Khơi thông dòng chảy thương mại
Ổn định hoạt động giao thương, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid 19 là một trong nhiều mong muốn từ phía cơ quan quản lý, giới chuyên gia cũng như của chính cộng đồng doanh nghiệp
Cộng đồng doanh nghiệp luôn mong muốn, thủ tục hành chính đơn giản để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn chi phí gia nhập và rời bỏ thị trường ít nhất có thể để dễ bề sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nói, kỳ vọng hiện đại hóa thủ tục hải quan nhiều hơn nữa, cơ quan quản lý thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, biên giới.
Thời gian qua, ngành Hải quan cũng chủ động tổ chức nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhờ vậy, trong năm 2020, ngành hải quan đã hoàn thành giải quyết các thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho một khối lượng hàng hóa lớn, với tổng giá trị kim ngạch đạt trên 515 tỷ USD.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi thương mại, công tác giám sát, quản lý nhà nước về hải quan tiếp tục được tăng cường trên tất cả các khâu, thực hiện theo xu hướng cải cách, hiện đại hóa, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, ngành hải quan đã xây dựng đề án cải cách kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu trình Chính phủ để phê duyệt nhằm giải quyết triệt để những bất cập về vấn đề này. Đồng thời, mở rộng triển khai áp dụng hệ thống giám sát hàng hóa tự động; triển khai thực hiện định vị điện tử GPS; rà soát số liệu các mặt hàng nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu; áp dụng hệ thống một cửa quốc gia và hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài mang lại hiệu quả và lợi ích to lớn cho cả cơ quan hải quan cũng như các doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2020, Tổng cục Hải quan cũng đã cung cấp 202/238 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, chiếm 85% tổng số thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 196 thủ tục hành chính đã thực hiện trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 82,4%); phối hợp chặt chẽ các đơn vị có liên quan tích hợp 70 dịch vụ công trực tuyến hải quan lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp các bộ, ngành tích cực triển khai các thủ tục hành chính mới, mở rộng phạm vi, số lượng doanh nghiệp tham gia đối với các thủ tục hành chính đã triển khai đáp ứng mục tiêu và tiến độ kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020...
Bước sang năm 2021, theo Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, ngành hải quan sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi thương mại theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hướng tới hải quan số; ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia, Cơ chế Một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
Đồng thời, tiếp tục phấn đấu thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt mức tối thiểu khoảng 315.000 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; nâng cao hiệu quả công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ, công chức… thuộc nội ngành.
Theo thống kê, riêng lĩnh vực Hải quan, đến nay đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan thông qua hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại tất cả các Cục hải quan với 98,6% số thu ngân sách bằng phương thức điện tử; triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động các cảng, kho, bãi tại 33/35 Cục Hải quan; triển khai cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không... Kết nối 13/14 bộ, ngành, với 207 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia và trên 43.700 doanh nghiệp tham gia. Trao đổi chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng dự thảo Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu“, nhằm cải cách căn bản, toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay.