Du lịch vượt khó

Minh Quân 25/02/2021 09:02

“Đóng băng, huỷ tour, phá sản” - là những điệp khúc buồn của ngành du lịch trong suốt hơn một năm qua do ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng bằng sự nỗ lực ngành du lịch đã có nhiều phương án vượt khó và luôn sẵn sàng khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh Quang Vinh.

Thăng hạng thương hiệu

Dù năm 2020 và dự báo năm 2021 sẽ đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không thể phủ du lịch Việt đã ghi nhận sự thăng hạng về thương hiệu. Chỉ trong năm 2020, hàng loạt các giải thưởng du lịch uy tín của thế giới đã “gọi tên” Việt Nam.

Mới đây nhất, tại World Travel Awards 2020 thế giới, Việt Nam đã xuất sắc đoạt giải thưởng Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2020. Ngoài giải thưởng trên, Việt Nam còn được vinh danh với nhiều giải thưởng khác, từ lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, resort...

Cụ thể, khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) của Tập đoàn Sun Group được vinh danh với 3 giải thưởng: Điểm du lịch biểu tượng hàng đầu châu Á, Cây cầu du lịch biểu tượng hàng đầu châu Á (dành cho Cầu Vàng) và Cáp treo hàng đầu thế giới. Danh hiệu Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới và Điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới thuộc về khu du lịch Sun World Fansipan Legend, cũng của Tập đoàn Sun Group.

Sân bay Vân Đồn của Tập đoàn này cũng đoạt giải Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020. Khách sạn thân thiện với môi trường hàng đầu thế giới thuộc về InterContinental Danang Sun Peninsula resort. Nhà điều hành tour du lịch nhóm hàng đầu thế giới 2020 được trao cho Vietravel…

Không chỉ năm 2020 mà những năm trước đó, danh sách Top các điểm đến hàng đầu thế giới do các tổ chức, giải thưởng quốc tế uy tín như giải thưởng do độc giả bình chọn (Reader Choice Awards) của CNTraveller hay TripAdvisor cũng đã vình danh Việt Nam.

Điều đáng chú ý hơn cả là, chỉ trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, Việt Nam luôn góp mặt trong các giải thưởng quốc tế nào về du lịch nghỉ dưỡng. Thậm chí, chất lượng và số lượng giải thưởng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Gần đây nhất, vào tháng 10/2020, Việt Nam đứng thứ 9 trong 20 quốc gia là điểm đến yêu thích năm 2020 do độc giả của CNTraveler bình chọn.

Đầu tháng 3/2020, Travelers’ Choice - Best of the Best 2020 là giải thưởng thường niên của TripAdvisor cũng đã gọi tên 5 thành phố của Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh lọt top 12 điểm đến xu thế của thế giới; Hà Nội và Hội An đứng trong Top 17 thành phố hút khách nhất thế giới và Phú Quốc là điểm đến mới nổi bật trên thế giới.

Nhờ đó, dù ngành du lịch ảm đạm suốt năm 2020 do ảnh hưởng của Covid-19, cái tên Việt Nam vẫn được nhắc đến như một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới.

Thậm chí, theo kết quả khảo sát điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất cho nửa cuối năm 2020 do nền tảng đặt dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda vừa thực hiện, Việt Nam đứng thứ 4 trong Top 10 điểm đến mơ ước của năm 2021, cùng với Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Nhật Bản.

Phú Quốc đang là điểm đến hấp dẫn.

Biến nguy thành cơ

Thực tế cho thấy, sự thặng hạng về thương hiệu của du lịch Việt dù phải đối mặt với Covid-19 là hoàn toàn không phải là những đánh giá “ảo”. Rõ ràng, những giải thưởng quốc tế dành cho du lịch Việt Nam, cho những công trình du lịch của quốc gia vốn từng luôn được nghĩ đến với cụm từ “giá rẻ”, đã đem lại nhiều giá trị to lớn hơn một tấm bằng ghi nhận.

Bởi sau khi mất đi thị trường “màu mỡ” là khách quốc tế những người làm du lịch đã nhanh chóng chuyển đổi cách khai thác, tập chung vào nguồn khách trong nước.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng khá tích cực trong việc tăng cường công tác quảng bá bằng hình thức trực tuyến đến những thị trường khách quốc tế trọng điểm của du lịch Việt Nam. Có thể kể đến chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube “Việt Nam - đi để yêu” do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) triển khai từ năm 2021.

Chương trình có sự tham gia tích cực của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ và lượng theo dõi lớn. Mỗi YouTuber đóng vai trò như một “thuyết minh viên du lịch trực tuyến” khám phá vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực, con người và thiên nhiên Việt Nam.

Tiếp đó, đúng vào 30 Tết clip giới thiệu du lịch với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến Văn hóa và Ẩm thực” đã chính thức ra mắt trên kênh YouTube của Tổng cục Du lịch. Những hình ảnh mang đầy màu sắc rực rỡ của mùa xuân, những phong tục cổ truyền, không khí ngày Tết truyền thống, hơi ấm đoàn viên trong clip đã mang đến cho du khách sự thư thái của mùa xuân và những màu sắc đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam.

Đây thực chất là một chuyến du lịch ảo, là dịp để người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới tìm về với cội nguồn, tìm đến sự bình yên trong lòng, tích tụ năng lượng và tâm thế sẵn sàng bước vào năm mới với nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp.

Trước đó, clip “Việt Nam - Đất nước, con người” trên kênh YouTube của Tổng cục Du lịch chỉ sau hơn 1 tháng ra mắt đã đạt trên 1,4 triệu lượt xem. Chưa kể, bên cạnh việc chấp nhận “chịu lỗ” để đảm bảo nguồn khách mà nhiều điểm đến còn mạnh dạn đầu tư thay đổi từ diện mạo cho đến các dịch vụ, sản phẩm mới mẻ để thu hút khách trở lại.

Theo Tổng cục Du lịch cho biết, trong kế hoạch phát triển du lịch năm 2021, ngành du lịch Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa khai thác, kinh doanh hiệu quả. Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và trên thế giới, thị trường nội địa vẫn là hướng khai thác chủ đạo trong năm 2021.

Ngành Du lịch sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như tập trung vào công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn trong hoạt động du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương, khai thác hiệu quả thị trường nội địa, chú ý phát triển các điểm đến mới; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch...

Không thể phủ nhận dịch Covid-19 tạo ra sự thay đổi lớn đối với ngành Du lịch Việt Nam. Cuộc khủng hoảng là phép thử, nhưng cũng là cơ hội để ngành “sốc” lại bộ máy hoạt động, từ cách thức vận hành, quản lý cho đến xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế.

Minh Quân