Ký ức chợ Viềng
Chợ Viềng là phiên chợ họp vào đêm ngày mồng 7, cả ngày mồng 8 tháng Giêng ở thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực) và các xã Kim Thái, Trung Thành, Quang Trung, thị trấn Gôi (huyện Vụ Bản), cùng của tỉnh Nam Định. Chỉ một đêm, một ngày, xưa cũng thế và nay cũng chỉ có thế…
Tôi sinh ra ở ngôi làng chỉ đi qua một cánh đồng là đến điểm họp chợ Viềng Nam Trực (còn gọi là Viềng Chùa, phân biệt với Viềng Phủ ở huyện Vụ Bản). Tôi hơn 40 tuổi, có gần bằng ấy lần đi chợ Viềng. Khi còn bé, những đứa trẻ sinh ra ở gần chợ Viềng như chúng tôi có một việc rất quan trọng, đó là đến Tết cố dành ít tiền mừng tuổi để mấy hôm sau đi chợ.
Cả tuổi thơ tôi chứng kiến, cứ vào sớm ngày mồng 8 tháng Giêng đường làng tôi nườm nượp người. Đơn giản, để đến được điểm họp chợ Viềng Nam Giang, người dân các xã, huyện phía nam thường phải đi qua làng tôi. Các làng xã khác quanh chợ Viềng cũng nườm nượp như vậy. Vì, hôm đó, bốn phương, tám hướng, mọi con đường đều dẫn về chợ Viềng. Đến chợ Viềng, cảm giác đầu tiên của trẻ con chúng tôi là choáng ngợp trước một biển người, nêm như nêm cối; hàng quán la liệt, gi gỉ gì gi, thứ gì cũng có. Đông thì phải chen, lấn, xô, đẩy nên thỉnh thoảng dòng người lại nghiêng ngả như đồng lúa đu đưa trước gió. Nỗi khiếp đảm của trẻ con chúng tôi khi đó là bị lạc ở chợ Viềng. Nhưng nếu không bị lạc chúng tôi có một ngày được thỏa mãn những khát khao rất trẻ con ở chợ. Đầu tiên là sà vào một hàng bánh đúc hay bánh rán, đơn giản hơn là hàng ngô luộc, khoai nướng để “chén” cho thỏa thích.
Ngày ấy đói kém, đến chợ gặp mùi hương tỏa ra từ những hàng quán này không ai “cưỡng” được. Phở bò là món ăn “vua” ở chợ Viềng, nhưng khi đó, với phần đông những đứa trẻ nông thôn nghèo, đó là món ăn xa xỉ. Bụng no, chúng tôi chen cho bằng được đến những gian hàng bán đồ chơi. Tùy sở thích, mỗi đứa sắm cho mình một thứ, có thể là khẩu súng nhựa bắn nước, chiếc trống bỏi, chùm bóng bay, có thể là cây tò he nặn hình Quan Công, Tôn Ngộ Không; ghé khu trình diễn rối nước để cười ngặt nghẽo với Chú Tễu khi chú ấy xuất hiện với câu nói: “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?”. Chen chân, nghến cổ vào xới vật xem các đô vật trổ miếng trong tiếng hò reo, trống giục. Và, phải chen được đến, trèo lên gác chuông chùa Bi để sờ, đánh vài tiếng chuông. Chợ Viềng, thời trẻ con, với chúng tôi là như vậy!
Lớn lên, đi chợ Viềng nhiều hơn, hỏi han, quan sát, chiêm nghiệm, so sánh, tôi nhận ra chợ Viềng quê mình chính là một hội chợ nông nghiệp, nông thôn khổng lồ, đích thực. Nơi hội tụ, trưng bày, phô diễn đầy đủ những nét đặc trưng của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng của vùng đồng bằng châu thổ sồng Hồng mà “đơn vị” tổ chức chính là… dân gian. Giải thích về xuất xứ của chợ Viềng, người kể ra một tích dài, nặng tính hoang đường, đại ý Chúa Liễu Hạnh vốn là con gái của Ngọc Hoàng, vì mắc lỗi bị trích xuất xuống trần gian, ở vùng đất Thiên Bản xưa, huyện Vụ Bản ngay nay (nơi có chợ Viềng gắn với di tích Phủ Dầy). Một lần, đón vợ chồng Ngọc Hoàng xuống hạ giới vi hành, vì muốn cha mẹ thấy cảnh hạ giới đông vui, Chúa Liễu Hạnh lệnh cho dân trong vùng ai có thứ gì thì mang đến trưng bày, bán mua, từ đó mà có chợ Viềng. Người khác bảo việc hình thành chợ Viềng gắn liền với chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, khi vua Quang Trung đánh bại quân Thanh xâm lược. Khi trở về, qua vùng đất Nam Định ngày nay, vua cho mở tiệc khao quân, trong đó có việc mổ bò.
Tưởng nhớ công ơn, hằng năm, cứ vào ngày vua Quang Trung dừng chân, khao lính người dân địa phương lại mở hội, hội thành chợ và trong phiên chợ luôn bày bán thịt bò. Rồi, sở dĩ có chợ Viềng Chùa là vào một năm người dân các huyện phía nam tỉnh Nam Định đi chơi chợ Viềng Phủ ở Vụ Bản gặp nước lũ sông Đào, không qua được, đành họp chợ luôn ở bờ sông, gần chợ Viềng Chùa ngày nay, từ đó mà thành. Chả biết đúng sai thế nào, chỉ biết khi được hỏi những người già ở địa phương đều kể xa xưa cha ông họ đã đi chợ ra sao, ngày bé họ đi chợ Viềng thế nào, cho thấy chợ Viềng đã hội họp từ lâu lắm rồi! Tên “chợ Viềng” cũng vậy, người bảo đó là cách gọi chệch từ từ “Riềng”, theo nghĩa đánh đòn, trừng trị những kẻ ức hiếp dân lành, gắn liền với tính cách nghiêm khắc của Chúa Liễu Hạnh. Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định - người am tường lịch sử, văn hóa Nam Định - thì giải thích đơn giản hơn: chợ Viềng không phải tên một địa danh cụ thể mà là cách gọi chệch từ “về” của dân gian, theo nghĩa “cùng về tụ họp”. Nhìn cảnh “người xe như nước, áo quần như nêm” ở chợ Viềng, thấy cách giải thích của ông Thư có lý.
Các chợ Viềng ở Nam Định có điểm chung được hình thành, hội họp ở những vùng nông thôn đồng bằng trù phú. Bao quanh chợ Viềng ở Nam Trực là những làng quê nổi tiếng với nghề thâm canh rau màu như Bái Dương, Cổ Tung, Cổ Ra; các làng nghề có tuổi đời vài trăm năm tuổi như làng rèn Vân Chàng (thị trấn Nam Giang); làng chế tác đồ đồng, đồ bạc Đồng Quỹ (Nam Tiến); làng hoa cây cảnh Vị Khê (Điền Xá) hay những làng quê sở hữu những di sản phi vật thể nổi tiếng như làng Rạch (Hồng Quang) với nghệ thuật múa rối nước. Quanh chợ Viềng ở huyện Vụ Bản) là các làng nghề nổi tiếng như đúc đồng Tống Xá; gỗ mỹ nghệ La Xuyên; xã nghề rèn Quang Trung. Đất, người có gì, chợ có thứ đó! Chính vì vậy, năm nào chợ Viềng cũng tràn ngập các sản phẩm của đời sống nông nghiệp, nông thôn địa phương, từ cây giống, cây cảnh; các loại nông cụ đến các sản phẩm gỗ mỹ nghệ; đồ thờ tự, đồ cổ, đồ cũ; đặc biệt là tràn ngập thịt bò thui. Đầu năm mua bê non về chăm sóc, vỗ béo để cuối năm bán cho thương lái giết thịt, bán tại chợ Viềng từ lâu đã trở thành sinh kế của nhiều hộ nông dân ở địa phương.
Trong thời hiện đại, giao thương thuận tiện, chợ có thêm nhiều sản phẩm của các vùng miền khác nên càng đa sắc hơn, không gian họp chợ cũng rộng lớn hơn. Như chợ Viềng Phủ, không gian trải rộng trên phạm vi mấy xã, thị trấn; chợ Viềng Chùa là cả thị trấn Nam Giang. Ngoài ý nghĩa văn hóa, kinh tế, chợ Viềng còn được biết đến là hội chợ tâm linh, vì trước hết mọi người thường đến đây với tâm thế “mua may, bán rủi”. Chợ bắt đầu họp từ đêm trước, bán mua diễn ra dưới ánh đèn mờ ảo, nên còn được gọi là “chợ Âm phủ”. Rồi nữa, các điểm họp chợ đều gắn liền với các địa chỉ tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng như Phủ Dầy, Chùa Bi…
Đến chợ Viềng dường như ai cũng có điều gì đó để vui. Người dân địa phương có một dịp bán buôn nhộn nhịp; trai gái được dịp hẹn hò trong không khí ngày xuân “nô nức yến anh”; lão nông sắm sửa được bộ nông cụ mới, đầy hy vọng năm mới ruộng đồng bội thu. Những người có sở thích điền viên có thêm một hai loại cây mới trong vườn. Bà nội chợ hả hê vì mua được chiếc vung cũ vừa với chiếc nồi bị bẹp mất vung ở nhà. Giới mộ điệu đồ cổ, đồ cũ có cơ hội săn được đồ quý. Với số đông dịp này tâm linh cũng được thỏa nguyện vì đã “thổ lộ” được với thánh thần những mong muốn thầm kín. Dù gọi là gì (chợ văn hóa, chợ mua may bán rủi, chợ tâm linh) thì chợ Viềng cơ bản vẫn là một phiên chợ. Ở đó, ngoài những cái hay, cái đẹp chợ Viềng cũng “phô” ra những mặt trái thường thấy ở một phiên chợ. Theo đó, cái sự “buôn gian bán lận” là không thiếu. Ối người chưng hửng vì về đến nhà mới phát hiện mấy cái cây cảnh, cây giống vừa mua bị lắp ghép. “Mài dao” cả năm mới có ngày “sử dụng” nên không lạ khi những người kinh doanh các dịch vụ ở đây tha hồ “chặt chém”. Rồi nữa, chùa, phủ bị vây kín bởi hàng quán, rác thải. Nghệ thuật Rối nước, trò chơi đấu vật lâu rồi vắng bóng, nhường không gian cho những trò chơi bạo lực, “cờ gian, bạc lận”.