Ra nhà giàn mùa biển động: Tết của những người 'chân không chạm đất'
Vào thời điểm trước Tết, Tiểu đoàn DK1 lại háo hức chờ đón các đoàn công tác cùng những món quà gửi đến từ quê hương như một sự động viên các chiến sỹ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Đã thành thông lệ, mỗi dịp cận Tết, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đều tổ chức các đoàn đi thăm, kiểm tra nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chúc mừng năm mới các cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1, Trạm ra đa 590, tàu trực và các cơ quan dân-chính-đảng của huyện Côn Đảo.
Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng, Vùng 2 Hải quân và tình cảm của nhân dân cả nước đối với các lực lượng đang có mặt trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, kịp thời động viên, khích lệ cán bộ, chiến sỹ khắc phục khó khăn, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc
Cũng đã thành thông lệ, vào thời điểm trước Tết lực lượng “lính biển” của Tiểu đoàn DK1 lại háo hức chờ đón Đoàn công tác cùng những món quà quê hương.
Tết ở nơi quanh năm “chân không chạm đất”
Cũng là bộ đội hải quân và xa bờ cả năm liền nhưng “lính nhà giàn” có nỗi niềm riêng so với “lính đảo”, đó là “thèm hơi đất” theo đúng nghĩa đen. Bởi những người lính biển này từ ra khơi đến khi quay trở lại, có thể là 12 tháng, nhưng cũng có thể là 17, 18 tháng, không một lần chân chạm đất.
Quanh năm ngày tháng những cán bộ, chiến sỹ sống và làm việc chơi vơi trên nhà giàn, cách mặt biển hơn 30 m và để chạm được bãi san hô, họ còn phải lặn sâu dưới nước chừng 30m nữa.
Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, quân nhân chuyên nghiệp tại Nhà giàn DK1/15, chia sẻ thường thì chỉ mất một tuần là “người đất liền” thích nghi hoàn toàn với cuộc sống ở “lưng chừng trời” giữa biển khơi.
Các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở Vùng 2 Hải quân dẫu chưa cắm chốt cả năm ở nhà giàn thì cũng thường tham gia các chuyến công tác dài ngày trên biển. Hơn nữa, sự từng trải và nghị lực giúp họ nhanh chóng thích ứng với mọi hoàn cảnh, điều kiện sống.
Những người lính trẻ thoạt đầu không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn lên chỉ thấy mây và nhìn xuống chỉ thấy nước. Nhưng họ cũng không mất quá nhiều thời gian để bắt nhịp với những người đi trước.
Khi hoàn thành nghĩa vụ của người trai trẻ để trở về đất liền, từ trong suy nghĩ đến cử chỉ, họ đều toát ra sự chững chạc, trưởng thành sớm hơn so bạn bè cùng trang lứa.
Trung tá Vũ Văn Hậu, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15, từng đón 4 cái Tết tại các nhà giàn. Còn Đại úy Vũ Văn Định, quân nhân chuyên nghiệp, đã đón giao thừa ở đảo Đá Tây A và đảo Song Tử Tây thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) cũng như tại Nhà giàn DK1/11.
Các anh là những người am hiểu cặn kẽ về điều kiện sống rất riêng của “bộ đội nhà giàn.” Có những điều nhỏ nhặt, bình thường không ai nghĩ tới nhưng trong hoàn cảnh đặc thù lại gợi lên da diết.
Vốn là những người con của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Thiếu tá Hậu (quê ở Nam Định) và Đại úy Định (quê ở Ninh Bình) khá tinh tế trong việc cảm nhận sự biến đổi giao mùa của cảnh vật, cây cỏ nơi thôn dã, giống như bức tranh mà nhà thơ Hữu Thỉnh khắc họa trong bài “Sang Thu” - “Bỗng nhận ra hương ổi. Phả vào trong gió se. Sương chùng chình qua ngõ. Hình như thu đã về”.
Tại khu vực phía Nam đất trời chỉ có mùa mưa và mùa khô, và ở trên biển quanh năm chỉ mây và nước, khác chăng là vào mùa biển động trời vần vũ hơn, sóng dữ dội hơn và gió lồng lộng, quay cuồng cả ngày lẫn đêm. Không có đặc điểm gì để báo hiệu “Thu đã về”.
Vào thời điểm phóng viên TTXVN gặp gỡ với các anh giữa đại dương mùa biển động thì ở quê nhà trời đất đã trở mình chuẩn bị sang Xuân. Không lạnh lẽo như mùa Đông, không chói chang như mùa Hạ, không hanh hao như mùa Thu, mùa Xuân ấm áp và có phần ướt át khiến cho cây cối đâm chồi, nảy lộc, hoa đua nhau bung nở. Không khí Tết cận kề hiện diện ở khắp nơi nơi.
Còn tại Nhà giàn DK1/10 trên bãi cạn Cà Mau, Trung úy, Chính trị viên Đồng Xuân Phong (quê ở Hải Phòng) nhìn ra bốn phía, không thấy dấu hiệu nào để nhận biết Tết sắp đến, Xuân sắp về.
Không khí Tết chỉ chợt bùng lên khi tàu Trường Sa thả neo gần đó và Đoàn công tác mang theo cây quất quả vàng lúc lỉu được bứng từ tận vùng bãi Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cùng với gạo nếp, đậu xanh, lá dong và nhiều đặc sản của các vùng quê khác nhau.
Trung úy Đồng Xuân Phong cho biết nếp sinh hoạt, làm việc của chiến sỹ trên nhà giàn cũng như ở đất liền - 11 chế độ trong ngày và 3 chế độ trong tuần. Trên nhà giàn không có khái niệm nghỉ ngày cuối tuần, ngày lễ hay Tết. Có chăng tiêu chuẩn ăn của bộ đội vào ngày Tết cao hơn ngày thường, tối có thêm tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn, trò chơi ‘hái hoa dân chủ”, đợi nghe chúc Tết của Chủ tịch nước và Tư lệnh Vùng 2 Hải quân. Anh em có thêm thời gian gọi điện về hỏi thăm, chúc Tết người thân trên đất liền, xem tivi để cảm nhận không khí đón năm mới ở mọi miền đất nước.
Nói chung, công việc cuốn hút và lối sống tập thể lành mạnh, gắn kết đủ để không một cá nhân nào đắm sâu vào cảm giác chơi vơi ở nơi mà một con người bình thường chỉ mong “chân được chạm vào đất”.
Hậu phương vững chắc của “lính nhà giàn”
Đại úy Vũ Duy Hoàng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/2 ở Cụm Phúc Tần, cho biết, vào thời khắc chuyển giao từ năm Canh Tý sang năm Tân Sửu anh dành nhiều suy nghĩ về người vợ trẻ và cô con gái bé bỏng ở Vũng Tàu, về ông bà nội ở tận Thanh Hóa và ông bà ngoại ở huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Ra nhà giàn gần một năm, sóng điện thoại là mối dây kết nối giữa anh và người thân trên bờ. Anh nghe vợ nói là con gái lớn hơn rất nhiều, cao vọt lên. Nhưng “cao vọt” là thế nào thì sóng 2 G của điện thoai không giải đáp được thắc mắc này của anh.
Trong mỗi cuộc điện thoại điều mà cô bé Tường Vy, 7 tuổi, học sinh lớp 2, hỏi đi hỏi lại không biết chán là “Bao giờ bố về?”.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại cầu tàu quân cảng của Lữ đoàn 171 (thành phố Vũng Tàu), cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Tháng 3/2020 tôi và con gái tiễn anh Hoàng ra nhà giàn. Anh hẹn chẵn một năm sẽ quay về. Con gái còn quá nhỏ để hiểu thế nào là nhà giàn, tôi cũng không thể giải thích với cháu rằng chế độ làm việc của bố là không có phép giữa chừng. Cháu thấy các bạn có bố là bộ đội mà vẫn được bố đưa đón hằng ngày nên cứ thắc mắc: “Sao bố lâu về thế?”.
Qua tâm sự của anh Hoàng, tôi biết rằng trong gần một năm qua, vợ, con, ông bà nội, ngoại đều mạnh khỏe, cuộc sống bình an.
Nhưng sự thật qua câu chuyện của chị Hương có đôi chút khác biệt. Chị kể cháu Tường Vy hay ốm vặt, cao nhưng gầy. Tôi cũng vừa trải qua một trận ốm khá nặng, giờ chưa lại sức. Ông bà nội, ngoại cũng không được khỏe. Nhưng tôi và đại gia đình đều không muốn anh Hoàng ở nơi sóng gió phải phân tâm.
Chị Hương có đôi lúc cũng chạnh lòng khi chứng kiến bữa cơm chiều đầy đủ, ấm cúng của nhà hàng xóm hay cảnh tượng các cặp vợ chồng trẻ dắt tay con thơ trong công viên ngày cuối tuần. Bố mẹ hai bên đều ở rất xa, mọi lo toan đều do mình chị gánh vác, lúc bản thân bị bệnh, con ốm đau, công việc ở trường không thuận lợi khiến chị không khỏi tủi thân.
Chị Hương cho biết sự chạnh lòng chỉ thoáng qua thôi rồi chị nghĩ lại. Anh Hoàng đang làm nhiệm vụ cao cả của một người lính. Khi quyết định nhận lời cầu hôn của anh thì có nghĩa là chị đã chọn làm vợ bộ đội với tất cả những gian truân và niềm tự hào của ba từ này.
Cảm nhận chung của các phóng viên khi tiếp xúc với các sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp trên các nhà giàn là hầu như ai cũng có một hậu phương vững chắc ở đất liền.
Và “ông Tơ bà Nguyệt” dù ở trong thời bình vẫn theo thói quen để lại từ thời chiến là thích se duyên cho bộ đội với các cô giáo. Lính nhà giàn tự nhận đây là “mối lương duyên tương thích và hoàn hảo”.