Tin ở mùa xuân
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra động lực, sự phấn khởi, tin tưởng của toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2021 và giai đoạn tới. Dù đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội 2020 và mới nhất là trong tháng 1/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Hòa chung vào không khí tưng bừng chào xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dành cho báo chí Việt Nam cuộc trò chuyện đầu năm bên thềm xuân mới Tân Sửu 2021 này.
PV:Năm 2020 đã khép lại với mức tăng trưởng dương dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả trên?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Có thể nói, do hội nhập kinh tế sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng cũng thể hiện sức chống chịu đáng kể. Đáng chú ý là, ở nước ta, tác động y tế ban đầu của dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác, nhờ có các biện pháp đối phó chủ động ở cả cấp trung ương và địa phương. Kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP dương.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với 2019, Việt Nam thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế xã hội thì đây là thành công lớn. Việc khống chế thành công dịch bệnh và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội.
Hơn nữa, đây cũng là tiền đề và động lực để chúng ta bước tiếp vào tháng 1/2021 với nhiều “điểm sáng” đáng khích lệ. Đó là: Nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; Lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng; Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định; Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm, dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định trong các tháng đầu năm 2021, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và phục hồi; Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực với trên 10 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020 với số lao động đăng ký mới ở mức cao, đạt trên 115 nghìn người, tăng 37,2%; Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ 2020; Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%).
Đặc biệt, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến về đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.
Ngoài ra, hoạt động tổ chức, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân đón Tết được chú trọng. Các cơ quan trung ương, địa phương đã chủ động rà soát, tổng hợp số hộ dân có nguy cơ thiếu đói; chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để kịp thời hỗ trợ người lao động đón Tết…
Vậy nếu có thể đề cập một cách khái quát đến bức tranh kinh tế vĩ mô cả nước thời gian qua, Bộ trưởng có nhận định gì?
- Nhìn nhận chung thì thấy rằng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị Tết của người dân. Dù phải chịu áp lực tăng giá do nhu cầu gia tăng và giá dầu thế giới phục hồi, lạm phát vẫn được kiểm soát. Xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo.
Mặc dù vậy, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra.
Trước tình hình đó, chúng ta phải triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội như thế nào để đảm bảo mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra, về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị sẽ có những kiến nghị, đề xuất và tham mưu cụ thể nào, thưa Bộ trưởng?
- Trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2021 và dự báo tình hình, kịch bản điều hành 6 tháng 2021 tại Phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 01 năm 2021 vừa mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chúng tôi đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế cũng như đề cập tới một số nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin đã báo cáo cụ thể với Chính phủ. Trường hợp dịch Covid -19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%,đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Bộ cũng đề xuất các nhóm giải pháp nhằm khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025. Trong đó, trọng tâm tập trung vào phòng, chống, kiểm soát đại dịch Covid-19; phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư Ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết.
Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Song song là triển khai các nhóm giải pháp tăng cường sự độc lập, năng lực tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh, tình hình mới. Bộ xác định bối cảnh Covid-19 cùng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế, chính trị, thương mại trên thế giới. Để thích ứng và phát triển trong tình hình mới, nhiều quốc gia đã và đang đề ra chiến lược, chính sách mới trong đó tập trung vào phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ… như chiến lược “vòng tuần hoàn kép” của Trung Quốc, chính sách “tăng trưởng xanh” của Hàn Quốc...
Do vậy, Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, theo dõi, cập nhật các xu thế, mô hình mới, chính sách của các nước có tác động lớn đến nước ta; tập trung nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện Đề án nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, trong đó bao gồm nhiều nội dung, giải pháp tương đồng với các nội dung trên. Bộ sẽ phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu các mô hình mới và chiến lược của các quốc gia khác để báo cáo Chính phủ cùng với các nội dung của Đề án trong thời gian tới.
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2020 phải nhắc đến là các hoạt động an sinh xã hội trong Chương trình “Vì sự phát triển cộng đồng” mà Bộ đã triển khai. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm gì về kênh hoạt động này, thưa ông?
- Chương trình “Vì sự phát triển cộng đồng” là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai sâu rộng trong năm 2020. Với chương trình này, Bộ đã được xã hội ghi nhận và nổi bật trên mặt trận tham mưu các chính sách kinh tế. Với vị trí là một cơ quan tổng tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ trụ cột kinh tế được ưu tiên trọng yếu trong công tác hoạch định chính sách mà Bộ tiếp tục xây dựng hình ảnh ra công chúng về một cơ quan quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, vì sự phát triển cộng đồng, thông qua những hành động nhân văn và tử tế.
Trong năm 2020, hàng loạt các hoạt động được triển khai trên các trụ cột, tập trung vào 8 nhóm yếu thế mà Bộ bảo trợ và phát triển Hành trình “Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam” trên các địa phương trên cả nước; công bố Chương trình “Sức sống Việt Nam”, Phát động Chương trình “Mỗi người dân là một sứ giả”, ra mắt video clip Bao la Việt Nam. Đồng thời, Bộ tiến hành chuỗi hoạt động từ thiện trải dài trên cả nước, nổi bật với Chương trình xoá 500 nhà tạm cho huyện Sốp Cộp tỉnh Sơn La…
Mới đây nhất, nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, 273 món quà là các sản phẩm của nhiều địa phương đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng cho 14 nhóm yếu thế và hoạt động cộng đồng mà Bộ đã bảo trợ và trợ giúp, đó là: Thương Thương Handmade - cơ sở sản xuất sản phẩm quà tặng mỹ nghệ từ kỹ thuật quấn giấy quilling; Trung tâm đào tạo phục hồi chức năng cho người mù; Mạng lưới Người Tự kỷ Việt Nam; Doanh nghiệp Kym Việt của nhóm điếc và khuyết tật; Mạng lưới Blind Link kết nối người khiếm thị, nơi miệt mài cho những nỗ lực đưa hành trình cây gậy trắng đến với ngừoi mù và khiếm thị; Vụn Art - Hợp tác xã của người yếu thế; Hợp ca Hy vọng - Dàn hợp ca của người mù; Salon tóc Thành Nguyễn - Nơi học nghề của người Điếc; Hợp tác xã Tâm Ngọc gồm 30 người khuyết tật trồng cây thảo dược tại Sóc Sơn (Hà Nội); Hội Người mù Việt Nam; Tiệm giặt là người Điếc; Doanh nghiệp xã hội Lagom thu gom rác tái chế thành đồ thủ công; Sáng kiến ung thư “Muối hỗ trợ cộng đồng bệnh nhân ung thư tại Việt Nam”; EcoFish Vietnam - xây dựng mô hình cá khổng lồ bằng tre đi cùng các hoạt động, chương trình giáo dục nâng cao ý thức phân loại rác nhựa tại trường học…
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!