Bảo vệ mắt cho trẻ khi học trực tuyến
Cứ sau 20 phút làm việc với máy tính, hãy rời mắt khỏi màn hình và nhìn vào một vật gì đó cách mắt 20 feet (khoảng 6 mét) trong thời gian 20 giây.
Trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, và đảm bảo chương trình học tập của học sinh không bị ảnh hưởng, nhiều trường đang tổ chức chương trình học trực tuyến cho học sinh, cần bảo vệ thị lực trẻ em như thế nào để trẻ không bị mệt mỏi và căng thẳng thị giác sau các chương trình học trực tuyến.
Học trực tuyến đồng nghĩa với việc trẻ phải tiếp xúc mắt với màn hình. Những thiết bị này chứa ánh sáng xanh. Đây là ánh sáng có thể nhìn thấy được, có bước sóng từ 380 - 500nm, là một trong những bước sóng ngắn nhất, năng lượng cao nhất.
Theo BS Đặng Thị Thu Hà, thạc sĩ chuyên ngành nhãn khoa, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ánh sáng xanh có năng lượng lớn nhất trong các loại ánh sáng nhìn thấy được. Chúng có thể đâm xuyên qua lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu và đến đáy mắt, gây tổn võng mạc.
Khác với hội chứng thị giác màn hình, tổn thương do ánh sáng xanh gây ra là vĩnh viễn và sẽ tích luỹ dần theo thời gian, cuối cùng có thể gây các bệnh mắt, đặc biệt là bệnh thoái hóa điểm vàng, một nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa.
"Đặc biệt, mắt trẻ còn đang phát triển nên không có sắc tố bảo vệ đôi mắt khỏi ánh sáng xanh. Do vậy, mắt của trẻ dễ bị tổn thương khi phải ngồi học trước màn hình máy tính quá lâu", ThS.BS Đặng Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Biện pháp đơn giản nhất để giảm tác động của ánh sáng xanh máy tính đó là tăng thời gian nghỉ ngơi cho mắt sau khi làm việc với màn hình. Đặc biệt, ngoài thời gian trẻ học trực tuyến thay vì sử dụng điện thoại, chơi máy tính, xem tivi thì cha mẹ nên khuyến khích trẻ đọc báo, nghe nhạc, vui chơi không thiết bị số.
Theo TS.BS Đinh Viết Nghĩa – Khoa Mắt (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108), khi trẻ học trực tuyến trên máy tính cần phải tuân theo nguyên tắc 20-20-20-20. Tức là cho đôi mắt nghỉ sau 20 phút trong vòng 20 giây, nhìn vật xa ít nhất 20 bàn chân (6m). Vì vậy, cứ sau khoảng 20 phút nhìn vào màn hình máy tính, trẻ có thể nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc nhìn quanh căn phòng. Bên cạnh đó, cần thêm một động tác nữa đó là chớp mắt.
Khi học trực tuyến, trẻ phải tập trung theo dõi bài giảng nên thường quên chớp mắt khiến mắt bị mờ, bị kích thích, đỏ mắt và đau mắt. Vì vậy, chớp mắt sẽ giúp trẻ làm giảm những biểu hiện khó chịu trên.
Theo TS.BS dinh dưỡng Mai Hằng (Viện Đào tạo dinh dưỡng tự nhiên), một chế độ dinh dưỡng sẽ giúp đôi mắt khỏe, hạn chế được tác hại khi trẻ phải tiếp xúc nhiều với máy tính.
Những loại thực phẩm và vitamin A rất tốt cho mắt như cà rốt, các loại rau xanh, đặc biệt cây cỏ lúa mì non. Dùng cây cỏ lúa mì non như một loại kháng sinh tự nhiên và nhiều dinh dưỡng. Cha mẹ có thể lấy nước cốt nhỏ vào mắt giúp sáng mắt, chống mỏi mắt và phục hồi mắt.
Cà rốt là loại củ rất quen thuộc với mỗi chúng ta, cà rốt chứa rất nhiều vitamin A giúp sáng mắt, tăng cường sức khỏe giác mạc, bảo vệ các tế bào trong mắt. Ngoài ra, trong thành phần của cà rốt còn chứa chất lutein, chất này có khả năng làm tăng mật độ sắc tố trong võng mạc giúp bảo vệ võng mạc và làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng, một trong những căn bệnh thường gặp về mắt hiện nay. Cha mẹ có thể ép nước cà rốt pha với nước cam cho trẻ uống hàng ngày.
Các loại rau xanh được biết đến nhiều nhất là diếp cá, bó xôi hay cải lá, là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày. Chúng không những tốt cho cơ thể mà còn rất tốt cho mắt.
Thường thì rau xanh có chứa rất nhiều chất lutein và zeaxanthin, hai chất này có khả năng bảo vệ mắt khỏi tác động có hại từ ánh nắng Mặt trời. Để cải thiện thị lực và sức khỏe cho trẻ học nhiều với máy tính thì cha mẹ nên tăng cường cho con ăn rau xanh mỗi ngày.
Mắt là một trong những bộ phận rất quan trọng của cơ thể nên việc chăm sóc mắt luôn được quan tâm đặc biệt. Hiện nay với chế độ làm việc, học tập không hợp lý của nhiều người đã làm cho sức khỏe mắt suy giảm đi đáng kể.
Với những trẻ sử dụng máy tính nhiều cho mục đích học tập thì bên cạnh các biện pháp kỹ thuật để giảm tác hại của ánh sáng xanh, rất cần có một chế độ dinh dưỡng chăm sóc mắt ngăn ngừa bức xạ.
Cần lưu ý đối với những trẻ có các bệnh lý về mắt, nên khám bác sĩ nhãn khoa để được khám, điều trị và tư vấn chế độ học tập, sinh hoạt một cách phù hợp nhất.
Tư thế ngồi làm việc với máy tính thế nào cho đúng?
Nên chọn ghế ngồi và bàn làm việc có thể điều chỉnh được độ cao, ghế có tựa lưng và có thể điều chỉnh được. Ngồi làm việc trong tư thế đầu và lưng thẳng (không nghiêng hay cúi đầu), vai xuôi, chân hơi duỗi tạo góc giữa cẳng chân và đùi khoảng 90-130 độ, phần thân trên và đùi tạo một góc mở 90-120 độ (bằng cách điều chỉnh độ nghiêng của phần tựa lưng của ghế).
Tốt nhất bạn nên điều chỉnh góc này ở mức 100-110 độ vì ở tư thế này sẽ giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống và giảm ảnh hưởng bất lợi lên cột sống.
Dựa trên những nghiên cứu về chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng, nhóm nghiên cứu của ĐH Alberta, Canada khuyến cáo, tư thế ngồi lý tưởng là góc tạo bởi phần thân trên và mặt phẳng ngang là 135 độ, tuy nhiên đó là tư thế lý tưởng khi ngồi nghỉ ngơi vì nó ít tạo áp lực lên đĩa đệm cột sống nhất. Còn để làm việc một cách thuận tiện thì nên bố trí ghế ngồi có tựa lưng để tạo thành một góc khoảng từ 100-110 độ giữa mặt phẳng lưng và mặt phẳng ngang của ghế.
Điều kiện ánh sáng
Điều kiện ánh sáng quá thấp, sẽ khiến cho mắt bị ảnh hưởng, thiếu ánh sáng khi học tập và làm việc dẫn đến mắt phải điều tiết nhiều và dẫn tới nhanh mệt mỏi và gây nên các rối loạn về thị giác.
Mức độ chiếu sáng quá mức có tác dụng "che lấp" và gây khó khăn cho người sử dụng máy tính. Cần điều chỉnh độ sáng và độ tương phản màn hình sao cho font chữ và hình ảnh trên màn hình dễ nhìn thấy nhất, không nên để độ sáng màn hình quá cao, dẫn đến chói mắt và nhức mắt khi làm việc.
Cần bố trí đủ ánh sáng khi làm việc với máy tính, mức độ chiếu sáng từ 300 đến 500 lux là phù hợp. Nói chung, mức độ chiếu sáng tối đa không nên vượt quá 750 lux.