Không thể ngẫu hứng xây dựng sân bay
Cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế trong việc xây dựng các sân bay mới, chứ không thể ngẫu hứng rồi dẫn đến tình trạng chồng chéo hay quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.
Nhiều địa phương vừa đề xuất xây bay khi tham gia ý kiến vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, UBND tỉnh Hà Giang vừa đề nghị Bộ GTVT bổ sung sân bay tại tỉnh này vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Trong văn bản tham gia ý kiến về dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang đề nghị Bộ GTVT quy hoạch cảng hàng không Hà Giang vào hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 -2030, định hướng đến năm 2050.
Cụ thể, Hà Giang muốn quy hoạch sân bay Hà Giang tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang theo tiêu chuẩn cảng hàng không quân sự cấp II và cấp 4C theo tiêu chuẩn hàng không dân dụng. Sân bay có diện tích khoảng 388 ha, trong đó phần dùng cho mục đích quân sự là 70 ha.
Trước đó, UBND tỉnh Sơn La cũng đề nghị bổ sung dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản vào danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 – 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 2.295 tỷ đồng sử dụng kết hợp các nguồn vốn: Ngân sách trung ương, vốn doanh nghiệp nhà nước (ACV), vốn địa phương (để GPMB) và các nguồn vốn hợp pháp khác. UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Rồi các địa phương như Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cao Bằng, Sơn La, Hà Nội... cũng đề xuất xây dựng các sân bay mới.
Cùng với vai trò quân sự, khi đề xuất xây sân bay, các địa phương đều xác định việc đầu tư xây dựng sân bay là một chủ trương lớn, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo đột phá về hạ tầng giao thông, giúp kết nối với cực phát triển trong cả nước, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Tuy nhiên, nhận định về các địa phương ồ ạt đề xuất bổ sung sân bay, giới chuyên gia hàng không cho rằng, cần phải tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế. Bởi nhìn rộng ra cũng phải tính toán đến dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam đang được xây dựng, rồi các cao tốc, quốc lộ, đường thủy trong tương lai ... sẽ tác động thế nào đến nhu cầu đi lại của địa phương. Đến lúc mạng lưới giao thông quốc gia cũng như nội tỉnh hình thành thì sân bay lại... thừa ra.
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, hiện quy hoạch về phát triển giao thông đang bị buông lỏng, chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới giao thông mang tính chiến lược, tối ưu hoá. Tình trạng này khiến nhiều địa phương đưa ra những đề nghị phát triển giao thông không theo bất kỳ một quy hoạch nào, chiến lược phát triển giao thông đường sắt, đường sông, đường bộ và cả đường hàng không không được tính toán xây dựng đồng bộ. Trong khi đó, các nước giàu trên thế giới hiện nay đang quy hoạch 400-500 km mới có một sân bay, cự ly ngắn sử dụng tàu hoả, tàu cao tốc và đường bộ.
Dó đó, các địa phương không thể đua nhau xây dựng sân bay theo kiểu ngẫu hứng, rồi dẫn đến tình trạng chồng chéo hay quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực của đất nước.