Hàng chục tấn cá lồng chết ở sông Cầu, Phòng Nông nghiệp, Chi cục Bảo vệ Môi trường nói gì?

HÀ AN - NAM ANH 26/02/2021 13:42

Hàng chục tấn cá lồng của nhiều hộ dân xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh) nuôi trên sông Cầu chết hàng loạt, đúng đợt thu hoạch giáp Tết.

Cá lồng chết hàng loạt đúng vụ thu hoạch giáp Tết. Ảnh: Nam Anh.

Liên quan tới vụ cả chục tấn cá lồng nuôi trên sông Cầu (thuộc địa bàn xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) chết hàng loạt, diễn ra vào dịp giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu, mới đây nhất, trưa ngày 23/2, trao đổi với P.V Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Hợi – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Phong cho hay, hiện hoạt động nuôi trồng thủy sản của các hộ dân địa phương trên sông Cầu diễn ra một cách bình thường. Và theo ông Hợi thì môi trường nước không có vấn đề gì!

Tuy nhiên vẫn theo ông Hợi: “Từ tỉnh đến huyện đều không khuyến khích các hộ dân phát triển nuôi cá lồng trên sông Cầu. Vì lòng sông rất là hẹp, rất nguy hiểm tới con giống nuôi. Cơ quan chức năng của huyện đã khuyến cáo, yêu cầu bà con làm những thủ tục để đăng ký nuôi cá lồng trên sông liên quan tới Cục đường Sông cấp phép. Nhưng tới nay các hộ dân đã có ai làm đâu. Năm nào mình cũng đi tập huấn bao nhiêu lần rồi, không khuyến khích nuôi cá trên sông Cầu. Nhưng người dân cứ thấy cái lợi trước mắt là theo nhau nuôi cá lồng”.

Trước đó, trong khoảng thời gian từ ngày 27/1 cho tới hết ngày 3/2, trên sông cầu đoạn chảy qua xã Dũng Liệt (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt, gây thiệt hại nhiều tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều loài thủy sản tự nhiên, như tôm, cua cá… trên sông Cầu cũng bị chết, nổi trắng một khúc sông.

Cá lồng chết hàng loạt, nhiều hộ nuôi mất trắng. Ảnh: Nam Anh.

Ngay tại thời điểm đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Phong đã cùng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh tiến hành lấy mẫu nước tại 3 điểm lồng nuôi.

Kết quả phân tích cho thấy, nguyên nhân khiến cá lồng của hàng loạt hộ dân xã Dũng Liệt nuôi ở sông Cầu chết bất thường là do thiếu oxy. Cụ thể, lượng oxy tại lồng nuôi đo được chỉ từ 0,30 – 0,35 mg/l. Trong khi hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn 1mg/l đã khiến cá chết hàng loạt. Còn nhằm đảm bảo môi trường để cá lồng phát triển, sinh trưởng tốt, thì hàm lượng oxy phải trên 4mg/l.

Ông An Đình Du là Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Lương Cầm (xã Dũng Liệt) cho biết, hiện trượng trên bắt đầu xảy ra từ ngày 27/1 và cho tới ngày 3/2, đối với những hộ nuôi cá lồng, gồm cá trắm cỏ, cá diêu hồng của xã Dũng Liệt. Điều đáng nói là cá nuôi lồng bị chết hàng loạt, chỉ còn trên dưới một tuần nữa là tới thời vụ thu hoạch, bán Tết âm.

Ông Du cho biết thêm, thời điểm xảy ra vụ việc cá lồng chết hàng loạt, địa bàn xã Dũng Liệt có 26 hộ nuôi cá lồng trên sông Cầu, với 92 lồng cá bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại số cá lồng chết lên đến trên 50 tấn.

Cơ quan chức năng kết luận, cá lồng nuôi chết hàng loạt do thiếu oxy. Ảnh: Nam Anh.

Như trường hợp hộ nuôi cá lồng nhà anh Nguyễn Văn Sơn với 7 lồng cá, gồm 5 lồng cá trắm, 2 lồng cá lăng. Gương mặt thất thần, giọng buồn rầu, anh Sơn cho hay, gom góp toàn bộ vốn liếng, rồi vay thêm bên nội, bên ngoại, gia đình anh đã tất tay vào vụ nuôi cá lồng này.

Khi chỉ còn chưa đến hai tuần nữa là Tết âm lịch, cả nhà khấp khởi mừng thầm, vì cá lồng nuôi tốt, con nào con ý to đều chằn chặn, dăm, sáu kg/con, sẽ bán được giá. Nhưng nào ngờ, chỉ trong vòng chưa đến 5 ngày, 7 lồng cá chết trắng không tài nào cứu vãn nổi. Theo anh Sơn, vụ cá lồng này gia đình anh thiệt hại gần 1 tỉ đồng, coi như trắng tay, mất Tết.

Nhiều hộ điêu đứng sau đợt cá chết này.

Không riêng gì gia đình anh Sơn trắng tay, lo mất Tết, hộ ông Phạm Văn Chiên, hộ ông Phạm Văn Khải, hay hộ ông Phạm Văn Nhận cũng trong cảnh tương tự. Theo lời ông Nhận, vụ này toàn bộ cá lồng (gần 2.500 con cá trắm cỏ) trên sông Cầu của gia đình bị chết sạch, ước trên 10 tấn, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Hiện thị trường, giá mỗi kg cá trắm vào khoảng 50.000 đồng. Được biết thời cá chết, gia đình ông còn nợ đại lý hơn 300 triệu đồng tiền cám nuôi cá lồng.

Không phải lần đầu

Qua tìm hiểu của chúng tôi từ các hộ dân nuôi cá lồng ở xã Dũng Liệt, thì đây không phải lần đầu xảy ra hiện tượng cá lồng chết hàng loạt, chết nổi trắng một khúc sông Cầu. Mà trước đó, vào tháng 3/2020, tình cảnh tương tự cũng đã diễn ra.

Nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng trên sông Cầu nơi đây, bức xúc cho hay: họ nghe chính quyền xã thông báo, do hàm lượng oxy trong nước thấp, khiến cá lồng chết hàng loạt. Nhưng theo họ, nguyên nhân cá lồng chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Mà cụ thể hơn, thì theo nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng Dũng Liệt, là do nguồn nước thải từ làng nghề làm giấy Đống Cao (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh, Bắc Ninh) xả thẳng trực tiếp, không qua xử lý, ra dòng sông Ngũ Huyện Khê, trước khi dẫn vào dòng sông Cầu.

Theo nhiều hộ nuôi, cá lồng chết hàng loạt do nước sông Cầu ô nhiễm. Ảnh: Nam Anh.

Trở lại với vụ việc cá lồng chết hàng loạt vào thời điểm những ngày cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, khi phát hiện ra sự việc trên, nhiều hộ gia đình nhanh chóng huy động máy bơm hoạt động liên tục, nhằm tạo oxy cung cấp cho cá, rồi chuyển cá từ lồng nuôi vào ao, hồ trong xã, trong thôn, nhưng cũng chỉ vớt vát được phần nào.

Liên quan tới vụ nuôi lá lồng trên sông Cầu chết hàng loạt, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết qua điện thoại, ông Lưu Xuân Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh cho hay, đã nắm được thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Lưu Xuân Hùng, hiện phía đơn vị là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh đã vào cuộc tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân. Và trách nhiệm giải quyết vụ việc trên không thuộc thẩm quyền của Chi cục Bảo vệ môi trường.

HÀ AN - NAM ANH