Cách giải rượu sau những cuộc liên hoan ngày Tết
Dịp Tết có thể nói là chuỗi ngày dài ăn uống, liên hoan. Chính vì vậy, không thể tránh khỏi việc tiêu thụ rượu, bia ở mức cao. Để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra khi say rượu, hãy biết cách giải rượu cho chính mình hoặc bạn bè khi lỡ uống quá chén.
Nước ép cà chua
Khi bạn uống rượu say dẫn đến nôn thì cơ thể sẽ mất đi một lượng kali, canxi và natri. Lúc này, nên uống nước ép cà chua để bỏ sung những chất này cho cơ thể. Các chất dinh dưỡng trong cà chua sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn nhiều.
Nước cam hoặc mật ong
Trong nước cam và mật ong có chứa một loại chất đường là fructose, có khả năng tiêu hóa rượu nhanh. Chỉ cần uống một ly nước cam hoặc mật ong rồi nằm ngủ, khi ngủ dậy, bạn sẽ thấy cơ thể tỉnh táo hơn nhiều. Cam có khả năng trừ nhiệt độc trong đường tiêu hóa, giải khát, lợi tiểu và giải rượu.
Quả lê
Lê có tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, hóa đàm. Người say rượu ăn nhiều lê sẽ đỡ nhanh cảm giác miệng khô, họng khát, ngực bụng nóng bức không yên.
Quả táo
Giống như lê, táo cũng có tính mát, vị ngọt, có công dụng sinh tân trừ phiền, giải rượu. Để đạt hiệu quả giải rượu cao nhất, nên ăn táo tươi hoặc ép lấy nước uống.
Nước chanh
Quả chanh vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, khỏi nôn, tiêu thực, sát trùng, sáng mắt. Nước chanh không đường có thêm vài lát gừng thường rất tốt cho những người say, giúp giải độc rượu nhanh chóng.
Nước lọc
Uống nước lọc là cách đơn giản nhất để hóa giải độc tố do bia rượu gây ra. Nước lọc sẽ bù đắp lượng nước mà bạn còn thiếu, đồng thời pha loãng lượng cồn trong máu giúp bạn đỡ say hơn.
Lưu ý, chỉ uống nước lọc chứ không dùng nước tăng lực hay nước ngọt có gas sau khi uống bia, rượu. Những loại nước này sẽ làm tăng hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.
Nước gừng
Pha vài lát gừng tươi vào nước nóng sẽ giúp chống say và giải độc rượu hiệu quả. Để thức uống ngon hơn, ta có thể thêm một chút mật ong. Gừng có tính ấm nóng, giúp mạch máu lưu thông dễ dàng nên giải rượu hiệu quả, chất cồn được giải hóa nhanh chóng.
Đậu xanh
Đậu xanh có vị ngọt, hơi tanh, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan, giải độc. Đậu xanh được biết đến với tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên có thể giúp giải độc rượu rất hiệu quả.
Bạn có thể nấu cháo đậu xanh hoặc hòa nước đậu xanh để uống. Nấu cháo đậu xanh để ăn giúp toát mồ hôi ra ngoài, tốt cho tiêu hóa, giúp người say chống lại tình trạng khó chịu, mệt mỏi sau say rượu.
Bột sắn dây
Bột sắn dây chính là tinh bột từ củ sắn dây, vị ngọt, mát, tính bình, đi vào kinh tỳ, vị, phế, bàng quang. Bột sắn dây giúp thanh nhiệt, sinh tân dịch, trừ phiền nhiệt, thông đại tiểu tiện, làm ra mồ hôi, giải độc, rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể pha bột sắn dây với chanh và đường.
Quả trám
Khi say rượu nên dùng 10 quả trám tươi, bỏ hạt, sắc lấy nước uống. Quả trám có công dụng thanh phế, lợi họng, sinh tân và giải rượu.
Quả phật thủ
Phật thủ là một vị thuốc phương hương lý khí, có tác dụng kích thích tiêu hóa, trừ đàm, làm hết nôn và giải rượu. Khi say rượu nên dùng 12-15g phật thủ tươi (hoặc 6g khô) hãm với nước sôi, uống thay trà. Phật thủ cam tính vị khoát đàm, tịch ác, giải rượu, tiêu thực, chỉ thống.
Chuối tiêu
Tính lạnh, vị ngọt của chuối tiêu có công dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, tiêu khát, giải rượu.
Ngoài cách giải rượu sau khi đã say thì trước khi uống rượu, bạn nên ăn 1 chút thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ. Chúng sẽ bám lại vào thành ruột giống như một chiếc áo chống thấm, làm giảm thời gian ngấm bia, rượu vào cơ thể.
Ngoài ra, không nên uống bia, rượu khi đói. Nếu uống rượu, bia khi cơ thể đang thiếu chất dinh dưỡng và háo nước, khả năng ngấm vào cơ thể sẽ nhanh hơn, làm bạn có thể say nhanh hơn bình thường.