Giảm đại biểu Quốc hội ở khối hành pháp
Nhiều ý kiến cho rằng, để Quốc hội khóa XV thực sự mạnh mẽ, trong bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV cần giảm bớt số lượng Đại biểu Quốc hội ở khối hành pháp.
Bên cạnh việc dồn sức chống dịch Covid-19, hiện cả hệ thống chính trị đang tập trung cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hiện đã tiến hành xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa XV.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “Chúng ta cần chú trọng quán triệt thật tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và HĐND các cấp trong sạch, vững mạnh; nhất là về công tác cán bộ, để lựa chọn bầu ra những ĐBQH và HĐND các cấp thật sự xứng đáng, có đủ trình độ, phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam)”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nên giảm số lượng ĐBQH bên hành pháp, để tăng cường ĐBQH ở các khối khác.
Theo ông Chức, vấn đề không phải khách quan hay không khách quan mà là dành đủ thời gian để làm việc. Bởi hành pháp và lập pháp đều là cơ quan Nhà nước, có tính chất, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Nếu như làm cả hai vai tự dưng “quá sức”. Cho nên nếu làm một vai nhưng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ còn hiệu quả hơn.
“Một người nếu dành toàn tâm vào một nhiệm vụ sẽ tốt hơn. Vì giỏi đến mấy nhưng cũng phải chuyên sâu, dành tất cả thời gian cho nó. Nếu ĐBQH là người thuộc bên hành pháp, cả tháng đi họp Quốc hội thì trong điều hành công việc cũng sẽ khó khăn. Bởi hành pháp yêu cầu xử lý công việc thường xuyên hàng ngày. Nhất là “Tư lệnh ngành” mà ngồi họp cả tháng cũng sẽ khó. Trong tổ chức Nhà nước, chúng ta không tam quyền phân lập nhưng 3 nhánh: Hành pháp-lập pháp-tư pháp có chức năng nhiệm vụ khác nhau và có những đặc thù riêng trong công tác của mình. Ý chí thống nhất nhưng việc làm cần rõ ràng giữa 3 nhánh. Như thế 3 nhánh quyền lực Nhà nước mới thống nhất trong sự phân công cho nhau. Nếu không sẽ làm khó nhau”, ông Chức bày tỏ và cho rằng cần giảm tối đa những người giữ trọng trách trong cơ quan hành pháp và tư pháp, mà dành “ghế” đó cho những đại biểu chuyên trách, dành toàn thời gian và vật chất lo cho lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của Nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật.
Cùng chung quan điểm, bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cũng cho rằng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã mong muốn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cần lựa chọn, bầu ra những ĐBQH thật sự xứng đáng, có đủ trình độ, chất lượng. Theo bà An, muốn có chất lượng phải chọn được những người xứng đáng để dân bầu làm ĐBQH. Hành pháp là cơ quan thực hiện, nếu “vừa quyết, vừa thực hiện” sẽ dẫn đến có những hạn chế. Vì thế nên giảm ĐBQH là người bên Hành pháp để cơ cấu cho khối khác.
Bà An cũng cho rằng, cơ cấu nào cũng phải chọn người xuất sắc. Phân bổ cơ cấu “cứng” là do Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định, cho nên trong phân bổ cơ cấu nên có sự nghiên cứu kỹ, giảm bớt tỷ lệ đại biểu ở khối hành pháp.
“Chúng ta hay nói chủ trương đúng nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt. Tổ chức thực hiện chính là bên hành pháp. Để cấu tạo ra Quốc hội khóa XV thực sự mạnh, Hội đồng bầu cử quốc gia bên cạnh việc cơ cấu cho các địa phương cũng cần giám sát việc thực hiện cơ cấu ở các địa phương để họ lựa chọn được những người thực sự xứng đáng, nếu không sẽ thiệt cho dân. Vì lập pháp phải chọn những người có trình độ, năng lực, đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân. Đất nước muốn phát triển đầu tiên phải nằm ở khâu “kiến tạo” như Thủ tướng nói. Mà kiến tạo chính là làm luật. Trong thời điểm tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động mau lẹ như: kinh tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Cho nên đòi hỏi những người trong cơ quan Lập pháp phải có năng lực, có khả năng dự báo thì mới ra được những quyết sách đúng để áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống”, bà An nói.
Trước đây, khi bàn về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã đưa ra một đề xuất được nhiều người quan tâm đó là việc bộ trưởng, chủ tịch tỉnh không là ĐBQH. Bởi việc “nhường ghế” cho những người chuyên trách, tăng số đại biểu chuyên trách để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.