Số hoá - thay đổi diện mạo nông nghiệp Việt
Chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả cho tương lai nông nghiệp và là hành trình xuyên suốt để thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) vừa thông tin, đến thời điểm này, cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%, đặc biệt có tới hơn 1.700 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gần 4.000 HTX thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với doanh nghiệp. Hiện cả nước đã có 1.621 chuỗi nông sản an toàn được chứng nhận, với 2.346 sản phẩm và 821 HTX nông nghiệp sở hữu sản phẩm OCOP...
Tuy nhiên đó là những con số rất nhỏ so với một đất nước nông nghiệp có khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13.96% trong GDP. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là rào cản của nền nông nghiệp nước ta. Để gỡ những rào cản phát triển nông nghiệp, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa thì chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả cho nông nghiệp Việt trong năm 2021 và là hành trình xuyên suốt để thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Để số hoá trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Và để chuyển đổi số thành công, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người, có khoảng 10 nghìn người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh khó khăn, giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu khoảng 41,2 tỷ USD. “Đây là kết quả đáng mừng, nhưng sắp tới, nông nghiệp phải chuyển đổi số, sản xuất trên vùng nguyên liệu lớn để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng cao”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico đánh giá, vai trò của nông nghiệp chưa được nhìn nhận đúng mức thời gian qua, nên chưa có nguồn lực đầu tư vào. Trong năm sóng gió vì đại dịch, chúng ta mới thấy rõ hơn vai trò của nông nghiệp.
Theo đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh, minh bạch, chính xác, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đáng chú ý, về việc xem xét thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”, với mục tiêu mỗi nông dân được định hướng, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Bà Thực cho rằng việc thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Nghĩa là phải tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Số hoá tư liệu sản xuất và lực lượng lao động thì mới có cơ sở dữ liệu gốc để chuyển đổi số nông nghiệp. Cùng với đó là xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. “Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ người nông dân, trên từng mét đất, vì phần lớn đất đai làm nông nghiệp đều được giao cho nông dân”, bà Thực nhận định.
Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NNPTNT nhìn nhận, chúng ta có chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chuyển đổi số. Nhưng để thực hiện được nó và đến được đích cuối cùng là người dân, người tiêu dùng, các chính sách cần thiết thực hơn và thực sự đem đến hiệu quả.
Nói như ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam thì rất cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.