Di chỉ của ít nhất 13 loài khủng long cổ dài có niên đại khoảng 200 triệu năm được phát hiện tại miền Trung Nam sa mạc Sahara, thuộc địa phận nước Niger ở Tây Phi. Đây là một trong những kho tàng hóa thạch lớn nhất châu Phi. Tuy nhiên, việc khai quật hiện bị đình trệ vì Niger đang trải qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai. Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các tổ chức Hồi giáo vũ trang đang đặt Niger vào tình trạng bất ổn về mặt chính trị - xã hội. Quá trình khai quật bị chững lại vô tình đặt nhiều thách thức cho chính phủ Niger và nhóm khảo cổ. Vì thiếu sự giám sát chặt chẽ, khu vực khai quật này hiện đối mặt với nạn trộm cắp di chỉ hóa thạch, dẫn đến sự sụp đổ cấu trúc bề mặt của sa mạc Sahara. Quần thể hóa thạch này lần đầu được phát hiện vào đầu thập niên 1960, thông qua chương trình khảo sát năng lượng nguyên tử của chính phủ Pháp ở vùng hoang dã Ténéré. Từ đó đến nay, nhiều di chỉ hóa thạch trong quần thể này đã bị đánh cắp và bán lại cho các nhà sưu tập ở Mỹ, Pháp và Italy. Paul Sereno, thành viên chính của nhóm khảo cổ, tiến hành quét bỏ lớp cát phủ trên mảnh hộp sọ của một di chỉ khoảng 8.000 năm tuổi. Nhóm của ông Sereno thu thập mảnh vỡ từ hóa thạch của một con khủng long. Niger là quốc gia "trù phú" về số lượng và sự đa dạng của các hóa thạch khủng long cổ đại. Quốc gia Tây Phi được xem như thiên đường đối với các nhà khảo cổ học vì các kho tàng hóa thạch khủng long khổng lồ phân bố ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Chính phủ Niger đã đánh dấu kho tàng di chỉ hóa thạch ở sa mạc Sahara và gọi đây là dự án NigerHeritage. Lực lượng bảo vệ cũng đã được điều động song hiện nạn trộm cắp di chỉ hóa thạch vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Các nhà khoa học khai quật được hóa thạch khủng long 98 triệu năm tuổi ở Argentina và cho rằng nó có thể thuộc về loài khủng long lớn nhất từng được phát hiện.
B.Phúc (theo Khoa học đời sống)