Cuộc chiến gọi tên Facebook
Cuộc chiến giữa Chính phủ liên bang Australia và Facebook vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngày 22/2, Bộ Tài chính thông báo lệnh cấm quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này được áp dụng cho tất cả các cơ quan chính phủ. Bộ trưởng Simon Birmingham, người giám sát hoạt động chi tiêu công, cho biết Chính phủ Australia sẽ rút các quảng cáo trên Facebook do công ty này chặn các trang tin một cách không phù hợp.
“Cuộc chiến xuyên quốc gia”
Được biết, giai đoạn 2019-2020, Chính phủ Australia đã chi 42 triệu AUD cho các chiến dịch quảng cáo trực tuyến. Cơ quan quản lý cạnh tranh nước này cho biết, khoảng 1/4 tổng chi phí quảng cáo trực tuyến ở Australia là dành cho Facebook.
“Cuộc chiến Australia - Facebook” được giới quan sát cho rằng sẽ lan rộng, mang tính “xuyên quốc gia”. Người ta cho rằng “ông lớn Facebook” sẽ “tứ bề thọ địch” nếu vẫn không chịu xuống thang. Đáng chú ý, mới đây các thành viên lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ đã tính đến chuyện đề xuất một dự luật giúp các đơn vị xuất bản thông tin nhỏ liên minh lại khi đàm phán với những “người gác cổng internet” như Facebook, Google.
Các đơn vị xuất bản thông tin tại Mỹ cáo buộc các nền tảng mạng xã hội dùng tin tức của họ để thu hút người dùng, nhưng lại “ăn trọn” toàn bộ doanh thu quảng cáo. Theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew Research (Mỹ), ngành thông tin Mỹ đang gặp khó khăn và lượng việc làm tại các tờ báo giảm một nửa kể từ năm 2008 do thói quen truyền thông thay đổi và doanh thu quảng cáo của các tờ này sụt giảm.
Tại Anh, trong cùng thời điểm, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông tin tức của nước này - ông Henry Faure Walker, cho rằng động thái của Facebook tại Australia cho thấy tại sao các nước trên thế giới cần có những quy định mạnh mẽ để ngăn chặn những hành động như vậy của các “gã khổng lồ công nghệ”, khi mà họ chỉ muốn là thế lực độc quyền thống trị thế giới mà không cần bận tâm tới người dân lẫn khách hàng.
Trước đó, ngày 17/2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Chỉ trong một đêm, Facebook đã xóa toàn bộ nguồn cung cấp dữ liệu của hàng chục trang thông tin truyền thông của Australia, động thái được xem là phản ứng với kế hoạch của Chính phủ Australia dự kiến thông qua dự luật buộc các nền tảng số phải trả phí cho những nội dung thông tin.
Về phía Australia, ngay từ ngày 18/2, Thủ tướng Scott Morrison được cho là đã khởi động một chiến dịch kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu chung tay chống lại hành vi ngăn chặn tin tức của các hãng truyền thông nội địa Australia xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Ông Morrison đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong bước đi đầu tiên của kế hoạch huy động sự ủng hộ thế giới để ngăn chặn hành vi “bắt nạt” của Facebook đối với các quốc gia. Facebook hiện có hơn 11 triệu người dùng tại Australia, quốc gia có 25 triệu dân, giúp gã khổng lồ công nghệ thu về tới 24% doanh thu quảng cáo của Xứ sở chuột túi.
Không chỉ là lợi ích thương mại
Cũng cần biết rằng, không chỉ Facebook mà cả Google cho biết sẽ ngừng cung cấp dịch vụ tìm kiếm và tin tức tại Australia nếu Quốc hội Australia thông qua dự luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia.
Theo các giáo sư Nicolas de Sadeleer thuộc Đại học St. Louis và Ivana Damjanovic thuộc Đại học Canberra thì về nguyên tắc các tập đoàn công nghệ có thể ngừng các hoạt động của họ nếu muốn. Trong những tình huống như vậy, luật sư của các công ty công nghệ chủ yếu quan tâm các vấn đề hợp đồng và luật cạnh tranh, chẳng hạn như các vấn đề về lạm dụng tầm ảnh hưởng.
Tuy nhiên, xét đến mức độ liên quan hiện tại của các công cụ tìm kiếm đối với an ninh quốc gia, câu hỏi đặt ra là liệu những lời đe dọa của các gã khổng lồ công nghệ về việc chặn các chức năng tìm kiếm của những công ty công nghệ tại Australia có thể làm phát sinh các vấn đề luật công ngoài các lợi ích thương mại.
Trên thực tế cả Google và Facebook đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Luật An ninh của Mỹ yêu cầu Google và Facebook thường xuyên chuyển dữ liệu cá nhân liên quan được thu thập trực tuyến, và được cho là để hỗ trợ ngăn chặn các hoạt động của chủ nghĩa khủng bố.
Như vậy, xung quanh cuộc chiến “chặn tin và trả phí” người ta nhận ra nhiều vấn đề trong một thế giới phụ thuộc vào công nghệ. Facebook, về cơ bản là một mạng xã hội hoạt động trong lĩnh vực truyền thông số toàn cầu có trên 2,6 tỉ người dùng hàng tháng tính tới thời điểm quí IV/2020. Điều đó cũng có nghĩa là 2,6 tỉ người phụ thuộc vào mạng này và đương nhiên nhiều chính phủ cũng buộc phải kiêng dè khi mà sức mạnh được nhân lên từ người dùng với sự kết nối rộng khắp và mạnh mẽ. Người ta đã nhận rõ “chất gây nghiện” đến từ Facebook để từ đó trở thành một thứ thế lực cực kì đáng gờm, có thể khuynh đảo trong nhiều vấn đề, lĩnh vực.
Có thể nói, hành xử vừa qua của Facebook đối với các trang tin của cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản Australia cũng như trang tin của các cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận Australia… là cú tất tay và bất chấp. Và cũng chính vì thế mà làn sóng phản đối Facebook nhanh chóng lan rộng. Tuy nhiên, không dễ gì chiến thắng được “bộ óc vĩ đại” Mark Zuckerberg - kiến trúc sư trưởng của Facebook.