Hoa bưởi ngập tràn khắp phố đón Rằm tháng Giêng
Hòa với không khí chờ đón Rằm tháng Giêng, theo chân người bán trên những gánh hàng hay xe đẩy, hương bưởi đã ngào ngạt, tràn ngập trên các tuyến phố Hà Nội, như muốn níu chân khách đi đường bởi sự thanh tao, mộc mạc của nó.
Đã từ lâu, cứ mỗi dịp tháng 2, người Hà Nội lại quen thuộc với hình ảnh những gánh hoa bưởi bày bán trên khắp tuyến phố như: Xã Đàn, Giải Phóng, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch... Vẻ đẹp tinh khôi, nhẹ nhàng, hương thơm nồng nàn cùng mức giá rẻ khiến loài hoa quê bình dị này hút khách.
Loài hoa thanh tao, mộc mạc, thơm ngào ngạt này ngày càng được nhiều chị em nội trợ săn đón, trở thành loài hoa xa xỉ vì giá thành cao và được bán theo kg. So với độ bền và giá thành các hoa khác thì hoa bưởi đắt hơn khá nhiều.
Theo anh Tuấn, chủ vườn bưởi ở Khoái Châu, Hưng Yên chia sẻ: Hoa bưởi được chúng tôi hái bớt, nhằm làm cho cây bớt nặng, nuôi trái sau này. "Nếu không hái vãn hoa đi, cây sẽ khó đậu quả, hoặc đậu quả được nhưng cũng khó nuôi vì nhiều quả quá. Lượng quả đậu vừa phải sẽ giúp cây nuôi quả dễ hơn, chất lượng ngon ngọt hơn. Bởi vậy, việc hái bớt hoa là công đoạn bắt buộc của người trồng bưởi".
Dù năm nay, hoa bưởi có giá khá cao, dao động từ 150.000 đến 250.000 nghìn đồng/kg tùy chất lượng nhưng vẫn được khá nhiều khách hàng yêu thích và săn đón. Hoa bưởi thường được người dân mua về để đi lễ, ướp trà, ướp bột sắn, nhưng cũng có thể chỉ đơn giản là mua về cắm vào lọ để thi thoảng hít hà được mùi thơm nhè nhẹ, man mát của chúng.
Ngoài mua hoa bưởi theo cân, người Hà Nội còn lùng mua những cây hoa bưởi Diễn về làm cảnh. Ở khu vực đường Âu Cơ (gần chợ hoa Quảng Bá, Hà Nội), hầu hết các gốc bưởi nhiều nụ và hoa đang rất hút khách. Theo người bán, những cây này có thể nở rộ hoa đúng chính vụ tháng 3. Giá cho mỗi chậu bưởi cảnh không hề rẻ, dao động trên dưới 1 triệu đồng, thậm chí là 2 triệu đồng tùy từng gốc.
Bưởi đào và bưởi trắng đều chứa tiền vitamin A và nhiều chất khác giúp cơ thể chống lại hiện tượng oxy hoá. Bưởi có thể điều trị bệnh cúm. Ngoài ra bưởi còn dùng làm giải khát và có công dụng hạ sốt.
Hoa bưởi thường được hái vào lúc ban mai, khi có những tia nắng đầu tiên trong ngày len qua kẽ lá đánh thức những nụ hoa còn đượm sương đêm từ từ hé nở. Đây là lúc mùi hương hội tụ, thơm nhất. Người ta không bao giờ hái hoa vào sáng sớm bởi lúc đó hoa chưa nở, cũng không hái vào tầm trưa khi hoa nở bung, mùi hương đã bay đi ít nhiều. Hoa được hái cũng phải là bưởi rừng, bởi dù "cam Canh, bưởi Diễn" nổi tiếng ngon ngọt nhưng không mấy khi người ta hái hoa đi bán, phần vì để đậu quả, phần vì hoa bưởi thơm nhất, trắng nhất là những bông hoa trên rừng, nơi có không khí trong sạch.
Bởi đó là khi mưa phùn đã ngớt, tiết trời khô ráo. Hoa sẽ để được lâu, không sợ ủng, mùi thơm mới thật nồng nàn. Chỉ cần một vài nhánh hoa bưởi đặt trong nhà thì dù đi ở bất cứ nơi nào bạn cũng thấy cái mùi dịu ngọt đó phẳng phất trong không gian.
Ngoài để thanh lọc không khí, hoa bưởi còn được người Hà Nội làm nên những món ăn tinh tế như mía ướp hoa bưởi, sắn dây ướp hoa bưởi, cũng có người dùng vài cánh hoa để ướp trà.
Trên các con phố Hàng Than, Hàng Điếu đang vào mùa làm bột sắn dây. Người Hà Nội với khiếu ăn chơi tinh tế có món bột sắn dây ướp hoa bưởi như muốn lưu giữ cả hương thơm của thiên nhiên đất trời trong những hạt bột sắn dây trắng mịn.
Ông Tư, chủ cửa hàng bán bột sắn dây lâu năm trên phố Hàng Than cho biết, chúng tôi chỉ lấy những cánh hoa bưởi ướp vào chứ không cho cả bông vì sợ nhị hoa bưởi sẽ lẫn màu vàng vào bột và làm bột bị đắng. một cốc nước sắn dây có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Bột sắn lại thêm một chút hương bưởi sẽ còn mang đến cảm giác mát lạnh, sảng khoái, đánh tan mọi mệt mỏi.
Người ta mua mía về, chọn đoạn giữa vừa mềm, vừa ngọt, tiện thành những đốt nhỏ, cho vào túi bóng, đặt vài bông bưởi vào trong rồi buộc kín lại. Có thể cho tủ lạnh hoặc đơn giản hơn là cho vào thau nước mát. Chỉ một lúc thôi, hương bưởi đã thấm vào mía. Người ăn sẽ cảm nhận được cái vị ngọt của mía cùng hương thơm của hoa bưởi. Ăn vào mà thấy sảng khoái nhờ tinh dầu hoa bưởi lay động đến từng giác quan
Theo lương y Vũ Quốc Trung cây bưởi có rất nhiều tác dụng, trong đó, hoa bưởi được rất nhiều người ưa dùng không đơn giản vì nó thơm, nó đẹp. Mùi hương bưởi giúp giải cảm, thư giãn, giảm stress, giải rượu, giúp tỉnh táo, minh mẫn, kích thích mọc tóc, tóc óng mượt...
Nhờ vậy từ xa xưa người dân đã biết dùng hoa bưởi ướp hương cho trà và bánh kẹo, ướp mía, bột sắn dây... Hoa bưởi còn là một vị thuốc tốt có tác dụng chữa ho đờm, đau dạ dày, đau đầu do mệt mỏi...
Để hoa bưởi phát huy hết tác dụng của nó bạn cần chế biến như sau:
Nguyên liệu: 1kg hoa bưởi; 1kg đường trắng
Cách làm: Lấy những bông hoa bưởi trắng tinh, rửa sạch bụi vớt ra để ráo nước. Sử dụng một lọ thủy tinh để cất giữ nước hoa bưởi, bắt đầu xếp hoa bưởi vào lọ cho đường trắng phía trên cho tới khi hết hoa bưởi đã hái rồi đậy nắp cho thật kín.
Sau khoảng 10 ngày trở lên là có thể dùng được. Trong khoảng thời gian này hoa bưởi và đường sẽ tan ra thành nước. Cần bảo quản nơi khô ráo ở nhiệt độ bình thường rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần.
Nước hoa bưởi có tác dụng chữa bệnh rất hiệu quả, hương thơm dịu nhẹ của hoa bưởi giúp tinh thần thư thái, giảm những cơn đau đầu, mệt mỏi nhanh chóng.
Một số bài thuốc từ hoa bưởi:
+ Hoa bưởi 12g, chưng với trà uống tiêu được túc thực (thức ăn ứ đọng) nấc, khí trệ, hay rên rỉ và ngáp vặt, bưởi và bạch cấp môi thứ 10g chưng với trà uống có thể làm đẹp. Hoa bưởi và hoa sen mỗi thứ 10g chưng với trà uống có thể khai tâm tỉnh tỳ.
+ Hoa bưởi 4g, hoa đậu mọt bát, nước gừng nửa thìa, đường phèn một thìa. Hoa bưởi rửa sạch cho vào nồi đung khoảng 10 phút sau đó bỏ bã lấy nước. Cho tiếp nước gừng, đường, hoa đậu vào rồi đun tiếp sau đó lấy ra ăn. Có tác dụng tiêu đờm, thông đại tiện.
+ Hoa bưởi 5g, đường phèn một thìa nhỏ. Đun trong 200ml nước, sau khi sôi 5 phút cho đường vào rồi đun tiếp. Đem uống có tác dụng tuần hoàn khí huyết, chữa đau dạ dày.
Ngoài ra, hoa bưởi, lá bưởi, cùi bưởi cũng có nhiều tác dụng chữa bệnh: Lá bưởi một nắm (50 -100g), lá sả một nắm (50 -100g), lá duối một nắm (50 -100g), lá cúc tần một nắm (50 -100g) cho vào nồi nước đun thật sôi dùng để xông trừ cảm mạo, cho ra mồ hôi và viêm đường hô hấp trên.
+ Trị ho ở người già: Dùng 300g cùi bưởi (bỏ lớp vỏ bên ngoài) và 50g phèn chua đun chín với 500ml nước mỗi ngày uống từ 100ml.