Cần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài sang năm 2021 như hiện nay nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngày 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chưa đưa vào chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV việc xem xét thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón để chuyển sang Quốc hội khóa XV xem xét.
Còn để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề xuất trong thời gian tới Chính phủ cần đánh giá rõ hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân do tình hình dịch bệnh kéo dài để từ đó có chính sách cấp bách, hỗ trợ nhanh và duy trì để thực hiện mục tiêu kép. Lý giải cho đề xuất trên ông Giàu cho rằng: Hiện nay dịch bệnh đã kéo dài. Cho nên cần phải đánh giá sâu thêm, mở rộng, cho phép đầu tư vào các công trình trọng điểm.
Liên quan đến việc đề xuất cần có chính sách mới hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Người dân, doanh nghiệp đang khó khăn cho nên việc phải kéo dài chính sách hỗ trợ là điều tất yếu. Bởi điều quan trọng nhất là kinh tế phải phục hồi.
“Muốn phục hồi thì cốt lõi của vấn đề là sức sống của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta không thể không quan tâm đến vấn đề an ninh xã hội. Trong thời gian qua hai vấn đề trên, Chính phủ và Quốc hội đã quan tâm. Thời gian tới cũng cần tiếp tục quan tâm hơn”-ông Sinh nói.
Theo ông Sinh, cần quan tâm tới các chính sách mới trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Dù trong thời gian qua chúng ta đã có các chính sách hỗ trợ nhưng bây giờ cần đánh giá lại xem những chính sách đó thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn hay không?
Ông Sinh dẫn chứng: Ví dụ gói hỗ trợ 16 ngàn tỷ đồng hỗ trợ người lao động ngừng việc do ảnh hưởng Covid-19 đến bây giờ chưa có tổng kết đã giải ngân được bao nhiêu? mang lại hiệu quả thiết thực như thế nào? Vì vậy cần tổng kết lại những chính sách hỗ trợ trong thời gian qua được triển khai ra sao để từ đó có phương án duy trì hay bổ sung thêm những chính sách mới hơn để thực sự mang lại hiệu quả phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Sinh cũng cho rằng, trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên năm 2020 các doanh nghiệp vẫn còn vốn nên vẫn duy trì, nhưng sang năm 2021 vốn tích lũy hầu hết đã cạn. Bây giờ cần căn cứ vào “sức khỏe” của doanh nghiệp để có những quyết sách mang lại hiệu quả thiết thực tốt hơn cho họ trong thời gian tới.
“Chính “sức sống” của doanh nghiệp là sự sống còn của nền kinh tế. Chính sách thuế không những không tăng mà còn cần xem xét trong một số ngành lĩnh vực cực kỳ khó khăn phải giãn, hoãn, thậm chí giảm. Thứ hai, phải có chính sách bơm thêm vốn cho họ bằng cách yêu cầu hệ thống ngân hàng có chính sách tiếp tục giãn, hoãn, giảm lãi suất, thậm chí ưu đãi cho một số chính sách với lãi suất thích hợp. Theo tôi đây là cái Nhà nước phải bỏ ngân sách ra để bù cho ngân hàng để họ cùng với hệ thống ngân sách giảm dần các khoản chi tiêu, chi phí, giảm lãi suất đi. Thực tế trong năm 2020 các ngành kinh tế rất khó khăn nhưng nhiều ngân hàng lãi, lợi nhuận rất cao. Đây là câu chuyện cảm giác hơi bị ngược. Cho nên chúng ta cần có chính sách vĩ mô thực sự cụ thể ở một số lĩnh vực để cho doanh nghiệp đứng vững, sống và phát triển. Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới sau Tết, Thủ tướng đã yêu cầu tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực phát triển, vì có như vậy nền kinh tế mới có sức để vươn lên”-ông Sinh cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cần phải có thêm chính sách mới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Năm 2020 đã có 4 gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Nhất là hiện nay các doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương do dịch rất nhiều, tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng còn hạn chế. Vì thế Chính phủ nên có gói hỗ trợ mới.
“Theo đó có thể thành lập Tổ hợp tín dụng và yêu cầu tất cả các ngân hàng tham gia. Như gói hỗ trợ trong năm 2020, các ngân hàng chỉ cho các khách hàng “thân thiết” vay. Cho nên bây giờ phải thực sự là gói dành riêng cho các doanh nghiệp bị tác động, lãi suất có thể từ 3-5%/năm. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng lao đao, nếu căn cứ theo các quy định hiện nay của ngân hàng thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ chẳng ai với tới được”-ông Hiếu đề xuất.