Truyền thống dâng hương Tứ trấn Thăng Long ngày đầu Xuân
“Thăng Long Tứ trấn” - 4 ngôi đền linh thiêng bậc nhất, bảo vệ và che chở cho mảnh đất Thăng Long kinh kỳ, ngày nay là Thủ đô Hà Nội luôn được bình yên.
Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên và đền Quán Thánh là 4 ngôi đền thiêng được dựng lên để thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch của mảnh đất Thăng Long, hay được gọi là Thăng Long Tứ Trấn. Mỗi ngôi đền lại mang ý nghĩa và những nét đặc trưng riêng mà thời xưa, nhà vua thường đến dâng hương vào dịp đầu năm. Truyền thống đó vẫn được người dân thủ đô tiếp nối đến ngày nay.
Đền Bạch Mã – Đông trấn Thăng Long
Nhắc đến đền Bạch Mã, người xưa vẫn lưu truyền nhưng câu thơ:
“Rồng cuộn đất thiêng thành thắng cảnh
Tích truyền Bạch Mã trấn danh châu
Cao Vương truyện cũ nay bùn đất
Vận đổi sao dời đã mấy thu”
Được xây dựng từ năm 866, đền Bạch Mã lặng lẽ, uy nghi và trầm mặc trong khu phố cổ, số 76 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, vị thần được dân chúng thời xưa vô cùng kính phục và tôn sùng, bởi ngài là vị thần rất thiêng.
Tương truyền rằng, Cao Biền là một viên quan đô hộ của Trung Hoa, khi sang nước ta đã cho xây đắp thành Đại La. Trong lúc xây thường xuyên có một vị thần hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ kèm theo mưa to, gió lớn, ánh sáng chói lòa, đấu phép với Cao Biền. Cao Biền bị thua nên sợ hãi, cho lập đền thờ thần Long Đỗ ở phía Đông.
Năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên thành Thăng Long, khai sáng triều Lý, bắt tay ngay vào việc đắp luỹ xây thành. Tuy nhiên, cứ xây thành lên rồi lại bị sụp xuống, nhà vua bèn tới đền thờ thần Long Đỗ – được dân gian coi là thần cai quản chốn Đại La, xin được phù trợ.
Đêm đó, nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng, cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, thủng thẳng bước từ hướng Tây qua hướng Đông, đi đến đâu để lại dấu chân đến đó rồi biến mất.
Hôm sau, vua cho quân lính đắp thành theo dấu chân bạch mã. Quả nhiên, thành Thăng Long được đắp cao lên, rất vững chắc. Nhà vua cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ, bèn ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương (thành Hoàng bảo vệ cho Thăng Long). Vua cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ là Bạch Mã tối linh từ (đền thiêng ngựa trắng).
Di tích lịch sử đền Bạch Mã có quy mô bề thế trên diện tích 500m2, sở hữu nét kiến trúc điêu khắc đặc sắc từ thời Lý, Trần; mang tính nghệ thuật cao và lưu giữ những tư liệu quý giá về lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Trải qua nhiều lần trùng tu, đền Bạch Mã vẫn còn lưu giữ được hơn 15 tấm bia ghi chép sự tích đền và thần, nghi lễ cúng bái cũng như lịch sử các lần trùng tu tôn tạo có niên đại từ đời Lê đến đời Nguyễn.
Vào mỗi dịp lễ tết, đền Bạch Mã là nơi dâng hương của rất nhiều người dân Thủ đô và du khách. Đến nơi đây, người dân không chỉ để thành tâm dâng lễ, cầu sức khỏe, tài lộc mà còn để tìm lại sự thanh tịnh, thư thái trong tâm hồn, bỏ lại đằng sau những lo toan, bộn bề của cuộc sống thường nhật. Hội đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13/2 (Âm lịch) hàng năm với nhiều hoạt động như dâng hương, tế lễ, múa sư tử và biểu diễn nghệ thuật.
Đền Voi Phục – Tây trấn Thăng Long
Đền Voi Phục nằm bên hồ Thủ Lệ, nép mình giữa những tán cổ thụ lớn xanh mát, thuộc địa phận phường Cầu Giấy, Ba Đình. Đền được xây dựng vào năm 1065. Trong tiềm thức dân gian, đền Voi Phục thờ thần Linh Lang – Hoàng tử thứ 4 của vua Lý Thánh Tông, vị thần được tin là giúp nhà vua coi sóc sự an bình cho phía Tây hoàng thành và bà Hạo Nương, cung phi thứ 9 vì đã có công đánh giặc giữ nước.
Theo lời của các cụ cao niên thì thần Linh Lang vốn là một thiên sứ đầu thai làm con của phi tần vua Lý Thái Tông. Khi chàng sinh ra, đã lộ nét khôi ngô tuấn tú hơn người. Khi đất nước có giặc ngoại xâm, chàng Hoàng tử bé nhỏ bỗng lớn nhanh như thổi, vươn vai trở thành một dũng sĩ cường tráng.
Thuở ấy, quân Tống và quân Chiêm sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, nhà vua sai người đi chiêu mộ người tài để đánh giặc. Hoàng tử nghe tin tâu với vua ban cho một lá cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi để đi đánh giặc. Nhà vua cấp đủ những thứ hoàng tử yêu cầu, ngoài ra còn cấp thêm hơn năm nghìn binh mã.
Nhận được đồ vật vua ban, hoàng tử thét lớn: “Ta là thiên tướng”. Nghe tiếng thét, con voi phủ phục xuống để hoàng tử ngồi lên. Hoàng tử cưỡi voi xung trận, chỉ đạo binh mã, đánh tan quân giặc.
Nhà vua muốn truyền ngôi cho hoàng tử nhưng hoàng tử không nhận chỉ xin về ở trại Thủ Lệ và đã mất tại đây. Cũng có lời truyền miệng rằng, khi đất nước thái bình, Linh Lang chợt biến thành con giao long rồi trườn xuống hồ Dâm Đàn (nay là hồ Tây) và biến mất. Từ đó, vua cha đã lập đền thờ để ghi nhớ công lao dẹp tan quân xâm lược và phong là “Thượng đẳng thần”.
Trải qua biết bao biến cố và chiến tranh, đặc biệt là sau khi bị thực dân Pháp phá huỷ, đền Voi Phục đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa và đến ngày nay đã trở nên khang trang hơn. Tuy có nhiều thay đổi so với ban đầu nhưng người dân vẫn lưu giữ được truyền thống dâng hương ở đền và thường gọi với cái tên quen thuộc là đền Thủ Lệ hay đền Linh Lang.
Có lẽ, ấn tượng đầu tiên của du khách khi đặt chân đến nơi đây là hai ông voi quỳ được đắp công phu, phục ngay ở cửa đền. Phía trong đền có nhiều chi tiết chạm khắc hình rồng cùng các hoạ tiết trang trí hoa lá tỉ mỉ trong khung cảnh vô cùng yên tĩnh và thanh bình. Đặc biệt, đền Thủ Lệ còn ghi dấu ấn với quả chuông đồng cao 93cm, đường kính 73cm, có chạm khắc chữ Hán nổi “Tây trấn thượng đẳng” do người dân nơi đây quyên góp, đúc thành.
Đền Voi Phục không chỉ có vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc mà còn mang nhiều ý nghĩa tâm linh thiêng trong bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc. Từ mùng 9 đến 11/2 (Âm lịch), đền có tổ chức lễ hồi đền Voi Phục với quy mô rất hoành tráng, thu hút du khách thập phương.
Đền Kim Liên – Nam trấn Thăng Long
Được xây dựng vào thế kì 16-17, đền Kim Liên là nơi thờ thần Cao Sơn Đại Vương. Theo tài liệu lưu giữ tại đền, đền Kim Liên được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng ngay sau khi lập kinh đô Thăng Long nhằm mục đích bảo vệ kinh thành mới ở hướng Nam.
Tương truyền, Cao Sơn Đại Vương là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thủy Tinh mang lại bình yên cho nhân dân.
Năm 1509, quân đội của Lê Tương Dực từ Thanh Hóa tiến về Thăng Long lật đổ Lê Uy Mục. Khi qua đây, thấy đền thờ Cao Sơn Đại Vương liền vào xin phù hộ. Sau đó sự nghiệp của Tương Dực bắt đầu thành công. Nhớ ơn thần, vua Lê Tương Dực cho lập lại đền thờ to đẹp hơn. Sau này, người dân làng Kim Liên đã lập thêm cổng tam quan, bổ sung một số kiến trúc mới tạo thành đình Kim Liên, trong đền và đình còn thờ Tam Phủ, thờ Mẫu…
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đền Kim Liên đã được sửa chữa, tu tạo lại. Các công trình trong đền được trang trí với các hoạ tiết và hoa văn công phu, sinh động mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn.
Đền Kim Liên hiện còn lưu giữ được tấm bia đá cổ được dựng từ năm 1772 khắc thần tích, bài minh ca ngợi thần được soạn từ năm 1510 và 39 đạo sắc phong của các triều đại.
Hàng năm, vào ngày 16 tháng 3 (Âm lịch), người dân làng Kim Liên lại tổ chức mở hội truyền thống, nghe lễ tế để báo đáp ơn thần. Lễ hội truyền thống với các hoạt động tế lễ để báo đáp ơn thần cùng nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, chọi chim, thi đấu võ thuật, bóng bàn… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Đền Quán Thánh – Bắc trấn Thăng Long
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”
Câu ca dao đã đi vào huyền thoại của văn học dân gian Việt Nam mà thế hệ học sinh dường như ai cũng biết. Trấn Vũ đó chính là đền Quán Thánh, nơi tu luyện của các đạo sĩ thuộc đạo Giáo, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
Theo thần thoại Việt Nam, thần nhiều lần giúp dân trừ tà ma, yêu quái, đánh đuổi ngoại xâm. Vị thần trong truyền thuyết, được nhân dân hết lời ca ngợi, đã góp sức giúp An dương Vương xây thành Cổ Loa, giúp vua Lý Thánh Tông diệt hồ ly tinh trên sông Hồng, giúp dân xua đuổi tà ma, diệt trừ cáo chín đuôi. Ngôi đền nằm ngay ngã tư đường Quán Thánh với đường Thanh Niên, đối diện Hồ Tây, quanh năm mát mẻ.
Năm 1010, đền Quán Thánh được vua Lý Thái Tổ cho xây dựng để trấn giữ phía Bắc kinh thành. Nổi bật nhất trong đền là pho tượng được đúc bằng đồng đen cao gần 4 mét, nặng khoảng 4 tấn, mô phỏng Huyền Thiên Trấn Vũ với đôi mắt nhìn xa xăm, râu dài, tóc xõa, mặc áo đạo sĩ, tay trái chống lên mai rùa, tay phải ôm rắn. Đây có thể xem là công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật đúc đồng của các nghệ nhân làng Ngũ Xã cách đây 3 thế kỷ. Tượng ngồi trên bệ đá xanh cao 1,5m có dáng vẻ đồ sộ, uy nghiêm.
Bên cạnh đó, đền Quán Thánh ngày nay vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo, có một không hai thời Lý. Đền hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như quả chuông lớn có niên đại năm Đinh Tỵ 1677, biển đồng làm từ thời Thiệu Trị 1841.
Kiến trúc trong đền có giá trị nghệ thuật cao với những mảnh chạm khắc trên gỗ vô cùng độc đáo trong một không gian bố cục hài hoà. Đường nét chạm trổ hoa văn tinh xảo, đầu rộng, đuôi phượng trên các trụ cột, miếu thờ, tạo nên không gian linh thiêng bậc nhất chốn kinh kỳ. Lễ hội đền Quán Thánh được diễn ra hàng năm vào ngày 3 tháng 3 (Âm lịch).
Ngày nay, người dân Hà Nội vẫn lưu giữ được truyền thống cha ông, vào những ngày đầu năm mới lại nô nức đi lễ đủ cả bốn đền thuộc Thăng Long tứ trấn. Nơi đây là biểu tượng của đời sống tâm linh và văn hoá của người Việt, là cơ hội để những người trẻ tìm hiểu thêm về lịch sử, văn hoá của một thời Thăng Long ngàn năm văn hiến.