Cuộc chiến chống Covid-19: Vừa kiểm soát, vừa chung sống
Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ ba trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nếu mọi người không cẩn trọng trước sự nguy hiểm của các biến thể virus.
Khi đang có nhiều hy vọng kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhờ vaccine, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra cảnh báo về một làn sóng lây nhiễm thứ ba trong cuộc khủng hoảng Covid-19 nếu mọi người không cẩn trọng trước sự nguy hiểm của các biến thể virus. Theo bà Merkel, thời gian từ nay tới giữa tháng 3 là khoảng thời gian “sống còn” để kiểm soát dịch.
Thời gian sống còn
Mới đây, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí kéo dài lệnh phong tỏa cho tới ngày 7/3. “Đây là quãng thời gian rất dài nhưng buộc phải làm nếu chúng ta muốn được “tự do”- một nhà vi trùng học tại Bonn đưa ra nhận xét.
Đó là một sự thực “không mấy ngọt ngào” cho dù Đức là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, điều chế vaccine ngừa Covid-19. Đức cũng là quốc gia đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, Đức cũng là quốc gia chịu đựng sự tàn phá của Covid-19.
Với lệnh kéo dài phong tỏa mới nhất này (kéo dài tới ngày 7/3), việc mở lại các trường học và nhà trẻ sẽ do các bang tự quyết định theo thẩm quyền. Các tiệm cắt tóc có thể hoạt động trở lại từ ngày 1/3 với điều kiện giữ vệ sinh dịch tễ, kiểm soát lượng khách ra vào và khách đến phải đặt hẹn trước và đeo khẩu trang y tế. Nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế nếu tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống dưới 35 ca trong 7 ngày/100.000 dân. Trong đó sẽ mở lại các cửa hàng bán lẻ với điều kiện đảm bảo 20 m2 cho mỗi khách vào mua hàng, mở lại viện bảo tàng, triển lãm cũng như các dịch vụ phải tiếp xúc gần. Tiếp tục hạn chế các chuyến đi lại không cấp thiết và làm việc tại nhà được khuyến khích.
Theo bà Merkel, các biện pháp áp đặt nghiêm ngặt và cứng rắn cho tới nay có tác dụng khi số ca nhiễm mới đã giảm. Tại Berlin, Hessen và Brandenburg, hôm nay, ngày 22/2, các trường tiểu học có thể từng bước được mở trở lại và có thể xem xét tổ chức xen kẽ giữa việc học ở trường và ở nhà. Trong một diễn biến khác, Công ty dược phẩm Biontech của Đức thông báo bắt đầu sản xuất vaccine tại cơ sở mới ở thành phố Marburg (bang Hessen), sớm hơn khoảng 1 tháng so với kế hoạch. Đây sẽ là một trong những cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất châu Âu, với công suất sản xuất hàng năm lên đến 750 triệu liều vaccine Covid-19.
Những động thái mới của Chính phủ Đức cũng có thể coi là tương đồng với các quốc gia châu Âu khác. Cho dù số người mắc Covid-19 người ta vẫn cho rằng cần thiết phải tiếp tục giãn cách và dừng lại một số hoạt động xã hội. Tại Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Thụy Sỹ, Áo… các biện pháp hạn chế vẫn tiếp tục được khuyến cáo. “Dần dần thì người châu Âu cũng đã học được cách sống chung với đại dịch mà không phàn nàn như trước” - nhận xét trên truyền thông Pháp.
Học cách sống chung với đại dịch
Trước đó, ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại. Đến ngày 11/3, WHO công bố dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới chính thức trở thành đại dịch.
Như vậy, nhân loại chính thức chung sống với đại dịch hơn 1 năm. Suốt quãng thời gian đó đã có biết bao hy vọng cũng như biết bao thất vọng và người ta nhận ra rằng điều chúng ta cần làm không phải là xóa sổ, mà là học cách sống chung với nó, cho dù đã có vaccine đi chăng nữa.
Đặc biệt khi mà các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ngày một nhiều hơn (kể từ ngày 14/12/2020 khi chủng biến thể đầu tiên chính thức được công bố tại nước Anh). Dù các loại vaccine với hiệu quả cao được phát triển và triển khai trong thời gian kỷ lục nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực để tiêm chủng cho đủ số dân trên thế giới nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, những nơi hoàn toàn chưa thể tiếp cận vaccine, nhất là ở những quốc gia nghèo.
Ngay cả ở quốc gia giàu có là nước Mỹ, nơi chiến dịch tiêm chủng diễn ra ồ ạt thì virus vẫn lan rộng và giới y học cho rằng việc xóa sổ nó vào thời điểm này là mục tiêu khó có thể đạt được. Điều đó có nghĩa là virus vẫn được cho là sẽ xuất hiện ở mọi nơi mọi lúc và không biến mất hoàn toàn. Người ta lo ngại rằng virus biến chủng nhanh hơn việc điều chỉnh vaccine. Trong khi phải 70% dân số thế giới tiêm vaccine mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
TheoTiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm (Mỹ) thì học cách chung sống với Covid-19 là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình mà cũng là bảo vệ cộng đồng. Vaccine đương nhiên là tốt nhưng không phải một sớm một chiều có đủ cho tất cả mọi người. Tại thời điểm này, cũng chưa tới 10% dân số nước Mỹ được tiêm ngừa.
Còn Saskia Popescu - trợ lý giáo sư tại Đại học George Mason nhận định, Mỹ không thể xóa sổ đại dịch Covid-19 trong tương lai gần. New Zealand, một quốc đảo với 5 triệu dân sẽ dễ dàng kiểm soát dịch Covid-19 hơn một trung tâm di chuyển toàn cầu như Mỹ với 330 triệu dân sống ở 50 bang và vùng lãnh thổ. Với Sandro Galea - người đứng đầu Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Boston thì làm giảm được sự lây lan trong cộng đồng mới chính là mục tiêu chính trong giai đoạn này, “ít ra là tới tháng 9”.
Với sự xuất hiện của một số biến thể đáng lo ngại, Jonna Mazet - giáo sư về dịch tễ học tại Đại học California (Mỹ) cho rằng cần thiết lập một hệ thống giám sát mạnh mẽ nhằm theo dõi các biến thể mới của virus. Nếu các đột biến đáng lo ngại tiếp tục xuất hiện thì các nhà sản xuất vaccine cần phải điều chỉnh công thức của họ, nhằm “dạy” cho cơ thể cách tạo ra các protein có thể tạo nên phản ứng miễn dịch.
Nói như giáo sư Nicholas Evans (Đại học Massachusetts, Mỹ) việc sống chung với đại dịch Covid-19 cần sự hợp tác ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực, dù là trong việc tiêm phòng và phân phối vaccine hay việc đeo khẩu trang, xét nghiệm thường xuyên, theo dõi tiếp xúc hoặc việc tuân thủ các chỉ dẫn của các nhà chức trách y tế. “Trong khi virus tìm cách thích nghi với vật chủ thì chúng ta cũng phải tìm cách thích nghi với virus” - Steven Taylor, tác giả cuốn Tâm lý trong các đại dịch, nói.