Biểu tượng Tân Sửu thăng hoa trong nghệ thuật đường phố Graffiti
Trong dịp Tết Tân Sửu, nghệ sĩ Graffiti người Pháp gốc Việt Cyril Kongo sáng tác tác phẩm giao thoa văn hoá, kết hợp tranh linh vật Tết với hội hoạ đường phố Graffiti.
Thú chơi tranh Tết của người Việt xưa
"Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc", chơi tranh Tết, một thú chơi tao nhã của người dân Việt Nam từ lâu đã là một nét văn hoá độc đáo, một phong tục cổ truyền ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa mà mỗi thế hệ đều mong muốn giữ gìn.
Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, sau ngày cúng Ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), người dân bắt đầu tất bật sắm sửa, trang hoàng nhà cửa để đón Tết cổ truyền. Cùng cành đào, cây quất, tranh dân gian ngày Tết là thứ được nhiều gia đình người Việt lựa chọn. Người dân thường đi lựa mua những bức tranh với hi vọng đón may mắn về nhà, gỡ tranh cũ xuống treo tranh mới lên với hàm ý “Tống cựu, nghinh tân”.
Đối với gia đình ở nông thôn, nhà tranh vách đất cũng rạng rỡ hơn với một bức tranh nhỏ, tuy mộc mạc nhưng là món ăn tinh thần to lớn. Còn đối với gia đình ở thành phố, việc treo tranh không chỉ cho có không khí Tết mà còn thể hiện lễ giáo gia phong của gia đình.
Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng ... chiếm vị thế chủ đạo trong tập quán tốt đẹp này. Nội dung tranh thường là những biểu tượng linh vật hiền hoà, quen thuộc, no tròn, ấm áp, hoặc đi kèm thông điệp, lời chúc hài hoà, thịnh vượng. Màu sắc trong các bức tranh Tết thường rực rỡ, tạo cảm giác mới mẻ, ấm cúng, rộn rã sắc Xuân và tràn ngập những ước vọng đẹp đẽ. Xã hội phát triển và văn hoá Phương Tây du nhập, thú treo tranh truyền thống không còn phổ biến như trước kia, tuy nhiên những tập tục này vẫn hằn in trong tiềm thức của những người con đất Việt.
Sau một thời gian dài tưởng chừng như bị mai một, giờ đây, thú chơi này đã dần quay trở lại và nhận được sự quan tâm của những người yêu mỹ thuật, những người mong muốn gìn giữ phong tục đẹp ngày xuân cho thế hệ sau.
Theo đuổi nghệ thuật Graffiti, một môn nghệ thuật được nuôi dưỡng từ niềm yêu thích hội hoạ của ngay cả những tầng lớp bình dân nhất, Cyril Kongo tâm đắc với sự tương đồng giữa hai nét đẹp trong chơi tranh Tết của người Việt và Graffiti. Đây chính là nguồn cảm hứng để ông sáng tác bức “Kongo 2021”.
Biểu tượng Tân Sửu trên nghệ thuật Graffiti
Tác phẩm “Kongo 2021” lấy hình tượng con trâu – linh vật của năm Tân Sửu làm trung tâm của bức tranh khổ vuông có viền, cách điệu từ lá cờ hội dân gian. Trâu nước – người bạn quen thuộc của người nông dân, loài vật tượng trưng cho nền văn minh lúa nước cũng là hiện thân cho đức tính cần cù, chăm chỉ và bản lĩnh, được Cyril Kongo thể hiện tương phản trên nền “Chúc mừng năm mới Tân Sửu”.
Khác với những đường nét mềm mại trong tranh dân gian, dưới lăng kính Graffiti, Kongo đã khắc hoạ hình tượng con trâu thông qua những hình khối đa sắc màu. Sự đan xen của những gam màu ấm nóng ẩn chứa nhiều ý nghĩa như màu đỏ của hoa đào, vàng của mai, hồng của xác pháo ... là các màu sắc của sự tươi mới vốn vẫn được yêu thích trong tranh Tết truyền thống. Tựu chung lại, trên nền cờ hội nhưng được cách điệu, cùng lời cầu chúc tốt đẹp nhưng được viết bằng phông chữ của thời đại, cùng linh vật, cùng những sắc màu tươi sáng, Kongo đã hội tụ những nét truyền thống và thổi vào đó tinh thần đương đại của Việt Nam năm 2021, đầy năng lượng phóng khoáng và lạc quan.
Cyril chọn chất liệu vải linen đặc biệt của Pháp kết hợp cùng sơn acrylic nhằm lột tả những kỹ thuật “chơi màu” độc đáo. Trên nền vải linen, những dải màu xanh chuyển từ tông đậm sang nhạt một cách uyển chuyển và sự tương phản màu sắc xanh dương – đỏ cam càng trở nên rõ rệt, tạo nên chiều sâu thị giác cho mỗi vị khách khi thưởng thức tác phẩm này. Nhờ đó, thông điệp “Chúc mừng năm mới Tân Sửu” cũng được truyền tải một cách độc đáo mang đậm dấu ấn nghệ thuật của Cyril Kongo.
12 con giáp luôn là đề tài yêu thích, truyền cảm hứng cho nhiều hoạ sĩ tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo hài hoà vẻ đẹp truyền thống và hiện đại. Là một trong những nghệ sỹ tiên phong đưa graffiti vượt qua khỏi khuôn khổ của những bức tường, Cyril Kongo mạnh dạn tạo ra hướng đi mới mẻ khi kết hợp tranh Tết với nghệ thuật Graffiti. “Kongo 2021” là tác phẩm đầu tiên nghệ sĩ người Pháp gốc Việt sáng tác chủ đề này và cũng chỉ hoàn thiện một bức duy nhất.
“Tôi luôn nhớ về ký ức tuổi thơ của mình tại Việt nam. Ký ức chứa đựng nhiều điều kỳ diệu hơn chúng ta tưởng. Những tầng ý nghĩ về căn nguyên, nguồn gốc quê hương luôn là cảm hứng lớn trên con đường sáng tác nghệ thuật của mình. Tác phẩm “Kongo 2021” chính là dòng chảy về tiềm thức của tôi hướng về quê hương mùa xuân này. Thông qua đó, tôi hy vọng rằng thế hệ các bạn trẻ có thể tìm kiếm những góc tiếp cận nghệ thuật mới mẻ để lưu giữ các giá trị truyền thống của Việt Nam”, Cyril Kongo chia sẻ.
Dù là thể hiện nét văn hoá truyền thống của phương Đông nhưng Cyril Kongo đã đem đến một góc cảm nhận mới, tìm thấy điểm chung cộng hưởng của nhiều thú chơi văn hoá cũng như tương đồng trong cảm xúc, gửi gắm trong một tác phẩm hướng về quê hương mang tên “Kongo 2021”.
Cyril Kongo (tên thật là Cyril Phan), người Pháp gốc Việt, là nghệ sỹ graffiti nổi tiếng thế giới bởi những đóng góp to lớn trong việc nâng tầm bộ môn nghệ thuật đường phố này. Ông được đánh giá cao bởi sự xuất sắc trong kỹ thuật, sự phong phú trong hình thức thể hiện và tính nhân văn sâu sắc được truyền tải trong mỗi tác phẩm.
Các tác phẩm của Cyril Kongo từng được tôn vinh tại nhiều nơi trên thế giới từ cung điện lớn (Grand Palais) danh giá hay “Khải hoàn môn thứ hai của Paris” Grande Arche la Defensecho hay những phòng trưng bày nổi tiếng tại Tokyo, Hongkong, Singapore, Amsterdam hay bảo tàng tại New York. Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ của Kongo trong việc làm thay đổi bộ mặt của môn nghệ thuật đường phố này đã “se duyên” cho những màn hợp tác giữa Kongo với những cái tên danh giá bậc nhất trong lĩnh vực thời trang và chế tác cao cấp thế giới như Hermes, Chanel, Richard Mille hay La Cornue.