Quảng Nam: Sôi động làng nghề bánh in An Lạc dịp Tết

Tấn Thành - Chí Đại 11/02/2021 13:30

Những ngày này, làng nghề làm bánh in ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đang hối hả chuẩn bị nguyên liệu sản xuất phục vụ thị trường Tết nguyên đán 2021.

Đi dọc theo con đường bê tông quanh co vào sâu trong thôn An Lạc, xã Duy Thành, trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm âm lịch chúng tôi dễ dàng nhìn thấy nhiều người dân trong thôn cần mẫn chuẩn bị các nguyên vật liệu như: bột nếp, đường cát, khuôn mẫu,… đang tất bật làm bánh in đã tạo ra một bầu không khí sôi động, nhộn dịp.

Ông Đinh Xuân Cầm đang cho bánh in vào lò nấu.

Năm nay, gia đình ông Đinh Xuân Cầm (66 tuổi, trú thôn An Lạc) thuê 2 nhân công giao bánh cùng 4 thành viên trong gia đình để làm bánh in mới kịp hoàn thành đúng đơn đặt hàng của các thương lái để cung ứng thị trường dịp Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.

Ông Cầm nói: “Tết năm nay, gia đình tôi sản xuất trung bình mỗi ngày khoảng 1 tạ bánh in đậu xanh và các loại bánh khác. Năm nay gia đình tôi bắt đầu làm bánh cách đây khoảng hơn 1 tháng. Ở thôn này hầu như nhà nào cũng làm bánh in nên cả làng đón xuân bằng tiếng gõ vào khuôn làm bánh rất nhộn nhịp, sôi động”.

Một người thôn An Lạc đang rang nếp để làm bánh.

Cũng theo ông Cầm, nguyên liệu làm bánh gồm: bột nếp, đường cát và các nguyên liệu khác. Đường cát, được nấu lên rồi trộn chung giữa đường cát với bột nếp rồi cho vào khuôn để làm bánh in. Sản phẩm bánh in làm xong thì đưa vào lò nấu đến khoảng 10 phút thì đem bánh ra để cho nhân công cho vào bao đóng gói.

Ông Cầm khoe các sản phẩm bánh in của cơ sở mình.

Hơn 30 năm làm bánh in ở làng An Lạc, ông Huỳnh Văn Trung (58 tuổi) cho biết, muốn làm bánh in đạt chất lượng, thơm ngon cần phải đòi hỏi kỹ các khâu làm bánh như: nếp phải rửa sạch rồi đem rang thơm, bột mới ngon được. Rồi phải sàng sảy cho sạch sẽ lại, các công đoạn phải nhuần nhuyễn.

“Chú trọng nhất là khâu nhào bột và khuấy nước đường. Ngoài ra, khâu in bánh cũng đòi làm thế nào để bánh in chặt, đẹp mắt nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bột nếp, do đó thợ làm bánh cần phải tỉ mỉ, khéo léo, các khuôn mẫu phải đa dạng”, ông Trung chia sẻ.

Ông Huỳnh Văn Trung chuẩn bị đưa bánh in vào lò nấu.

Giá bán mỗi bao bánh in khác nhau tùy thuộc vào trọng lượng của bánh, như 1 bao bánh in loại 1kg có giá từ 20 đến 30 nghìn đồng và các loại bánh in loại 0,5kg có giá từ 6 đến 14 nghìn đồng. Thị trường tiêu thụ bánh in này hầu như phục vụ các huyện lân cận trong tỉnh miền Trung – Tây Nguyên.

Chia sẻ về nghề làm bánh in truyền thống, em Nguyễn Tấn Hải Âu nói: “Ngay từ nhỏ em được ba, mẹ và các thành viên trong nhà dạy cách làm bánh in đậu xanh, nên cứ mỗi dịp Tết đến em đều phụ giúp cho gia đình làm bánh để bán cho các thương lái, qua đó cũng có nguồn thu nhập cao cho gia đình để trang trải trong cuộc sống. Các công đoạn bánh in không khó nhưng đòi hỏi người làm bánh tỉ mỉ, chú trọng từ công đoạn, cho đến nhồi bột nếp để khi bỏ bột vào khuôn làm bánh sao khi bánh ra lò thơm ngon”.

Một loại sản phẩm bánh in ở thôn An Lạc.

Ông Đỗ Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, thôn An Lạc có hơn 20 cơ sở sản xuất làm bánh in đậu xanh. Mùa Tết mỗi cơ sở sản xuất hàng chục tấn bánh đậu xanh. Đến nay, bánh in đậu xanh An Lạc, xã Duy Thành được tiêu thụ mạnh ở khắp nơi, qua đó đã giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân nơi đây, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

“Thời gian tới, chính quyền xã sẽ kiến nghị các ngành chức năng huyện Duy Xuyên có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy mạnh làng nghề làm bánh in ở địa phương”- ông Việt khẳng định.

Tấn Thành - Chí Đại