Người đàn ông mắc Covid-19 nguy kịch chỉ sau hơn 12 giờ vào viện
Sau khi nhập viện, nam bệnh nhân 60 tuổi ở Hải Dương đã diễn biến rất nặng, phải chuyển vào phòng cấp cứu, chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ tính phương án can thiệp ECMO.
Chiều 19/2, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán và điều trị Covid-19, các chuyên gia đã cùng hội chẩn về các trường hợp bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Hải Dương), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Trường hợp nam bệnh nhân 60 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 là ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng.
Bệnh nhân là trường hợp F2 (F1 cách ly tập trung đã âm tính 3 lần), tự cách ly tại nhà. Từ mùng 1 Tết bệnh nhân có biểu hiện sốt; 2 ngày sau ông đi khám tại Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn và được cho thuốc về nhà uống. Ngày 17/2, bệnh nhân sốt cao kèm khó thở, nên đã vào Trung tâm Y tế huyện Kinh Môn làm xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Trưa 18/2, bệnh nhân được sang điều trị tại bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Trước khi phát hiện dương tính 6 ngày, bệnh nhân có sốt. Ngày 17/2, ông sốt cao kèm khó thở, đến Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn xét nghiệm phát hiện dương tính hôm 18/2. Ông từng bị sốt rét cách đây 30 năm.
Ngay khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng nặng, phải thở oxy, rồi thở máy không xâm nhập, tiên lượng rất nặng khi chỉ số bão hoà oxy trong máu (SPO2) chỉ 70%. 4h sáng ngày 19/2, bác sĩ đánh giá bệnh nhân nguy kịch, không đáp ứng thở máy không xâm nhập (HFNC) nên phải đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị tại phòng Hồi sức tích cực.
Hiện bệnh nhân an thần, thở máy, lọc máu, siêu âm phổi đông đặc 2 phổi, SP02 tăng lên 95%. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi do Covid-19 biến chứng ARDS (suy hô hấp cấp tiến triển).
Thảo luận về phương án điều trị, sử dụng thuốc..., các chuyên gia lưu ý về dùng thuốc giãn cơ cho bệnh nhân, có thể tiến hành thông khí, cho bệnh nhân nằm sấp, nếu không tiến triển thì can thiệp ECMO. Đồng thời lưu ý về các vấn đề vi sinh, định lượng cytokine, dùng thuốc chống đông, bổ sung kháng sinh...
BS Phạm Thế Thạch, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tăng cường tại đây cho biết bệnh nhân 60 tuổi trên đây là ca mới chuyển vào ICU. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã tăng cường thêm các thiết bị hệ thống ECMO cho Bệnh viện dã chiến số 2.
Cùng với bệnh nhân này, tại Bệnh viện dã chiến số 2 cũng có 274 bệnh nhân Covid-19 khác đang điều trị, trong đó có 9 bệnh nhân điều trị tại khu vực ICU. GS.TS Nguyễn Gia Bình lưu ý khi bệnh nhân có biểu hiện, mệt thở nhanh thì ngay lập tức cho vào khu vực ICU.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn thông tin, sau cuộc làm việc với các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hải Dương hôm qua, ông đã chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) tăng cường một máy xét nghiệm cytokine. Hệ thống máy và nhân lực sử dụng máy đến Hải Dương tăng cường.
Phó trưởng Tiểu ban Điều trị Lương Ngọc Khuê biểu dương và cảm ơn tinh thần "tất cả vì bệnh nhân" của các thầy thuốc trong suốt thời gian qua.
Từ phía đầu cầu Hải Dương, các bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 2 khẳng định sẽ phối hợp tốt và hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ của Hải Dương, cùng nhau cố gắng điều trị bệnh nhân. Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết sẽ đáp ứng nhân lực tại chỗ đảm bảo cho việc điều trị.
Hai bệnh nhân diễn biến nguy kịch khác cũng được các bệnh viện báo cáo chiều nay, gồm BN1823 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và BN1536 ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Bệnh nhân số 1823, 65 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 2/2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Bệnh nhân số 1536, 79 tuổi, từ Mỹ quá cảnh Sân bay Incheon (Hàn Quốc), sau đó nhập cảnh sân bay Đà Nẵng ngày 13/ 1. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 14/1.