Đẩy mạnh gắn kết du lịch và thể thao

Minh Quân 27/02/2021 09:00

Luôn trong trạng thái sẵn sàng khi Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch đang xây dựng các phương án để sớm trở lại trạng thái bình thường. Trong đó, việc gắn kết ngành du lịch và thể thao đang được xem là giải pháp “đôi bên cùng có lợi”.

Tiềm năng bị bỏ quên

Theo báo cáo của Tổng Cục Thể dục Thể thao, hàng năm có gần 200 giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia và hơn 30 giải thể thao quốc tế tại Việt Nam. Ngoài ra, mỗi kỳ Seagame, Asiad, Olympic chúng ta đều có các đội tuyển thi đấu. Tuy nhiên, việc khai thác chưa được hiệu quả do nhiều nguyên nhân như các giải thể thao thành tích cao của Việt Nam chưa hấp dẫn đủ sức lôi kéo đông đảo người tới xem. Duy nhất môn bóng đá nam tại đấu trường khu vực như Đại hội thể thao Đông Nam Á - Sea Game, Đại hội thể thao Châu Á - Asiad vừa qua có thành tích tốt nên lôi cuốn được số lượng lớn người đi cổ vũ tại Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018 và Sea Game 30 tại Philippines 2019. Tuy vậy chỉ dừng ở mức sang xem bóng đá rồi về chứ phần lớn các tour không tổ chức đi thăm quan. Các đơn vị kể cả đơn vị lớn cũng chật vật lấy vé xem ở nước ngoài và khó khăn thu xếp phương tiện vận chuyển do đây là dạng khách bị động và phụ thuộc vào thành tích của đội tuyển.

Về thể thao phong trào những năm gần đây đã có phát triển mạnh mẽ số lượng các CLB và các giải thể thao phong trào các môn Golf, chạy bộ, xe đạp, leo núi, Sup - Kayak, bơi… trong số đó thì bộ môn chạy bộ thu hút đông đảo số người tham gia. Đây là đối tượng quan tâm nhất của ngành du lịch chúng ta bởi quy mô phát triển mạnh. Chỉ tính riêng chạy bộ phong trào, Việt Nam hiện có khoảng 40 giải marathon diễn ra tại các địa điểm du lịch nối tiếng. Đặc biệt có địa điểm như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Sa Pa hàng năm có từ bốn giải lớn trong một năm. Quy mô mỗi giải từ vài nghìn đến hơn chục nghìn người tham gia tại mỗi giải như giải các giải của Vnexpress tại Hà Nội, Huế và Quy nhơn thường có từ bốn tới năm nghìn người tham gia. Giải có số lượng tham gia nhiều như giải Techcombank HCM Marathon tổ chức vào tháng hai tới sẽ có trên mười hai nghìn người đã đăng ký tham gia. Các giải có nhiều người nược ngoài tham gia nhất như giải Vietnam Moutain Marathon tại Sa Pa và Mộc Châu và giải ba môn phối hợp (bơi, đạp, chạy) Techcombank Đà Nẵng Ironman có VĐV đến từ 56 quốc gia tranh tài.

Cũng theo thống kê của Tổng Cục Thể dục Thể thao cứ một người tham dự giải phong trào thường mang theo hai người nữa đi cổ vũ và cùng nhau đi du lịch tại điểm diễn ra sự kiện thể thao. Hiện tại việc cung cấp dịch vụ du lịch cho các vận động viên phong trào và người đi theo mà các công ty du lịch phục vụ được là các khách chơi golf và chạy bộ còn lại chưa khai thác được nhiều từ các môn thể thao khác. Hầu hết các công ty tổ chức giải là các công ty truyền thông, sự kiện trong đó có cả công ty nước ngoài nhưng chỉ bán vé chạy còn dịch vụ vé, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ du lịch khác… đều do người tham gia tự túc đặt dịch vụ.

Du lịch thể thao đang là cơ hội phục hồi ngành “công nghiệp không khói” hậu Covid – 19. Ảnh Quang Vinh.

Tìm hướng đi hiệu quả

Với hàng trăm giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia, quốc tế và rất nhiều giải thể thao phong trào khác được tổ chức tại Việt Nam đang được xem là “mỏ vàng” cho du lịch Việt. Thế nhưng với những tiềm năng có sẵn sự liên kết đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Đơn cử tại Quảng Bình, sở hữu nhiều tiềm năng nhưng đến nay cũng mới chỉ một vài đơn vị doanh nghiệp kinh doanh du lịch mạnh dạn đầu tư, đưa vào khai thác và vẫn chưa có một định hướng hay quy hoạch cụ thể nào. Ngoại trừ một vài sản phẩm du lịch thể thao do Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đang khai thác khá hiệu quả, các dịch vụ còn lại như: motor nước, trượt cát, xe đạp… tuy khả quan nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ và vẫn chưa có quy hoạch, quản lý, đưa vào hệ thống.

Hay thời gian gần đây, nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng khu liên hợp thể thao, cung thể thao hay hệ thống các sân golf, quần vợt, sân bóng… để tổ chức các sự kiện thể thao lớn tầm quốc tế. Điển hình như Hà Nội đã xây dựng thành công đường đua xe F1. Tuy nhiên thực tế để du lịch kết hợp thể thao hiệu quả, chi phí đầu tư thường rất lớn dành cho hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như hệ thống dịch vụ liên quan. Mặc dù nhu cầu hoạt động du lịch thể thao của khách hàng trong và ngoài nước ngày càng lớn, lĩnh vực du lịch kết hợp với thể thao ở Việt Nam vẫn còn khá mới bởi chưa có chiến lược phát triển toàn diện.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch Đinh Ngọc Đức nhận định: Mặc dù du lịch thể thao mới được quan tâm vài năm trở lại đây nhưng thế giới đã phát triển từ rất lâu. Ngoài các vận động viên, các giải thể thao thường thu hút một lượng lớn người đến xem. Nhiều khán giả sẽ không chỉ đến 1 điểm xem giải đấu mà sẽ tranh thủ thời gian trải nghiệm, khám phá đất nước nơi họ đến. Mỗi một điểm đến, dịch vụ, trải nghiệm mới mẻ mà vận động viên, khán giả đến cảm nhận và chia sẻ sẽ là một “kênh” quảng bá hữu hiệu hình ảnh, đất nước con người Việt Nam.

Từ thực tế trên, để du lịch thể thao phát triển hơn nữa thì các địa phương cần tạo thủ tục thông thoáng trong việc cấp phép tổ chức giải thể thao phục vụ du lịch, phục vụ xúc tiến điểm đến. Xã hội hóa công tác tổ chức giải, kêu gọi nguồn đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân không dùng kinh phí địa phương để tổ chức các giải phong trào. Nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt hạ tầng phục vụ thể thao.

Truyền thông để người dân nhận thức rõ lợi ích bền vững mà du lịch thể thao mang lại cho địa phương. Tổng Cục Thể dục Thể thao nên có thông tin niêm yết công khai và sớm về các giải đấu thể thao thành tích cao tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ nhân sự chuyên môn cho giải thể thao phong trào.

Đặc biệt, với vị thế là điểm đến an toàn, lý tưởng sau thời dịch bệnh, Việt Nam cần khảo sát, quy hoạch những địa điểm, khu vực phù hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch thể thao để xúc tiến quảng bá hình ảnh quốc gia, thúc đầy đà phục hồi của ngành du lịch thời kỳ hậu Covid-19.

Minh Quân