Người nổi tiếng và những nỗi niềm riêng trong ngày Tết cổ truyền
Tết đến, các nghệ sỹ cũng có dịp nhìn lại chặng đường đã qua và lên kế hoạch cho những dự án trong năm mới. Họ chia sẻ với độc giả VietnamPlus những câu chuyện về Tết với hoài niệm và dự định.
Với nhiều người, Tết Nguyên đán là dịp nhìn lại một năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới với những kỳ vọng vào sự đổi thay tốt đẹp. Và, những nghệ sỹ Việt cũng có thật nhiều cảm xúc khi bước vào năm Tân Sửu.
Tết đủ đầy, nhớ khi gian khó
Nghệ sỹ Minh Vượng nổi tiếng nấu ăn ngon và chăm chỉ chia sẻ về ẩm thực trên trang cá nhân. Ngày Tết cổ truyền với chị là dịp để nghỉ ngơi, ngủ nướng, và tất nhiên là nấu những món ăn ngon chiêu đãi gia đình và bạn bè.
Chị học nấu ăn từ mẹ và là “đầu bếp” chính của gia đình từ khi còn niên thiếu. Gần đến Tết là chị tất bật chuẩn bị dọp dẹp nhà cửa, mua sắm đồ dùng, quà biếu và thực phẩm để trong kỳ nghỉ Tết có thể nấu những món ăn ngon.
“Thật ra, nghe đến Tết thì tôi cũng thấy sợ vì công việc bận rộn hơn và tự nhiên phải thêm việc là sắm Tết. Ở tuổi này, tôi chỉ thích nhất là Tết đến được ngủ nhiều hơn, nghe nhạc thư giãn và có vài người bạn thân đến trò chuyện,” chị chia sẻ.
“Tôi cũng bắt đầu sợ nấu nướng, nhưng tất nhiên ngày Tết thì vẫn phải làm. Tôi chuẩn bị nguyên liệu trước để ngăn đá, nào cua xay sẵn, cá trắm đen, lươn... Bây giờ mọi thứ cũng tiện hơn nhiều, mùng 2 Tết là có chợ rồi. Bấy giờ ra chợ mua thêm ít rau sống với ít bún là có bát bún riêu cua, hay bát dấm cá. Tôi cũng chuẩn bị nem Hà Nội rán, lõi bò luộc ngâm nước mắm, thái lát mỏng ăn kèm củ kiệu, hay nấu miến lươn, miến lòng gà... Năm nào khách tới chơi cũng tấm tắc vì những món ăn tôi nấu,” nghệ sỹ Minh Vượng khoe.
Tết đủ đầy là vậy, nhưng chị tâm sự rằng mình hay nhớ về quá khứ, những ngày tháng gian khó thiếu ăn, thiếu mặc.
“Lạ lắm, sao tôi toàn nhớ những cái khổ. Mặc dù tôi cũng đi diễn nước ngoài nhiều, được ăn ngon mặc đẹp mà vẫn nhớ đến ngày xưa mẹ nấu cơm nồi gang có cháy vàng. Anh cả tôi cứ cốc đầu đứa nào loi choi tranh ăn phần hơn vì mẹ đã dặn anh em phải nhường nhịn nhau. Ôi chao là thơm, là ngon, miếng cháy với thịt mỡ. Giờ nhớ lại vẫn tứa nước miếng ừng ực,” chị chia sẻ.
Một ngày của nghệ sỹ Minh Vượng thường bắt đầu lúc 7 giờ, tập thể dục, ăn sáng, tự tiêm insulin vì chị bị bệnh tiểu đường nhiều năm. Nếu hôm nào có lịch đi quay phim thì chị dậy từ 5 giờ để 7 giờ có mặt ở hãng phim, chờ ô tô đưa cả đoàn ra bối cảnh. Chị nói: “Làm gì cũng phải trừ hao tắc đường để đến đúng giờ. Mình có thể chờ mọi người, nhưng không bao giờ để mọi người phải chờ mình.”
Hiện nay, Minh Vượng dành phần lớn thời gian cho việc đào tạo diễn xuất cho thiếu nhi. Thậm chí, chị từ chối các show diễn với thù lao rất khá vì vướng lịch dạy học. Lý giải điều này, chị nói muốn lan tỏa tình yêu với nghệ thuật cho các bạn trẻ. Đó là cách chị nối dài nghiệp sân khấu đã “vận” vào mình. Hơn nữa, trong nhà có 6 anh em, chỉ mình nghệ sỹ Minh Vượng độc thân. Chị tâm sự rằng cái gì thiếu thì hay thèm. Vì không có gia đình nên chị thèm tiếng cười con trẻ.
Vậy là hàng ngày chị vẫn tự lái chiếc xe Cub đi dạy, đi diễn. Mặc dù bệnh tật khiến chị lên xuống xe rất vất vả.
“Từ đầu gối đến hông cử động rất khó khăn nên tôi lên xuống xe như vũ công ballet, phải dựng xe cạnh vỉa hè để bước từ vỉa hè lên hoặc dựng chân chống nghiêng thì mới lên được,” chị cười xòa.
Tết là dịp nhìn lại chặng đường của mình
2020 là một năm có nhiều thành tựu đối với ca sỹ Tùng Dương. Anh liên tục ra sản phẩm mới, ghi dấu ấn trong hoạt động xã hội và dành 3 giải thưởng Cống hiến.
Giao thừa năm nay, anh sẽ xa gia đình để biểu diễn phục vụ bà con An Giang trong một chương trình nghệ thuật rất lớn do uy ban nhân dân tỉnh tổ chức. Vì chưa tới An Giang bao giờ nên anh quyết định “xin phép” bà xã vắng mặt đêm giao thừa để đi diễn.
“Với tôi, Tết là dịp để quây quần với người thân, nhìn lại những gì mình đã làm được và chưa làm được. Tết Dương lịch thì chúng ta ăn mừng theo kiểu phương Tây với những chương trình nghệ thuật countdown hoành tráng, còn Tết cổ truyền thì chúng ta trở về với truyền thống và tinh thần dân tộc. Tôi rất chú trọng những phong tục cổ truyền để bé Voi hiểu được thế nào là Tết Nguyên đán,” anh nói.
Anh quan niệm rằng Tết là dịp dành cho gia đình nhưng sứ mệnh của người nghệ sỹ vẫn là phục vụ khán giả. “Nếu ai cũng nghỉ Tết thì làm gì còn những chương trình Xuân. Vậy nên, tôi sẽ cố gắng cân đối giữa gia đình và công việc trong dịp đặc biệt này,” anh nói.
Là một nghệ sỹ không ngừng làm mới mình, anh đang lên kế hoạch hòa cùng dòng chảy chuyển đổi số trong âm nhạc. Ca sỹ cho biết đây là sự chuyển dịch đúng đắn bởi trong hoàn cảnh khó khăn, con người càng có nhu cầu giải trí, hướng về những gì tốt đẹp và tích cực.
Anh đang xây dựng chuỗi chương trình của riêng mình, phát trên YouTube và các nền tảng số mang tựa đề “Tùng Dương và những người bạn.” Anh sẽ mời nghệ sỹ đủ lứa tuổi ở các dòng nhạc khác nhau cùng kết hợp.
“Sang năm mới, bé Voi sẽ chuẩn bị đi học lớp 1 rồi. Tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn cho con. Dù bận rộn đến đâu, tôi vẫn thường chơi xếp hình và đọc sách cùng con. Năm nay, tôi cũng định cho con làm quen với piano,” anh cho biết.
Bình hoa Tết gợi nhớ ký ức tuổi thơ
Nhà văn nữ Di Li là mẫu phụ nữ xinh đẹp, đảm đang, cầu kỳ trong nữ công gia chánh. Chị rất yêu Tết truyền thống vì mỗi dịp Tết đến, chị có cảm giác hồi cố về tuổi thơ. Bình thường chị vẫn luôn chăm chút nhà cửa tươm tất và thích bày biện nấu nướng. Duy chỉ chỉ có ngày Tết thì mới có những loài hoa đặc trưng như thược dược, violet, lay ơn, đồng tiền cánh đơn.
“Nếu nói một điều đặc biệt chỉ có vào dịp Tết thì với tôi là bình hoa gợi nhớ ký ức tuổi thơ bởi hồi nhỏ tôi vẫn đi chợ Tết và cắm hoa cùng mẹ. Nhìn bình hoa đó, tôi thấy bình yên, ấm áp. Hẳn nhiều người Hà Nội có truyền thống cắm bình hoa đó vào dịp Tết,” chị nói.
“Cho đến giờ tôi vẫn rất thích Tết. Đó là thời điểm mình có thời gian ngồi lại với gia đình, bạn bè, đi du lịch hoặc ở nhà đón khách và nấu nướng,” chị chia sẻ.
Nhà văn xinh đẹp yêu căn bếp của mình và thích tự tay làm mọi thứ. Chị không để khách khứa đụng tay vào việc gì vì muốn mọi thứ trong căn bếp được sắp xếp theo ý mình, đó là một trong những thú vui của chị.
Nhìn lại năm qua, nhà văn có chút tiếc nuối vì hai chuyến đi châu Âu và Ấn Độ phải hủy dù đã sát ngày khởi hành. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, chị lại có thời gian hoàn thành du ký “Cô đơn trên Everest”nói về những trải nghiệm khó quên trong chuyến đi lên nóc nhà thế giới. Cuốn sách “50 tật xấu của người Việt”cũng đã hoàn thành và sắp được ra mắt. Ngoài ra, chị đã bắt đầu viết những chương đầu tiên của tiểu thuyết trinh thám “Hầm tuyết.”/.