Gian nan xây dựng thương hiệu bảo tàng
Việc xây dựng thương hiệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển của mỗi ngành, nghề. Tuy nhiên, ở lĩnh vực bảo tàng dù đã có kế hoạch, chiến lược nhưng mọi việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.
Theo số liệu của Cục Di sản văn hóa, tính đến tháng 1/2021, cả nước có 181 bảo tàng, trong đó có 128 bảo tàng công lập, 53 bảo tàng ngoài công lập. Tuy nhiên, không nằm ngoài tình trạng chung của hệ thống pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về bảo tàng, cho đến nay, về cơ bản vẫn dừng lại ở những quy định khung, chưa phải là những quy định chi tiết, cụ thể, nên việc thực thi trong thực tiễn còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc.
TS Nguyễn Hữu Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa dẫn chứng như Quy định về các điều kiện thành lập bảo tàng hoặc được cấp phép hoạt động bảo tàng còn chung chung, khó thực hiện trong thực tiễn. Như ở Điều 49 Luật Di sản văn hóa năm 2001 quy định 3 điều kiện để thành lập bảo tàng bao gồm có sưu tập theo một hoặc nhiều chủ đề; có nơi trưng bày, kho và phương tiện bảo quản; có người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng.
Vấn đề tiếp tục đặt ra là thế nào là sưu tập? Tiêu chuẩn cụ thể của cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật (nơi trưng bày, kho, phương tiện bảo quản,…) đảm bảo cho việc bảo tàng được thành lập là gì? Tiêu chuẩn và “thước đo 35” để xác định “người am hiểu chuyên môn phù hợp với hoạt động bảo tàng” cụ thể ra sao? Tất thảy những vấn đề đó đến nay vẫn gần như để ngỏ, nên quá trình xem xét để quyết định thành lập hoặc cấp phép hoạt động bảo tàng khá khó khăn, nhất là trường hợp cho phép ra đời các bảo tàng ngoài công lập.
Bên cạnh đó, vẫn theo TS Toàn, quy định về việc xếp hạng bảo tàng tưởng như rất cụ thể, nhưng thực ra vẫn còn chung chung. Ở đó, rõ ràng tại văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (Nghị định 98), hàng loạt câu hỏi đặt ra đối với các tiêu chí cụ thể của việc xếp hạng bảo tàng vẫn rất khó có lời giải.
Như thế nào là một bảo tàng “có đủ tài liệu, hiện vật trưng bày phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng”? Trong số “100% tổng số tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa và có thực hành bảo quản trị liệu” thì số (phần trăm) hiện vật đảm bảo được thực hiện ở từng nghiệp vụ bảo quản là bao nhiêu và yêu cầu cụ thể về chất lượng, hiệu quả đối với từng nghiệp vụ bảo quản là thế nào?
Thế nào là “trưng bày thường trực” và “trưng bày chuyên đề” đáp ứng yêu cầu đối với từng hạng bảo tàng? Thế nào là “công chức, viên chức, nhân viên trực tiếp làm chuyên môn có trình độ đại học phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng”? Như thế, cả việc định danh, định tính, định lượng cho từng tiêu chí vẫn chưa thể nói là đã cụ thể, rõ ràng, dễ xác định; theo đó, việc xếp hạng bảo tàng chưa thể nói là đã thực sự khoa học, chính xác.
Không chỉ “bất cập” trong các quy định, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho hệ thống kho của các bảo tàng sau nhiều năm “bàn bạc” đến nay vẫn đang bỏ ngỏ. Thực tế, đa phần các kho bảo quản hiện vật tại các bảo tàng đều được phân chia theo nhóm chất liệu hữu cơ và vô cơ với đa dạng các loại hiện vật từ trống đồng, gồm, các tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc đến các hiện vật là tài liệu, trang phục hoặc các mẫu vật tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay, các yêu cầu kỹ thuật áp dụng kho bảo quản tại các bảo tàng chủ yếu từ kinh nghiệm, tài liệu từ các cuộc tập huấn quốc tế, tài liệu sách chuyên ngành quốc tế...
Do vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn kho bảo quản hiện vật phù hợp với sự đa dạng về chất liệu của hiện vật tại các bảo tàng, di tích ở Việt Nam đến nay vẫn chưa thống nhất và chưa căn cứ vào các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ nguồn gốc và đã được thực nghiệm một cách khoa học phù hợp với điệu kiện của Việt Nam.
Mặc dù ở Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hoá, nhưng chưa có các văn bản quy phạm kỹ thuật và các quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật cho kho bảo quản hiện vật của bảo tàng. Mặt khác, trong các tài liệu chuyên ngành thường mới chỉ đề cập sơ sài không có thông số cụ thể hoặc chỉ có các quy định kỹ thuật của kho hiện vật trong một số trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, chưa có các quy định chung và bao trùm đến các yêu cầu kỹ thuật của kho bảo quản hiện vật một cách hệ thống. Bên cạnh đó, quá trình hợp tác cho mượn hiện vật với các đối tác nước ngoài cũng chưa có các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo quản hiện vật. Thế nhưng, các bảo tàng Việt Nam mới cung cấp các tiêu chuẩn theo kinh nghiệm riêng của mỗi bảo tàng, chưa có các căn cứ tiêu chuẩn. Do vậy, các bảo tàng Việt Nam cung cấp yêu cầu không thống nhất, đặc biệt khi có các hợp tác với nhiều đơn vị cùng lúc.
Có thể nói, việc xây dựng thương hiệu cho hệ thống bảo tàng đến nay vẫn đang là một hành trình đầy gian nan. Bởi việc quảng bá thương hiệu cho bảo tàng không chỉ là một hoạt động kết nối công chúng tham quan thường xuyên, mà còn giúp cán bộ bảo tàng tự đánh giá lại các hoạt động của bản thân, của bảo tàng mình.
Từ đó, hiểu được điểm mạnh, điểm yếu để có kế hoạch tái đào tạo cán bộ, điều chính bổ sung những thiếu sót cho các hoạt động bảo tàng được tốt hơn, phục vụ công chúng hiệu quả hơn. Đồng thời, đây còn là cơ hội để bảo tàng mở rộng quan hệ với công chúng, đặc biệt là các nhóm công chúng chưa biết đến bảo tàng, từng bước xây dựng các quan hệ thân thiết và bền vững với công chúng tham quan. Thông qua các hoạt động này, cùng các trưng bày và hoạt động giáo dục hấp dẫn, bảo tàng sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.
Một trong những bất cập lớn để xây dựng thương hiệu cho bảo tàng hiện nay là phần lớn, các bảo tàng ở Việt Nam hiện nay chưa có bộ phận chuyên trách việc quảng bá các hoạt động bảo tàng. Trong số 181 bảo tàng hiện nay hiếm bảo tàng có kế hoạch maketing dài hạn, đặt ra mục tiêu và phương thức thực hiện một cách cụ thể cho việc marketing các hoạt động của bảo tàng. Đôi khi các hoạt động marketing, truyền thông vẫn chỉ dừng lại ở việc tập hợp danh sách các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý để gửi giấy mời khi có các sự kiện, hoạt động tại bảo tàng.