Cần chính sách mới khi dịch bệnh kéo dài
Ngày 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo dõi sát tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng với phương án, giải pháp kịp thời, phù hợp tình hình. Phối hợp, điều hành các chính sách vĩ mô theo hướng đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8%. Trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng phương án, kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”; quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Tăng trưởng năm 2020 ước đạt 2,91%, thuộc 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015.
Điểm nhấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhắc đến đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”. Chính phủ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; xử lý công việc trên môi trường mạng để giảm giấy tờ; đã ban hành 71 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt, Chính phủ đã xây dựng và vận hành các hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử, giúp đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số và lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Thẩm tra báo cáo trên, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và nhận thấy, trong nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; kết quả đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị, thời gian tới Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân do tình hình dịch bệnh kéo dài. Để từ đó có chính sách cấp bách để hỗ trợ nhanh và duy trì để thực hiện mục tiêu kép. Đặc biệt cần mở rộng, cho phép đầu tư vào các công trình trọng điểm và mới để tăng tổng cầu nhằm thực hiện mục tiêu kép và các vấn đề cấp bách. “Đồng thời nên có chính sách, sách lược khai thác các lợi thế từ quá trình hội nhập sâu rộng đem lại, nhất là thực hiện lợi thế từ các hiệp định FTAs”- theo ông Giàu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là nhiệm kỳ rất thành công. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn phức tạp nhưng Chính phủ đã vững vàng, chèo lái. “Thành công trong điều kiện khó khăn càng quan trọng”- Chủ tịch Quốc hội nói đồng thời cho rằng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng rất tôn trọng Quốc hội và ĐBQH. Khi ĐBQH có tiếng nói thì các thành viên Chính phủ đều lắng nghe và nghiêm túc báo cáo giải trình. “Dưới góc độ là cơ quan giám sát tối cao, là Chủ tịch Quốc hội tôi rất ấn tượng về Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, hoạt động rất đều tay, không lúng túng” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, có được những kết quả trên chính là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự đồng lòng của nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các đơn vị, tổ chức với Chính phủ trong công tác điều hành, quản lý.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, dự kiến kỳ họp thứ 11 sẽ khai mạc vào ngày 24/3, dự kiến bế mạc vào ngày 7/4. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước.