Chuyện cổ tích thời 4.0
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã gửi thư khen ông Nguyễn Văn Long (ở phường 1, TP Cao Lãnh) vì đã tìm trả lại người đánh rơi số tài sản hơn 1 tỷ đồng. Người đứng đầu tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng ông Long, bởi ông bà không tham của rơi khi cuộc sống còn rất khó khăn, vất vả.
Nhiều người nói, nghe câu chuyện vợ chồng ông Nguyễn Văn Long và bà Đoàn Thị Tám Em hàng ngày phải mưu sinh bằng việc lượm bán đồ phế thải (chai nhựa, vỏ lon bia...), nhưng khi nhặt được túi tài sản (gồm tiền mặt và vàng) trị giá hơn 1 tỷ đồng đã sẵn lòng tìm bằng được khổ chủ để trả lại, thật đúng như chuyện cổ tích thời hiện đại.
Thực ra, nói chuyện cổ tích thì cũng hơi quá, song đúng là một gia đình còn nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống như vợ chồng ông Long vẫn không cố chiếm hữu số tài sản nhặt được quá lớn thì quả là hơi... hiếm. Nếu như số tiền nhặt được chỉ vài triệu đồng thì còn có thể dễ dàng lý giải việc trả lại, nhưng đây là số tiền tới hơn 1 tỷ đồng.
Song, cũng không thể lấy số tiền nhặt được nhiều hay ít để “cân, đo, đong, đếm” lòng tốt của một người. Với những người có máu sân si, số tiền dù không phải là vài triệu, chỉ vài trăm nghìn đồng thì họ cũng sẵn sàng đút túi không muốn trả lại người mất. Với những kẻ tham lam, không có khái niệm nhiều ít, miễn là “cào” được lợi vào người.
Chẳng phải mới cách đây hơn nửa tháng thôi, một số người ở TP Hồ Chí Minh đã tranh nhau nhặt tiền rơi rồi vô tư đút túi, dù khổ chủ đã phải khóc lóc van xin trả lại đó sao? Chỉ đến khi báo chí đưa tin, lực lượng công an dọa sẽ vào cuộc điều tra, xử lý, lúc đó người phụ nữ đáng thương mới được bà bán nước trả lại thêm 15 triệu đồng.
Số tiền cô gái trẻ bị rơi trên đường phố Sài Gòn không nhiều, chỉ là 30 triệu đồng thôi. Ấy vậy mà có tới 5-6 người tranh nhau nhặt đút túi. Đó là số tiền dành dụm cả năm trời của cô gái để trả nợ tiền vay chữa bệnh cho mẹ già. Vậy mà họ nỡ đang tâm chiếm đoạt không có ý định trả lại, dù cô gái khóc lóc khẩn cầu xin được trả lại.
Nếu số tiền cô gái trẻ đánh rơi không phải là 30 triệu đồng mà là hơn 1 tỷ đồng thì sẽ còn lộ mặt biết bao kẻ giả nhân giả nghĩa. Và khi đó tất nhiên là cô gái trẻ sẽ chẳng bao giờ có cơ hội nhận lại được số tiền đánh rơi. Điều đó cho thấy, tiền nhặt được nhiều hay ít không quan trọng, trả lại hay không phụ thuộc vào nhân cách của mỗi người.
Không chỉ là tiền, ngay cả việc hàng hóa của các lái xe vận tải bị rơi vãi ra đường còn bị người ta xúm vào “hôi” lấy được. Chẳng phải trên thực tế đã có vài lái xe bị đổ bia ra đường, thay vì được giúp đỡ nhặt lại hàng hóa lại bị rất nhiều người lao vào hôi của đó sao? Thậm chí, có lái xe phải quỳ lạy những người nhặt mà vẫn không được buông tha.
Từ những ví dụ trên lại càng thấy nghĩa cử trả lại hơn 1 tỷ đồng nhặt được của vợ chồng ông Nguyễn Văn Long là vô cùng trân quý, cần được tôn vinh trong xã hội. Đáng quý hơn nữa khi vợ chồng người ve chai nghèo lại cảm thấy vui và hạnh phúc khi trả lại được số tài sản lớn trên cho người đánh rơi.
Với vợ chồng ông Nguyễn Văn Long, số tiền hơn 1 tỷ đồng là một số tiền quá lớn, rất cần thiết cho cuộc sống còn muôn vàn khó khăn của ông bà. Song, ông Long và vợ lại nghĩ, không có số tiền đó thì ông bà vẫn sống tốt dù có nghèo, nhưng biết đâu không có số tiền đó thì người bị mất sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí đau đớn cỡ nào.
Nếu số tiền hơn 1 tỷ đồng đó là tiền ki cóp cả đời đã là nỗi đau xót đến tột cùng đối với chủ nhân của nó khi bị mất rồi. Nhưng nếu đó là tiền vay mượn để làm ăn mà bị mất thì sẽ đẩy họ vào con đường cùng quẫn, biết đâu nghĩ quẩn còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, không cần đắn đo, vợ chồng ông Long quyết tâm tìm để trả lại khổ chủ.
Nhân cách sáng ngời của vợ chồng ông Long không chỉ thể hiện lòng tốt, sự chất phác, thật thà của một người dân nghèo thành thị, nó còn cho thấy tấm lòng nhân hậu bao la không vì bản thân và gia đình mà gây hại cho người khác. Bởi vậy, nói đây là câu chuyện cổ tích giữa thời đại 4.0 cũng không ngoa chút nào.