Tết buồn của một môi giới bất động sản

Theo Minh Lê/ Vnexpress 15/02/2021 10:36

Nhận lương tháng 13 ít ỏi, phí môi giới hẹn sau Tết mới về, anh Hưng thừa nhận đang đón cái Tết trầm lặng chưa từng có.

Ở tuổi 32 với hành trang vào ngành bất động sản được 6 năm, anh Hưng kể trước đây là nhân viên xuất nhập khẩu của một doanh nghiệp sản xuất. Nghề cũ ổn định nhưng công việc đều đều buồn tẻ và khó cải thiện thu nhập. Từ cuối năm 2014 đầu năm 2015, anh mạnh dạn rẽ sang làm môi giới địa ốc.

Đến Tết Tân Sửu đã trải qua 6 mùa xuân tuổi nghề, anh Hưng thừa nhận nếm đủ mọi cung bậc thăng trầm trong hơn nửa thập niên qua của thị trường bất động sản, từ giai đoạn tăng nhiệt năm 2015, thăng hoa năm 2016-2017 rồi chững lại trong năm 2018 đến giai đoạn giảm tốc 2019-2020. Riêng năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19 nên cực kỳ khó khăn. "Thưởng Tết của tôi xuống thấp dưới mức kỳ vọng, chưa bằng một phần mười của thời hoàng kim năm 2016-2017", anh Hưng kể.

Mức thưởng cuối năm anh Hưng nhận được gồm tháng 13, thưởng doanh số (tuy chỉ đạt 35% kế hoạch đề ra nhưng vẫn được công ty khích lệ tặng quà Tết) và khoản hoa hồng cuối năm còn treo, được hẹn sẽ trả đủ vào đầu quý II. Nhân viên vẫn có thể ứng trước một khoản tiền tiêu Tết nhưng được kêu gọi chia sẻ cùng công ty, cố gắng chờ 2 tháng nữa dòng tiền mới kịp tất toán về.

Cuối năm tiền thưởng khiêm tốn đến mức anh phải bán vàng để lo cái Tết tươm tất cho gia đình nội ngoại hai bên. "Giờ nhớ lại những mùa xuân 2016-2017 tôi từng nhận thưởng Tết 250-300 triệu đồng, cảm thấy mọi chuyện biến đổi quá nhanh như chỉ mới hôm qua", anh bộc bạch.

Thị trường bất động sản phía Đông TP HCM. Ảnh: Trần Quỳnh.

Nhật ký năm 2020 của anh Hưng mang đậm dấu ấn của đại dịch Covid-19. Quý I nghỉ Tết dài, công ty khai trương muộn trong hoang mang và sau đó giãn cách toàn xã hội, không bán buôn hay tiếp xúc khách hàng nào, thu nhập thấp nhất kể từ khi vào nghề, chỉ có lương cơ bản 6 triệu đồng một tháng.

Quý II thị trường khởi động chậm chạp từ tháng 4 khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, bắt đầu xúc tiến việc bán hàng, kết nối khách hàng cũ lẫn mới. Song danh sách khách muốn xả hàng dài lê thê còn khách hỏi mua nhỏ giọt. Từ giữa quý trở đi có giao dịch nhưng thưa thớt. Cả team (đội) bán được một vài sản phẩm cũ sau khi kết thúc tháng 6. Lương cơ bản vẫn 6 triệu đồng một tháng, tiền phí môi giới chia ra theo đầu người (team 5 người) vừa đủ bù đắp chi phí xăng xe, giao tế, chạy quảng cáo facebook và google và dư được thêm đôi ba triệu đồng.

Quý III công ty tiếp cận một dự án vùng ven giáp ranh TP HCM quy mô nhỏ, mở ra tia hy vọng có thể bán hàng. Thế nhưng đợt dịch mới bùng phát làm tâm lý khách hàng xuống thấp, khách giữ chỗ dự án từ hơn hai trăm lượt đột ngột bị hủy hơn một nửa. Tình hình bán hàng tiếp tục chậm do tác động của tháng 7 Âm lịch. Kết thúc tháng 9 giao dịch của công ty nhích lên đôi chút so với quý II nhưng vẫn chậm hơn so với cùng kỳ năm 2019 và thấp nhất kể từ năm 2015. Thu nhập trung bình cải thiện ở mức15-20 triệu đồng một tháng.

Quý IV, tất cả nhân viên sale dốc toàn lực cho mùa bán hàng cuối năm để bù đắp cho thiếu hụt doanh số trong năm. Đến cuối tháng 12 công ty bán hết hàng dự án đất nền vùng ven quy mô vài trăm nền, sống lại hy vọng có tiền ăn Tết. Nếu phí môi giới trả đủ, anh Hưng có thể nhận về khoản tiền 65 triệu đồng, tuy nhiên do việc thu hồi công nợ khó khăn từ đối tác, số tiền này được công ty hẹn chuyển sang tháng 4/2021.

Anh Hưng tiết lộ, trong năm 2020, trừ quý I thị trường gần như ngủ đông vì đại dịch, từ quý II đến quý IV/2020 trung bình chi phí chạy quảng cáo để tìm khách mua bất động sản của anh vào khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Đây là chi phí tối thiểu môi giới chạy quảng cáo facebook, google, mua dữ liệu khách hàng, gọi điện chăm sóc khách hàng và mời mua bất động sản, phát tờ rơi... để tiếp cận và tìm đúng người cần mua bất động sản.

Đặc thù của ngành bất động sản là khách hàng không tự tìm đến mà phía chủ đầu tư, đơn vị phân phối và bản thân môi giới đều phải quảng bá sản phẩm để chào hàng và tìm kiếm người mua. Môi giới bán được nhiều sản phẩm sẽ khấu hao được khoản chi phí 15-25 triệu đồng hàng tháng cho quảng cáo tiếp thị cá nhân. Ngược lại môi giới không bán được hàng sẽ phải tự bỏ tiền túi, xem như mất vốn.

Trên thực tế, trung bình mỗi một sản phẩm bán được, tiền phí môi giới chủ đầu tư trả về có thể lên đến 70-90 triệu đồng nhưng nhân viên sale không được nhận toàn bộ mà phải chia ra thành nhiều phần. Phần thứ nhất là khoản công ty môi giới trích lại để phát triển hệ thống phân phối và trả chi phí marketing cho dự án tùy theo quy định từng công ty chiếm 40-50%. Phần thứ hai là khoản chi phí quảng cáo do chính nhân viên môi giới tự thực hiện dao động 15-25 triệu đồng trả cho các hình thức rao thông tin trên website hoặc tiếp thị trực tiếp. Phần thứ ba mới là phí môi giới nhân viên kinh doanh thực nhận.

Để bán được hàng và nhận được phí môi giới là một quá trình thử thách rất dài, cộng thêm hiện nay cạnh tranh nghề này ngày càng khốc liệt, tỷ lệ bỏ nghề hoặc sàng lọc rất cao. "Người ngoại đạo chỉ nhìn thấy bề nổi của nghề môi giới là việc nhẹ lương cao. Song chỉ có người trong cuộc mới thấm thía cái giá của sự vất vả, nhọc nhằn đó", anh Hưng cho hay.

Dù trải qua năm 2020 ảm đạm, nhân viên sale 6 năm tuổi nghề này tự an ủi mình vẫn may mắn hơn hàng nghìn đồng nghiệp đã phải rời khỏi thị trường bất động sản do không chịu được sức ép hoặc bị đào thải trong mùa dịch. Anh cũng thừa nhận những ngày cuối cùng của tháng Chạp dịch bệnh bùng phát trở lại, gieo thêm khó khăn, áp lực, kéo theo một kỳ nghỉ Tết dài với hệ lụy không ai mong đợi cho nền kinh tế nói chung và cho thị trường địa ốc nói riêng. "Nếu hỏi tôi có lo ngại không thì chắc chắn là có. Nhưng đó là cái lo đi trước để thích ứng với hoàn cảnh. Tôi tin rằng sẽ có giải pháp để vượt qua thách thức", anh Hưng nói.

Theo Minh Lê/ Vnexpress