Phát huy giá trị Di sản văn hoá thế giới thành nhà Hồ

Nguyễn Long 11/02/2021 07:28

Sau gần 10 năm được công nhận là di sản văn hóa thế giới (DSVHTG), đến nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị thành nhà Hồ đã có những chuyển biến rõ rệt, định danh một di sản trong lòng dân tộc cũng như bạn bè quốc tế.

DSVHTG thành nhà Hồ, địa chỉ hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

Để bảo tồn và phát huy giá trị DSVHTG thành nhà Hồ, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 3034/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị DSVHTG thành nhà Hồ. Theo quyết định, tổng diện tích quy hoạch của di sản được nâng lên trên 5.200 ha. Trong đó, diện tích vùng lõi - khu vực bảo tồn đặc biệt là 155 ha, bao gồm: Thành nội; la thành; Đàn tế Nam Giao; diện tích vùng đệm trải dài trên địa bàn 9 xã, thị trấn và vùng không gian kiến trúc cảnh quan di tích Ly cung...

Bên cạnh công tác khảo cổ, nghiên cứu, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích cũng luôn được chú trọng. Đồng thời, Trung tâm bảo tồn di sản (BTDS) thành nhà Hồ đã đầu tư các công trình phụ trợ đảm bảo việc mở cửa phục vụ đón khách du lịch và làm tăng thêm tính hấp dẫn đối với di sản...

Sau gần 1 thập kỷ di sản được UNESCO công nhận, thành nhà Hồ đã và đang là điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Từ con số khách tham quan chỉ dừng lại ở vài nghìn lượt khách mỗi năm, sau gần 10 năm (từ 2011 - 2020), con số ấy đã không ngừng tăng lên hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm.

Ông Nguyễn Bá Linh - Giám đốc Trung tâm BTDS thành nhà Hồ cho biết: Người dân đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản đến với bạn bè trong và ngoài nước. Việc phát triển du lịch, phát huy giá trị của DSVHTG thành nhà Hồ cần có sự chung tay, đóng góp công sức của cư dân bản địa; cần có sự mạnh dạn tham gia đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp…

Nguyễn Long