Xây dựng học liệu dạy trực tuyến

Thu Hương 19/02/2021 07:39

Để học trực tuyến hiệu quả, sự chuẩn bị kỹ càng từ phía giáo viên về bài giảng, phương pháp truyền thụ là rất quan trọng.

Xác định học liệu là cơ sở quan trọng để dạy học trực tuyến, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đạo các giáo viên trong năm học 2020-2021 cần chú trọng việc xây dựng học liệu. Trong đó, từ phía các nhà trường cần quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng bài giảng điện tử E-Learning, ngân hàng câu hỏi trực tuyến, tư liệu 3D, các thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng, sách điện tử…

Mục đích nhằm để đóng góp vào kho bài giảng dùng chung của ngành và Hệ tri thức Việt số hóa.

Các nhà trường cần tăng cường vai trò của các tổ chuyên môn trong việc đánh giá nội dung học liệu số trước khi đưa vào sử dụng; rà soát, đánh giá, hoàn thiện các mô hình, giải pháp, phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học trực tuyến để bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả.

Nhờ học trực tuyến, học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học.

Hiệu trưởng nhà trường cần quản lý chặt chẽ thời gian, kế hoạch dạy học của từng giáo viên trong giai đoạn tổ chức dạy học qua internet; chỉ đạo, tổ chức, phân công giáo viên chuẩn bị bài giảng và tổ chức giảng dạy qua internet cho học sinh theo thời khóa biểu chung của nhà trường.Hiện nay, Bộ GDĐT phối hợp với các đơn vị đang xây dựng kho học liệu số trực tuyến.

Qua hơn 2 năm đến nay đã hoàn thành phần mềm nền tảng thu thập và chia sẻ dữ liệu trên địa chỉ igiaoduc.vn và cập nhật hơn 5.000 bài giảng E-Learning (do giáo viên xây dựng), hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình, hơn 36.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, kho học liệu số trực tuyến sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến của ngành giáo dục trong thời gian tới.

Với những bài giảng E-Learning sinh động, học sinh ở những khu vực còn khó khăn có thể được học những bài giảng trên Internet của thầy cô dạy giỏi ở thành thị, mang lại sự công bằng trong tiếp cận nội dung giáo dục có chất lượng của người học giữa các vùng miền.

Thu Hương