Thanh Hóa: Người lao động tự do 'méo mặt' vì dịch Covid-19

Nguyễn Chung 24/02/2021 19:20

Dịch Covid-19 đang tác động trực tiếp lên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đời sống xã hội, mà rõ nét nhất là đối với đại bộ phận những người lao động tự do tại Thanh Hóa. Không có công việc ổn định, khan hiếm việc làm sau Tết đang khiến số lao động tự do “chơi dài” và gặp nhiều khó khăn do không có thu nhập…

Tại TP Thanh Hóa sau Tết Nguyên đán, không khó để bắt gặp hình ảnh những người lao động tự do ngồi “dài cổ” chờ việc trên các tuyến phố Lê Hoàn, đại lộ Lê Lợi, đường Đội Cung... Tình trạng khan hiếm việc làm sau Tết khiến cho nhiều người dân rơi vào cảnh “ăn không ngồi rồi”.

Kéo nhau lên thành phố tìm việc là giải pháp duy nhất lúc này. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đang tác động lên tất cả các ngành nghề, đời sống, giải pháp này cũng bị rơi vào bế tắc.

Lên T.p tìm việc là giải pháp duy nhất lúc này với người lao động tự do tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, giải pháp này cũng rơi vào bế tức do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ngồi thất thần vì từ sáng chưa có một bóng khách thuê, anh Nguyễn Văn Trọng – một nông dân trú tại xóm 2, xã An Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) làm nghề chở đồ thuê thở dài: “Tôi bắt đầu đi làm từ mùng 5 Tết. Lặn lội từ quê lên TP Thanh Hóa để mưu sinh cũng mong có thêm thu nhập lấy tiền lo đóng học cho 2 cháu (cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ lớp 6). Tuy nhiên, từ mùng 5 Tết đến nay, mỗi ngày thu nhập chỉ đạt trên dưới 100 nghìn đồng/ngày, người thuê lao động chỉ như cầu may!”.

Chia sẻ thêm về hoàn cảnh gia đình, anh Trọng cho biết, anh là lao động chính của gia đình 4 khẩu. Là hộ vừa thoát nghèo của xã năm 2019, tuy nhiên năm 2020, gia đình anh lại quay trở lại diện hộ cận nghèo. Lý do bởi dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình đổ nợ vì hàng chục con lợn bị chết.

Thất bát từ chăn nuôi, anh Trọng bàn với vợ mua một chiếc xe gắn máy rồi ra phố chở hàng thuê. Song, người tính không bằng trời tính, dịch Covid-19 khiến nguồn thu nhập của anh chỉ đủ dể cầm cự, chi tiêu tằn tiện.

“Trước, trong và sau tết, tôi đều nỗ lực để làm việc kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, không có việc làm khiến cho mọi dự định tan biến. Có lẽ phải tính nước bán xe chuyển nghề!” - anh Trọng buồn bã nói.

Chung cảnh ngộ “đói khách” là hàng trăm bác tài xe ôm. Ngày thường không dịch, mỗi lần xuống xe ở các bến bãi là cảnh lao xao, nhộn nhịp những tiếng ới, gọi mời của các bác tài. Thế nhưng ngày dịch, để tìm được một bác xe ôm là khó!

Ngồi cả ngày nhưng những người hành nghề xe ôm vẫn không có khách đi xe.

Ông Tạ Quang Chính (54 tuổi, phường Nam Ngạn) với thâm niên hơn 20 năm hàng nghề xe ôm ở bến xe phía Bắc cho biết, mưu sinh bằng nghề xe ôm ở đây có khoảng 80 đầu xe. Thời điểm gần Tết có lúc lên tới hơn 100 đầu xe. Tuy nhiên, thời điểm dịch dã kéo dài, khách ít khiến cho nhiều đồng nghiệp phải chuyển nghề khác.

Với ông thu nhập cũng giảm sút. Mỗi ngày ông Chính thu được khoảng vài chục đến 100 nghìn đồng tiền lãi lời, đã trừ chi phí cho xăng dầu, chè thuốc.

Chủ trương đóng cửa các hàng quán vỉa hè để phòng chống dịch của chính quyền cũng khiến nhiều người dân tại TP Thanh Hóa rơi vào cảng túng quẫn.

Trong khi đó, tại khu tái định cư Xuân Minh (phường Đông Hải, TP Thanh Hóa) - nơi trú ngụ của hàng chục hộ dân vạn chài. Lẽ thường những năm trước, để gặp được một hộ dân của “xóm lao động tự do” này ở nhà là khó, thì nay gần như người dân đang phải “bó gối” tại gia. Không có việc làm khiến cho không ít hộ dân nơi đây tính bàn phương án quay lại nghề sông nước.

Trong căn nhà rộng khoảng hơn 50m2, anh Nguyễn Văn Thanh (khu TĐC Xuân Minh) rời tay vá lưới mời khách vào nhà với vẻ mặt rầu rĩ: Từ Tết đến giờ anh Thanh không thể tìm được việc làm để lo cho gia đình. Trước những người lao động chân tay như anh tìm việc đã khó, nay do dịch Covid-19 công cuộc tìm việc làm lại càng khó hơn. Trước Tết anh đi làm phụ hồ thu nhập không cao nhưng đủ trang trải cho gia đình, giờ do dịch bệnh xây dựng ít, chủ thầu không nhận được nhiều công trình nên cũng không gọi anh đi làm lại.

Chia sẻ những khó khăn với người lao động, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch MTTQ phường Đông Thọ cho biết: Đây đang là thời điểm rất khó khăn với người lao động tự do không chỉ tại TP Thanh Hóa mà đây là tình trạng chung của cả tỉnh.

“Dịch Covid-19 kéo dài đang khiến cho người lao động vẫn tự do bế tắc. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, người bà con vẫn sẽ rất trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước như lần giãn cách xã hội trước”, ông Thủy nói.

Nguyễn Chung