Tăng trưởng ngay từ đầu năm: Nhiều kỳ vọng đột phá
Những ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19, không chỉ với kinh tế vĩ mô mà còn rất rõ đối với cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên, trên đà tăng trưởng dương 2,91% của năm 2020 đầy gian nan được coi là cơ sở rất vững chắc để kinh tế Việt Nam vượt lên. Điều đó đã thể hiện từ những tín hiệu khả quan trong 2 tháng đầu năm 2021.
Nhận định của giới chuyên gia kinh tế, dựa vào những tín hiệu vui ngay từ đầu năm có thể thấy năm 2021 nhiều hy vọng sẽ có bước đột phá. Nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu, với thị trường Trung Quốc và châu Âu, đều có được những con số ấn tượng.
Những tín hiệu vui từ xuất khẩu
Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2021 đạt 55 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 28,55 tỷ USD - kim ngạch xuất khẩu trong một tháng cao nhất từ trước đến nay, tăng 55% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hầu hết các mặt hàng đều đạt mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, đặc biệt là hàng công nghiệp. Trong đó điện thoại di động đạt 6,1 tỷ USD (tăng 126% so với cùng kỳ), máy vi tính và linh kiện điện tử đạt 3,9 tỷ USD (tăng 46%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,34 tỷ USD (tăng 59%)...
Về lĩnh vực nông sản, cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Tháng 1, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 400 nghìn tấn, trị giá 144 triệu USD, tăng 4,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với tháng 12/2020.
Riêng với thị trường Trung Quốc, dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong năm 2020, nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc đạt 782,85 triệu USD, tăng 22% so với năm 2019. Tín hiệu từ đầu năm tới nay cho thấy thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Đáng chú ý, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sang Hà Lan tăng mạnh, nhất là nhóm hàng nông sản (thủy sản, hạt tiêu, cao su và gạo). Cụ thể, thủy sản tăng 20,2%; hạt tiêu tăng 20,9%; cao su tăng 11,9% và đặc biệt là gạo tăng tới 83,7%.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, EU là một thị trường năng động. Cơ hội hợp tác lớn trong lĩnh vực thương mại rau, củ, quả tập trung trong các mối quan hệ hợp tác với các thương nhân Hà Lan - nơi có dung lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua.
Lâu nay, Hà Lan vẫn được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, củ, quả. Những kết quả đối với thị trường này cho thấy nhiều cơ hội mới cho các DN Việt Nam vào EU ngay trong năm 2021 này khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn được cho là còn diễn biến phức tạp.
Tận dụng cơ hội để tăng tốc
Ý kiến chung của cộng đồng DN cho rằng, năm 2021 vẫn còn những khó khăn do tình hình Covid-19 phức tạp, dẫn tới khó khăn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”, nếu biết tận dụng cơ hội thì 2021 vẫn là năm tăng trưởng tích cực của nền kinh tế.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết việc tái cấu trúc toàn bộ quy trình hoạt động đã được triển khai từ năm 2020 đã mang đến nhiều thuận lợi cho Lộc Trời trong năm 2021. Cụ thể, bộ máy của Lộc Trời đã trở nên quen thuộc và thích ứng với cách thức làm việc, vận hành bộ máy theo hình thức trực tuyến. Công ty hầu như không gặp khó khăn gì khi trở lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết giữa thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát tại một số địa phương.
Còn công ty Vina T&T đã được khai xuân bằng lô hàng xuất khẩu 40.000 trái dừa tươi, 50 tấn thanh long, 20 tấn xoài và 3 tấn chôm chôm ngay trong ngày 17/2. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết, sau gần 10 ngày nghỉ Tết, lượng đơn hàng dồn lại khá nhiều, nên hiện công ty đang phải tập trung để đáp ứng kịp tiến độ, song song với việc đảm bảo phòng chống dịch một cách chặt chẽ.
Đánh giá về những khó khăn và cơ hội cho kinh tế Việt Nam trong năm 2021 cũng như trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, những biện pháp kịp thời và hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Đây cũng là nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021 và trung hạn 2021-2025. Bên cạnh đó, Covid-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.
Theo ông Phương, việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều quan trọng nhất chính là định hướng hoạt động kinh doanh của cộng đồng DN trong năm 2021 và những năm tiếp theo; nắm bắt thời cơ khi dịch bệnh được kiểm soát, không để cơ hội trôi qua. Để làm được điều này thì chúng ta cần tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và cần một nỗ lực thực sự của các DN theo hướng nâng cấp trình độ quản trị và công nghệ.
Ông Lộc cũng cho rằng, DN muốn phát triển bền vững thì phải có một hệ sinh thái thích hợp, cũng có nghĩa là vẫn cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xử lý những điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh, những điểm chồng chéo pháp luật…
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, lượng gạo xuất khẩu trong tháng đầu năm 2021 ước đạt 347.774 tấn, tương đương 191,88 triệu USD. Giá xuất khẩu gạo tháng 1/2021 đạt trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12/2020 và tăng 15,4% so với tháng 1/2020. Giá xuất khẩu gạo sang Philippines tăng nhẹ 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.