Điện ảnh trong sóng gió Covid
Khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc các rạp “tối đèn” là lẽ đương nhiên. Nhưng đây cũng chính là thời gian để các nhà làm phim suy ngẫm, không chỉ là để vượt thoát trong cơn bão dịch mà còn là tìm ra cách đi đúng và hiệu quả trong tương lai.
Chần chừ mời gọi đầu tư
Một trong những cách để điện ảnh phát triển là mời gọi vốn đầu tư từ nước ngoài, cũng như kết hợp quốc tế trong sản xuất phim. Đó là cách làm của hầu hết các nền điện ảnh và Việt Nam cũng đã từng “trải nghiệm”.
Còn nhớ, tháng 2/2017, bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” của điện ảnh Hollywood đã giới thiệu với thế giới nhiều bối cảnh quay tuyệt đẹp tại Việt Nam. Trên mạng xã hội xuất hiện không ít bình luận theo dạng “không ngờ” Việt Nam lại đẹp đến thế. Từ đó đã thổi bùng kỳ vọng hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và cũng nung nấu thêm những ý tưởng kết hợp với quốc tế để làm phim. Nhằm tăng phần hấp dẫn, đạo diễn bộ phim này, Jon Voigt-Robert được bổ nhiệm làm Đại sứ du lịch của Việt Nam.
Nhưng cũng kể từ đó, việc mời gọi đầu tư hay là phối hợp làm phim với nước ngoài vẫn không được thúc đẩy.
Theo bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, trong năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát thì Hiệp hội cũng đã có một số hoạt động tại nước ngoài, trong đó có việc giới thiệu môi trường làm phim Việt Nam cho các nhà làm phim nước ngoài ở Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) và liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản). Tuy nhiên, vẫn theo bà Lan, các nhà làm phim nước ngoài chia sẻ rằng, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về phong cảnh tuyệt vời, bản thân họ cũng muốn quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Nhưng khi đến nước ta thì không được ưu đãi, trong khi nếu đến Thái Lan, Philipines hay rất nhiều nước khác trong khu vực châu Á thì nhận được nhiều ưu đãi.
Bà Lan cũng cho biết, chỉ với riêng chính sách ưu đãi thuế để tạo ra sự cạnh tranh với các nước đã là cả một vấn đề, trong khi đó lại là hướng đi chung của điện ảnh quốc tế. Trong khi các nước xung quanh Việt Nam hoàn thuế rất lớn, lên đến 20-25%... Thậm chí có những bang của nước Mỹ họ còn hoàn thuế lên đến 35% cho các đoàn phim đến quay tại đó, tức là hoàn tiền luôn cho các đoàn tại sân bay ngay khi họ rời đi. Nhưng với ta thì không có được điều đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc hợp tác làm phim với nước ngoài của ta “giẫm chân tại chỗ” là do các địa phương không ý thức được lợi ích lâu dài và rộng rãi khi được chọn làm bối cảnh cho phim. Vì thế không có cơ chế ưu đãi. Tính chất quảng bá không được nhận thức đầy đủ thì tất nhiên cũng không thu hút được các nhà sản xuất phim nước ngoài.
Nói như bà Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam, muốn có được điều đó thì cần có kế hoạch với từng địa phương, sau đó tập hợp các ý kiến rồi mới có thể đề xuất các sửa đổi từ phía các bộ ngành, từ đó hình thành một chính sách thống nhất chung của cả nước. Nhưng, vẫn theo bà Lan “hiện nay nếu ngay lập tức đưa ra luật hay nghị định thì tôi nghĩ ban soạn thảo các Bộ có lẽ cũng chưa mặn mà”.
Vai trò mới của phim truyền hình
Trong khi “phim ra rạp” khó khăn cả trong sản xuất cũng như phát hành, thì cũng là lúc phim truyền hình chiếm ưu thế. Đó là cách giải cơn khát điện ảnh “ngay tại nhà” bằng việc xem TV thay vì đến rạp.
Tuy nhiên, theo các nhà sản xuất phim truyền hình, cái khó nhất chính là khâu kịch bản. Kịch bản ít đã đành nhưng khó hơn lại chính là việc lọc cho được kịch bản hay. Theo một nhà đầu tư, có lẽ nhiều người cho rằng phim truyền hình cũng không khác gì dòng phim “mỳ ăn liền” nên viết kịch bản rất sơ sài. Đây là cái gốc của vấn đề, vì rằng không có bột thì cũng chẳng gột nên hồ. Biên kịch có gia công nâng cấp đến bao nhiêu đi nữa, đạo diễn có lao tâm khổ tứ đến đâu đi nữa, dàn diễn viên có “oách” đến đâu đi nữa thì cũng không thể có được một bộ phim truyền hình xuất sắc. Nếu không muốn nói là càng “bôi ra” nhiều tập thì càng khiến cho người ta chán ngán.
Một biên kịch cho biết, bây giờ có “đốt đuốc giữa ban ngày” thì cũng không tìm đâu được kịch bản cuốn hút như phim “Cảnh sát hình sự” cách đây cả đôi chục năm. Ngay như việc mua kịch bản phim truyền hình nước ngoài, rồi “chế” lại theo kiểu Việt Nam cũng lại gặp vấn đề. Trong đó, trường hợp bộ phim “Người phán xử” là một dẫn chứng tiêu biểu.
Dẫu thế thì, ở một góc nhìn khác, không ít ý kiến cho rằng thời gian qua phim truyền hình Việt Nam có nhiều khởi sắc; và hy vọng “tranh thủ mùa dịch khi phim chiếu rạp ngủ đông” phim truyền hình sẽ bứt phá.
Thực tế thì phim truyền hình cũng đã đọng lại được một số bộ, trong đó có thể kể đến “Về nhà đi con”, “Người phán xử”, “Quỳnh búp bê”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Cát đỏ”… Đó là những bộ phim dưới dạng câu chuyện, có số phận, có kịch tính, chủ yếu khai thác đề tài cuộc sống gia đình trong vòng xoáy của bối cảnh xã hội đương thời. Đây được xem là dòng chủ lưu và vẫn sẽ tiếp tục thu hút người xem.
Nhưng cũng chính ở thế mạnh ấy thì cũng đã bộc lộ những điểm yếu, nhất là khi hàng loạt bộ phim na ná nhau về cốt truyện cũng như cách phát triển câu chuyện. Và một nỗi lo khác là tính suồng sã: Từ cách diễn “bụi bặm đậm chất đời thường” cho đến sự dễ dãi có phần buông tuồng trong thoại. Người ta không khỏi lo ngại nếu cứ như thế thì sẽ tạo ra một dòng phim “ăn liền nhưng độc hại”. Sự chao chát, diễn cương quá đà của không ít diễn viên, nhất là diễn viên trẻ sẽ dần “khắc họa chân dung” con người Việt Nam hôm nay ít chất văn hóa quá. Đó là chưa kể phim nào cũng tạo ra bằng được cảnh phòng the rất hớ hênh, coi như đó là chất men gây nghiện khán giả…
Khi mà dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều lĩnh vực ngành nghề thiệt hại, điện ảnh đương nhiên cũng chung số phận. Nhưng, trong cơn bão quét ấy, cũng rất cần sự điềm tĩnh lắng lại để nhận diện hướng đi phù hợp trạng thái xã hội bình thường mới. Và nói gì thì nói, trong bối cảnh ấy, phim truyền hình phải nhanh chóng vượt lên đảm đương sứ mệnh của người lĩnh ấn tiên phong.