Tín hiệu vui đến từ dệt may

Minh Phương 27/02/2021 06:36

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thì thật mừng là nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục. Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khởi đầu năm 2021, các doanh nghiệp dệt may đã có nhiều đơn hàng mới. 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của dệt may đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ 2020.

2 tháng khởi đầu năm 2021, ngành dệt may có nhiều tín hiệu vui.

Khởi đầu lạc quan

Nếu như cùng thời điểm này của năm 2020, ngành may nước nhà bắt đầu đối diện với những khó khăn khi virus SARS-CoV-2 xuất hiện, dịch bệnh hoành hành tràn lan khiến nguồn cung nguyên liệu đứt gãy, giao thương đình trệ, các hợp đồng may mặc với đối tác bị hủy bỏ... thì nay, diện mạo đã khác.

Trải qua một năm đầy khó khăn, những tháng khởi điểm đầu năm 2021, ngành may đang có những dấu hiệu tiển triển, khi các đơn hàng mà doanh nghiệp (DN) may mặc nhận từ các đối tác ngày một dày lên.

Đáng chú ý, theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ước tính 2 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu của dệt may đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ 2020. Đây thực sự là nỗ lực lớn của ngành dệt may Việt Nam khi vừa đảm bảo an toàn chống dịch vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.

Ước tính, đến thời điểm hiện tại rất nhiều DN dệt may đã ký kết những đơn hàng đến hết quý I/2021, thậm chí có những DN có đơn hàng đến giữa năm. Đơn cử như Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) đã có đơn hàng đến hết tháng 6/2021. Còn theo số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện các DN dệt may đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của ngành may mặc.

Nhận định với báo giới về những tín hiệu của sự phục hồi, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hội Dệt may Việt Nam nêu quan điểm, sau một năm đối đầu với đại dịch Covid-19, các DN dệt may đã tìm ra những hướng đi phù hợp để thích nghi trong bối cảnh khó khăn. Cùng với đó việc các nước liên tục đưa vaccine vào để phòng và chống bệnh dịch cũng đang tạo tâm lý tích cực, giúp cầu tiêu dùng dệt may tăng trở lại.

Nỗ lực vừa sản xuất, vừa chống dịch

Được biết, năm 2021 ngày, ngành dệt may Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kế hoạch này là khả thi vì ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết.

Trong đó Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được như châu Âu. Đặc biệt các FTA cũng tạo ra lực hút hấp dẫn các nhà đầu tư đổ vốn vào ngành may mặc, đặc biệt là ngành dệt để bổ sung vào phần thiếu hụt nguyên liệu của ngành này.

Cũng khẳng định về tính khả thi của mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021, song theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, rất cần những nỗ lực, sự bứt phá của các DN trong ngành.

“Về phía Vinatex, chúng tôi phấn đấu đạt kết quả bằng năm 2019 là mức cao, còn mức cơ sở là tăng khoảng 12%. Theo theo dự báo của McKinsey tháng 12/2020 thì nhanh nhất phải đến quý 3/2022, thế giới mới có cầu bằng năm 2019, còn không thì phải hết năm 2023.

Do đó, Vinatex đặt mục tiêu cao là năm 2021 bằng năm 2019, tức là sớm 3 cho đến 9 quý. Còn không thì đến giữa năm 2022 cũng sẽ ngang năm 2019, tức là sớm từ 1 cho đến 4 quý so với thế giới. Đây là mục tiêu có rất nhiều thách thức và chúng tôi sẽ nỗ lực để đạt được kết quả cao nhất” - ông Trường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị Chủ tịch Vinatex khuyến cáo, mục tiêu này đạt được hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào kiểm soát dịch bệnh ở cả trong nước và thế giới.

“Như hiện nay, các đơn hàng đang có sự phục hồi khá nhưng lại có rủi ro dịch bệnh ở trong nước. Nếu phát sinh phải cách ly thì không chỉ không có tăng trưởng mà còn có nguy cơ chúng ta phải chịu phạt hợp đồng. Do vậy hiện nay Vinatex chỉ đạo các đơn vị đưa chế độ phòng dịch ở mức cao nhất để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn, hiệu quả” - ông Lê Tiến Trường cho biết.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, nhưng trong năm 2020, ngành dệt may Việt Nam vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu 35 tỷ USD (so với 39 tỷ USD năm 2019). Tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao từ 9,3% đến 35,6% cho thấy tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành trong năm mới và hướng đến cán đích 39 tỷ USD vào cuối năm.

Minh Phương