Những món xôi đong đầy yêu thương
Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, có rất nhiều những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc. Trong vô vàn những đặc sản của Pa pỉnh tộp, cơm lam, gà nướng... không thể thiếu xôi ngũ sắc truyền thống được các thế hệ nối tiếp nhau lưu giữ, phát triển, nâng lên tầm nghệ thuật.
Có dịp tham gia một lễ cúng trong ngày đầu năm của đồng bào dân tộc Thái, tôi vô cùng ấn tượng với những món ăn được các bà, các chị thể hiện, trong đó món xôi ngũ sắc nổi bật trên mâm cỗ. Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, nhận thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo, béo ngậy, chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.
Chị Tòng Thị Thanh Tâm, bản Cọ Châu, phường Chiềng Cơi, cho biết: Ngày bé, mỗi dịp lễ Tết của người đồng bào Thái như Tết Síp Xí (14/7 âm lịch), Tết Nguyên đán... hay những ngày đặc biệt của gia đình, bà nội tôi vẫn thường làm mâm xôi ngũ sắc, vừa để cúng tổ tiên, vừa để đãi khách. Tôi thường theo bà đi hái lá, đào củ về nhuộm gạo, chính vì vậy mà đến tận bây giờ vẫn giữ được cách tạo màu và đồ xôi ngũ sắc.
Để có được xôi màu đỏ, dùng lá cơm nếp đỏ đun sôi, ngâm khoảng 30 phút cho màu thôi ra nước, sau đó đổ gạo vào ngâm. Với màu tím thì bà dùng lá cơm nếp đen, màu vàng được chế từ nước củ nghệ già. Đối với xôi màu xanh, bà có nhiều cách để làm, khi thì dùng lá gừng hay lá cơm xôi xanh, cũng có khi cầu kỳ hơn, dùng tro của rơm nếp trộn lẫn với lá cơm đen giã nhỏ để tạo ra màu xanh tươi. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng, vớt ra để ráo nước, sau đó đem đồ xôi. Quá trình đồ xôi phải giữ lửa cháy đều, đượm than, để xôi mới chín dẻo, thơm đậm, cầm, nắm mà vẫn không bị dính tay.
Cách trang trí mâm xôi cũng là một phần khá quan trọng để tạo nên điểm nhấn cho món ăn. Mâm xôi ngũ sắc thường bày nhiều nhất là mâm xôi hình hoa ban 5 cánh, mỗi cánh ban là một màu khác nhau. Nhưng cũng có khi, lại thử cách trình bày mới, khi thì theo hình ruộng bậc thang, khi thì theo hình tháp hoa... Theo chị Tòng Thị Thanh Tâm, ý nghĩa của các màu trong mâm xôi ngũ sắc thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thủy chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái. Mỗi màu xôi mang một ý nghĩa khác nhau, xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống, cho những ước mơ; xôi màu tím tượng trưng cho đất đai trù phú, quý giá; xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ và phồn thịnh; xôi màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng đại ngàn Tây Bắc, màu của bầu trời xanh bao la; xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thủy chung...
Sau khi trình bày xong, cùng với những món ăn khác, mâm xôi ngũ sắc được kính cẩn đặt lên bàn thờ tổ tiên, sau đó mang xuống để mọi người cùng thưởng thức. Xôi ngũ sắc thường ăn với chả thịt nướng, cá nướng, gà nướng, khi ăn với ruốc hoặc muối vừng..., thậm chí chỉ ăn xôi không thôi, cũng đã vô cùng thơm ngon rồi.
Những ai đã từng một lần thưởng thức món xôi ngũ sắc được nấu từ những hạt gạo nếp nương trắng mẩy, chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên trước khả năng sáng tạo của những phụ nữ dân tộc Thái và sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn độc đáo này.