Quyết giữ rừng Pơ mu
Những năm gần đây, tình trạng phá rừng Pơ mu tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, diễn biến phức tạp, đặt loài cây này trước nguy cơ tuyệt chủng.
Gỗ Pơ mu thuộc nhóm IIA là loài thực vật rừng quý hiếm, nguy cấp cần được bảo vệ. Chính vì sự quý hiếm và có giá trị kinh tế cao nên cây Pơ mu luôn trở thành mục tiêu tấn công của các đối tượng “lâm tặc”. Tại Đắk Lắk, cây Pơ mu phân bố một phần trên các dãy núi ở huyện Krông Bông thuộc lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý.
Tiểu khu 1219 (lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông) là “thủ phủ” sinh sống của cây Pơ mu. Những năm gần đây liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng Pơ mu tại khu vực này, như: Vụ khai thác trái phép 48 cây gỗ Pơ mu xảy ra vào tháng 10/2018; 24 cây Pơ mu xảy ra vào tháng 2/2019; 9 cây Pơ mu xảy ra vào tháng 12/2019; 14 cây Pơ mu xảy ra vào tháng 2/2020; 19 cây Pơ mu xảy ra vào tháng 4/2020.
Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, lực lượng công an huyện Krông Bông tổ chức mật phục và bắt quả tang nhóm “lâm tặc” đang dùng trâu để vận chuyển gỗ Pơ mu ra khỏi rừng tại khu vực Núi Voi Kéo, thuộc xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông (lâm phần của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông).
Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Krông Bông cho biết, sau thời gian mật phục trên rừng, đến khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết), Công an huyện Krông Bông đã phát hiện nhóm đối tượng sử dụng trâu để kéo gỗ từ trên rừng xuống, lực lượng chức năng đã vây bắt được 6 đối tượng vận chuyển 9 hộp gỗ Pơ mu, tạm giữ 4 con trâu, 4 xe máy và nhiều công cụ phục vụ việc vận chuyển gỗ ra khỏi rừng.
Qua đấu tranh ban đầu, xác minh được trong 6 đối tượng đó, có 2 đối tượng trực tiếp khai thác gỗ và 4 đối tượng tham gia vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng xác minh được thêm 4 đối tượng cùng tham gia khai thác, dẫn trâu lên rừng trong thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, qua thực tế đấu tranh với tội phạm khai thác, vận chuyển gỗ Pơ mu cho thấy nhóm đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển gỗ chủ yếu là người địa phương, điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế lớn từ việc phá rừng Pơ mu không thuộc về nhóm đối tượng khai thác, vận chuyển mà rơi vào tay nhóm người “thương mại hóa” gỗ Pơ mu, chính là những “đầu nậu” gỗ thu mua và phân phối gỗ Pơ mu ra thị trường.
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông cho rằng: Cần làm rõ và xử lý những “đầu nậu” gỗ, những đối tượng mua bán lâm sản trái phép. Về phía Công ty đã có báo cáo, thống kê gửi đến cơ quan chức năng danh sách các xưởng mộc, xưởng chế biến đũa và các “đầu nậu” chuyên thu mua lâm sản trái phép để phục vụ công tác điều tra.
Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình trạng phá rừng, vận chuyển và mua bán trái phép lâm sản, đặc biệt là các loài gỗ quý tại địa phương, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác nghiệp vụ, đặc biệt tăng cường đấu tranh độc lập của lực lượng công an đối với các loại tội phạm trên và bước đầu đã đem lại chuyển biến tích cực, bắt quả tang được nhóm đối tượng vận chuyển gỗ Pơ mu vào dịp Tết Nguyên đán.
“Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục đấu tranh, phải tìm ra được những “đầu nậu” gỗ để xử lý trước pháp luật. Bên cạnh đó, địa phương sẽ giao cho các lực lượng chức năng rà soát những cơ sở gỗ dân dụng, chế biến đũa trên địa bàn nếu không đủ điều kiện hoạt động phải thu hồi giấy phép, tránh việc lợi dụng giấy phép hoạt động để tham gia vận chuyển, mua bán gỗ tự nhiên”, ông Lê Văn Long cho biết thêm.