các đơn vị bộ đội, đơn vị canh gác hải đăng đèn biển, y bác sỹ và nhiều hộ dân cũng như các thầy cô giáo. Vì vậy, ngoài công việc chuẩn bị tết cho gia đình mình, nhiều hộ dân đã có làm cỗ tất niên, thường vào dịp tối ngày 30 Tết để mời những bộ đội, những người thân quen trên đảo. Cảm giác ngồi cùng nhau bên mâm cỗ đón giao thừa giữa trùng khơi mênh mông luôn rất đặc biệt và ấm áp. Trên đảo có nhiều người đón tết nhiều lần nhưng cũng có nhiều chiến sỹ mới lần đầu đón tết thì những khoảnh khắc như vậy cũng làm mọi người vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Sau đó, những ngày mùng một, mùng hai thì mọi người đi chúc tết nhau. Trẻ em cũng được lì xì, được chúc Tết.
Cũng theo chia sẻ từ đảo Song Tử Tây thì hiện nay các thiết bị liên lạc trên đảo đã tốt hơn mấy năm trước rất nhiều. Nếu trước kia mọi người chỉ có thể xem tivi, nghe đài hay gọi điện thoại thì ngày nay truyền hình vệ tinh hay internet trên đảo cũng tạm ổn, đủ để liên lạc với đất liền. Thậm chí, tình hình dịch bệnh Covid19 ở một số tỉnh, thành phố dịp cuối năm cũng được cán bộ, chiến sỹ người dân trên đảo cập nhật thường xuyên. Dù dịch Covid19 không ảnh hưởng tới đảo nhưng nhiều người trên đảo tới từ các khắp các địa phương trên cả nước, nơi vùng dịch có nhiều người thân, gia đình nên mọi người cũng ngóng thông tin và theo dõi.
Những ngày cuối năm là thời gian thời tiết trên đảo khắc nghiệt vì mưa ít, nắng gió nhiều nhưng khi nhìn những hình ảnh cán bộ, chiến sỹ, người dân trên đảo chuẩn bị tết Tân Sửu được thầy Nguyễn Hữu Phú chuyển về, chúng tôi cũng không khỏi ấm lòng. Một không gian tết cổ truyền yên bình, ấm cúng, đơn giản nhưng cũng rất trang trọng đang được tạo dựng giữa sóng gió Trường Sa…