Không thể ngăn sông, cấm chợ

Nam Việt 26/02/2021 06:30

Những ngày qua, người dân trong vùng có dịch Covid-19 tỉnh Hải Dương khốn khổ vì hàng hóa (đặc biệt là nông sản) không vận chuyển ra tỉnh ngoài tiêu thụ được, kể cả vận chuyển tới cảng Hải Phòng để xuất khẩu.

Phong trào giải cứu nông sản cho Hải Dương thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là tại Hà Nội. Nhưng dẫu thế thì hàng hóa từ Hải Dương ra các tỉnh/thành bên ngoài và ngược lại cũng vẫn gặp khó khăn. Tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” đã diễn ra, khiến người dân Hải Dương đã khó khăn lại càng khó khăn hơn bội phần.

Sinh viên và giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chung tay giúp đỡ mua nông sản Hải Dương. Ảnh: Huyền Hạnh.

Kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống Covid-19 là rất cần thiết. Nhưng cũng không thể vì thế mà phong tỏa, ngăn chặn việc lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản không thể để được lâu ngày.

Ngày 24/2, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh Hải Dương kiến nghị các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa, nhất là đường ra Cảng Hải Phòng.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng, việc ách tắc hàng hóa tại Hải Dương vừa qua là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Ông An cũng cho biết, để khắc phục, Bộ Công thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương.

“Tuy nhiên, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải”- ông An nói. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn, nhưng các tỉnh lại hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau, dẫn tới việc hàng hóa ra vào tỉnh Hải Dương khó khăn.

Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Vì thế, trong khi thực hiện nghiêm việc kiểm soát để phòng, chống dịch thì vẫn phải có những biện pháp thích hợp để hàng hóa lưu thông.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, các địa phương đã tích cực, quyết liệt trong phòng chống dịch; biểu dương các đoàn tiền phương, nhiều cá nhân xuất sắc, lăn lộn trong vùng dịch để chỉ đạo. Tuy nhiên, nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp, trong đó về việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chỉ đạo không ngăn sông, cấm chợ. Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Không để ách tắc.

Thủ tướng nhấn mạnh, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, phải có ngay quy chế để hàng hóa lưu thông, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Đây là vấn đề lớn không chỉ với tỉnh có dịch là Hải Dương, mà còn với cả vùng, nhất là với các tỉnh lân cận cũng như cảng Hải Phòng. Nếu ngăn sông, cấm chợ, không chỉ người vùng có dịch vô cùng khó khăn, mà người các tỉnh lân cận cũng gặp khó, và việc xuất khẩu sẽ đình trệ.

Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản số 901/BCT-TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch. Theo Bộ Công thương, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc chủ yếu là do các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.

Những ngày qua, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận Hải Dương đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh này. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu khiến hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nhìn lại những ngày căng thẳng trong lưu thông hàng hóa vừa qua (đặc biệt là nông sản) cho thấy rất cần sự chỉ đạo thống nhất, những quy định cụ thể, để không gây ùn ứ, ách tắc, nhất là không để người dân vùng dịch gặp “khó khăn kép”. Người nông dân sản xuất ra nông sản nếu không tiêu thụ được thì coi như trắng tay. Nguồn thu chính bị cắt đứt.

Thực tế cho thấy những ngày qua hàng ngàn tấn rau củ quả, hàng trăm vạn con gà giống, gà thịt của Hải Dương không thể đưa ra tỉnh ngoài. Có hộ chăn nuôi đã phải đổ cả gà giống xuống ao cho cá ăn (người chăn nuôi xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).

Giải cứu nông sản cho người dân vùng có dịch, người dân các địa phương lân cận tỉnh Hải Dương đã một lần nữa thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Các điểm “giải cứu nông sản cho Hải Dương” xuất hiện nhiều ở các chợ truyền thống, ven đường, trong khuôn viên chung cư và cả trong siêu thị. Đó là điều rất đáng quý.

Nhưng vẫn xin được nhắc lại, rất cần một chủ trương thống nhất vừa thực hiện phòng, chống dịch, vừa hồi phục, phát triển kinh tế. Đặc biệt tuyệt đối không được ngăn sông, cấm chợ, không được để người nông dân vùng có dịch khó chồng thêm khó.

Nam Việt