Chính sách thuế và sức khỏe doanh nghiệp

H.Hương 24/02/2021 07:42

Mới đây, theo đề xuất Bộ Tài chính sẽ gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất để các doanh nghiệp (DN), cá nhân có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chờ đợi được gia hạn thuế để vượt qua khó khăn.

Cụ thể Bộ Tài chính muốn gia hạn 5 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT); gia hạn 3 tháng thuế TNDN; gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, Thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn; gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm.

Ông Nguyễn Văn Được (Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín) cho rằng, hiện nay nhiều DN không có tiền hoặc có ít tiền, khi được gia hạn thời gian nộp thuế sẽ có điều kiện sử dụng nguồn kinh phí đó để trang trải chi phí trước, ổn định sản xuất.

Theo ông Được, ngoài việc gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, cơ quan chức năng nên xem xét giảm thuế TNDN đặc biệt đối với DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ. Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018. Theo đó các DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ được hưởng mức thuế suất 15-17% nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa áp dụng. DN vẫn đang phải nộp thuế ở mức 20%. Do vậy, cần sớm thực hiện giảm thuế cho các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ theo lộ trình của luật.

Vẫn theo ông Được, cần kế thừa và thực hiện quy định giảm 30% thuế TNDN. Như vậy DN có thể chống chọi qua giai đoạn dịch bệnh để hồi phục sau này. Càng có nhiều chính sách hỗ trợ thì DN càng có nhiều cơ hội hồi phục. Cụ thể giảm 30% thuế VAT của hàng hóa dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 như nhà hàng, khách sạn, hàng không, vận tải…

“Khi thuế VAT giảm, giá bán hàng giảm đi từ đó kích cầu tiêu dùng trong nước. Nếu giá mua rẻ, người dân sẽ mua nhiều hơn, nền kinh tế hoạt động trở lại và cứu được DN sản xuất” - ông Được nêu ý kiến.

Tới đây, một vấn đề phát sinh: Khi thực hiện gia hạn thuế, ngân sách nhà nước sẽ khó hơn? Việc chấp nhận cắt giảm thuế sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn thu để bổ sung vào NSNN. Giải quyết bài toán mâu thuẫn đó không phải là chuyện dễ dàng nên Bộ Tài chính sẽ phải rất nỗ lực để có thể đảm bảo cân đối được ngân sách cho cả hai mục tiêu lớn như vậy.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, với quan điểm lấy tăng trưởng kinh tế làm gốc để nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, thì với các giải pháp nới thuế, phí và lệ phí có thể sẽ làm giảm nguồn thu trong ngắn hạn. Nhưng khi sản xuất kinh doanh phát triển, DN mạnh lên thì sự gia tăng về quy mô nền kinh tế sẽ làm cho nguồn thu NSNN nhiều lên, không chỉ bù đắp số giảm thu do thay đổi chính sách, mà còn tăng thu NSNN so với dự toán được giao.

H.Hương